Chông gai chờ đợi Tân Tổng thống Macron sau cánh cửa Điện Elysee
(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp với 2 vòng gay cấn, ông Emmanuel Macron không có nhiều thời gian tận hưởng niềm vui và những lời chúc tụng mà sẽ phải bắt tay ngay vào việc giải quyết hàng loạt thách thức phía trước.
- Ông Macron thắng áp đảo, trở thành Tổng thống trẻ nhất lịch sử Pháp
- Thăm dò ngoài phòng bỏ phiếu bầu tổng thống Pháp: Ông Macron giành chiến thắng
Rượu sâmpanh nổ vang hòa cùng niềm vui vỡ òa của những người ủng hộ, báo hiệu nước Pháp đón chào vị Tổng thống mới Emmanuel Macron. Ở tuổi 39, ông Macron đã đi vào lịch sử nước Pháp khi trở thành chủ nhân trẻ tuổi nhất của Điện Elysee.
Gánh trên vai trách nhiệm chèo lái con thuyền đất nước, ông Macron được kỳ vọng sẽ mang lại “luồng sinh khí mới” để vực dậy một nước Pháp chia rẽ sâu sắc và đang vật lộn với những khó khăn kinh tế lẫn những thách thức an ninh.
Chiến thắng áp đảo của nhà lãnh đạo trẻ tuổi thuộc phong trào chính trị mới “Tiến bước” theo đường lối trung dung trước đối thủ “đáng gờm” Marine Le Pen mang tư tưởng cực hữu cho thấy cử tri Pháp vẫn tin tưởng vào việc xây dựng một quốc gia cởi mở và hội nhập.
Cả Liên minh châu Âu (EU) cũng đã “quẳng được gánh lo” bởi sự lựa chọn của cử tri Pháp có thể coi là “lời tuyên cáo” mạnh mẽ cho làn sóng hoành hành của chủ nghĩa dân túy cực đoan và chống toàn cầu hóa ở châu Âu. Tuy nhiên, giành được chiếc ghế quyền lực của nước Pháp không đồng nghĩa rằng con được phía trước của ông Macron sẽ trải hoa hồng.
Sau cánh cửa Điện Elysee, ông Macron không có nhiều thời gian để nhâm nhi ly sâmpanh mang dư vị chiến thắng, mà phải bắt tay ngay vào việc giải quyết hàng loạt thách thức phía trước trên cương vị mới.
Tân Tổng thống Macron phải tìm kiếm những gương mặt tài năng để tranh cử trong cuộc bầu cử lập pháp sắp tới
Nhiệm vụ đầu tiên của tân Tổng thống Macron là phải tìm kiếm những gương mặt tài năng trong đảng để ra tranh cử trong cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 6 tới, với mục tiêu có được đa số phiếu ủng hộ tại Quốc hội Pháp nhằm tạo thuận lợi cho các chính sách mới được thông qua. Tuy nhiên, vấn đề này đặc biệt khó khăn bởi khi bước vào cuộc đua giành ghế tổng thống, vị cựu Bộ trưởng Kinh tế không có đảng lâu năm nào hậu thuẫn, trong lúc đảng Tiến bước của ông vẫn còn non trẻ và không có nền tảng vững chắc.
Trong trường hợp 2 lực lượng chính trị chính là đảng Xã hội cánh tả và Những người Cộng hòa cánh hữu giành ưu thế trong cuộc bầu cử sắp tới, ông Macron sẽ phải thỏa hiệp để đảm bảo việc điều hành quốc gia được suôn sẻ, nếu không muốn bị “trói tay” trong các vấn đề đối nội. Do đó, ông Macron phải nỗ lực thu hẹp những bất đồng và tìm một giải pháp “sống chung” hợp lý nhất, qua đó chứng tỏ ông có thể đứng đầu một chính phủ “liên minh quyết tâm”, chấp nhận cả những khác biệt về mặt chính trị, để cùng tiến tới một mục đích chung như ông từng tuyên bố.
Cùng với thu hẹp bất đồng truyền thống giữa các đảng chính trị, ông Macron cũng phải tìm giải pháp hàn gắn một đất nước vốn đang chia rẽ sâu sắc. Pháp đang có nhiều hố sâu ngăn cách nội bộ khi không chỉ giới tinh hoa chính trị mà các nhóm dân cư đều đang xung đột với nhau, trong đó nổi lên là bất đồng giữa một bên ủng hộ hội nhập với một bên là những người muốn quay lại tư tưởng dân tộc chủ nghĩa.
Trong bối đó, sự giận dữ của người dân trước những vấn đề trong xã hội ngày càng rõ nét và họ ngày càng mất niềm tin vào giới chính trị.
Bên cạnh đó, dù thất bại trước ông Macron, việc một ứng cử viên cực hữu như bà Marine Le Pen có thể giành được sự ủng hộ của đông đảo người lao động để lọt vào vòng 2 cũng đang tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn trong xã hội.
Người vừa thất bại trong cuộc bầu cử - bà Le Pen - cũng có thể tạo ra nguy cơ tiềm ẩn trong xã hội
Khôi phục lòng tin của người dân đối với các thể chế hiện hành cũng như các tư tưởng chính trị chủ lưu là điều không hề đơn giản đối với ông Macron, bởi bên cạnh nỗ lực thực hiện đầy đủ những cam kết đưa ra trước đó, tổng thống mới cũng phải đảm bảo rằng chương trình hành động của mình không phải là sự tiếp nối hay lặp lại các chính sách mà người tiền nhiệm vốn "không được lòng dân" Francois Hollande thực thi trong 5 năm qua.
Trên thực tế, nhiều người Pháp bỏ phiếu cho ứng cử viên trung dung không phải bởi họ hoàn toàn tin tưởng vào ông, mà bởi họ không còn sự lựa chọn khác nếu không muốn một nhân vật cực hữu lên nắm quyền.
Việc tìm ra “phương thuốc” đặc trị hữu hiệu cho nền kinh tế trì trệ hiện nay cũng là bài toán khó đối với tân Tổng thống Macron khi nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu nhiều năm luôn tăng trưởng ảm đạm, thâm hụt ngân sách cao và tỷ lệ thất nghiệp ở mức 10%. Con số này cao hơn cà mức trung bình của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và gấp đôi tỷ lệ thất nghiệp ở Đức và Anh.
Trong khi đó, nợ chính phủ đã nhảy vọt lên gần mức 90%, tăng từ mức 58% tại thời điểm 10 năm trước, cùng với tăng trưởng được dự báo ở mức yếu nhất trong EU, sẽ dẫn đến những nguy cơ nghiêm trọng đối với tài chính công trong tương lai.
Những vụ khủng bố ở Pháp khiến người dân lo lắng
Mối đe dọa khủng bố cũng là một “từ khóa” trong danh sách những thách thức của ông Macron. Trong số những quốc gia châu Âu, Pháp là 1 mục tiêu hàng đầu của các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Trong 2 năm qua, quốc gia này đã sống trong nỗi ám ảnh thường trực của hàng loạt vụ tấn công đẫm máu, như các vụ ở Paris và Nice, làm dấy lên tâm lý bất an và lo sợ trong xã hội. Trong bối cảnh xã hội Pháp đang đặc biệt chia rẽ và dễ bị tổn thương, các đối tượng khủng bố luôn tìm cách phá hủy sự gắn kết dân tộc bằng cách làm trầm trọng thêm sự căng thẳng giữa cộng đồng người Hồi giáo và bộ phận người dân còn lại. Mặt khác, nguy cơ những công dân nhiễm tư tưởng cực đoan tìm cách thực hiện các vụ tấn công theo kiểu “con sói đơn độc” ngay trong lòng nước Pháp cũng đang ngày càng gia tăng.
Cử tri Pháp cũng chờ đợi cách thức ông Macron đem lại các thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Pháp, đặc biệt liên quan đến vai trò quan trọng của nước này trong EU. Từng là một trong những nước sáng lập EU, có ảnh hưởng lớn trong các cuộc thảo luận và được các đối tác trông chờ, thời gian qua, so với nước láng giềng Đức, vai trò của Pháp bị nhìn nhận có phần lép vế hơn trong EU, một phần do sự bất cân xứng kinh tế giữa 2 nước không ngừng tăng lên trong 10 năm qua. Do đó, Paris cần khôi phục uy tín chính trị và kinh tế thông qua xây dựng một chương trình cải cách cơ cấu nhằm đảm bảo sự ổn định không chỉ riêng nước Pháp mà còn cho cả toàn thể EU.
Dẫu sao, bằng sự năng động, nhiệt huyết và khẩu hiệu thay đổi, ông Macron đã bước đầu chinh phục được cử tri trong cuộc đua khốc liệt vào Điện Elysee. Trên chặng đường không trải thảm đỏ sắp tới, ông Macron phải chứng minh nhiều hơn nữa với cử tri, rằng dù trẻ tuổi và ít kinh nghiệm, song lòng tin mà họ đặt vào ông không phải là thiếu căn cứ...
Theo TTXVN