Chọn an nhàn ở tuổi 25 để rồi chịu cảnh thất nghiệp ở năm trung niên: ‘Nếu biết trước 4 điều này tôi chẳng chịu cảnh chật vật’
Thất nghiệp ở tuổi 35 thực ra đã được báo trước bởi sự an nhàn ở tuổi 25. Không ai có thể đảm bảo bạn sẽ làm việc một công ty từ giờ đến cuối đời với mức lương được tăng đều đặn hàng năm. Bởi chỉ cần thay đổi người lãnh đạo hay công ty gặp trục trặc, bạn hoàn toàn có thể bị thất nghiệp.
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt về việc làm như hiện nay, ngày càng nhiều các thông báo tuyển dụng áp đặt giới hạn độ tuổi dưới 35 khiến nhiều người ở ngưỡng này cảm thấy vô cùng mông lung về tương lai của mình.
Ảnh: Internet
Tang Ying (35 tuổi, Thượng Hải, Trung Quốc) gần đây đang rơi vào tình trạng mất ngủ vì bị sa thải ở công ty đã gắn bó hơn 10 năm. "Vào giữa tháng 7 năm nay tôi đột ngột bị công ty cho nghỉ việc với lý do cắt giảm nhân sự. Với kinh nghiệm làm việc lên đến hơn 10 năm, tôi nghĩ rằng mình có thể dễ dàng tìm kiếm được công việc mới. Vì thế sau khi bị sa thải, tôi đã nghỉ ngơi khoảng 1 tháng và chính thức tìm kiếm công việc từ tháng 9. Tuy nhiên điều tôi không ngờ rằng suốt từ đó đến nay mình không nhận được bất kỳ lời mời làm việc nào", người phụ nữ 35 tuổi tâm sự.
Đến giờ nhìn lại những năm tháng sau khi tốt nghiệp đại học, cô nhận thấy hiếm khi có thời gian đọc sách hay tham gia khoá học nâng cao kỹ năng. "Tôi tự đánh giá kiến thức của mình không có gì khởi sắc trừ việc cộng thêm vài năm làm việc do quen tay. Có lẽ với tâm lý ổn định đã khiến tôi không lường trước được một ngày mình phải rơi vào cảnh này", Yang nói.
Dẫu ở tuổi 35, nhưng đến nay cô đã bị thất nghiệp đến 5 tháng. Trong suốt thời gian đó, cô đã rút ra 4 bài học cho chính bản thân mình mà tất cả những người đang đi làm cần phải biết.
1. Lập kế hoạch nghề nghiệp rất quan trọng
Ở bậc đại học, ngoài học kiến thức từ sách vở, điều quan trọng hơn là hình thành nhận thức toàn diện về bản thân, chẳng hạn như bạn thích gì, thế mạnh của bạn là gì nhằm hình thành một kế hoạch nghề nghiệp sơ bộ.
Bạn cần hiểu rõ định hướng trong tương lai của chuyên ngành mình đang theo học, cách tốt nhất là nên trò chuyện với đàn anh, đàn chị để hình dung cụ thể về nghề nghiệp bạn sẽ làm. Từ đó bạn sẽ có sự chuẩn bị kỹ càng hơn. Bởi ra trường không phải cứ tìm được một công việc có lương là đã đủ. Chi phí thử và sai đối ở nơi làm việc là quá cao đối với một người bình thường. Đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt về việc làm, các công ty càng có yêu cầu cao đối với nhân sự mới.
Ảnh: Internet
Ví dụ như công ty bạn khao khát muốn vào thuộc ngành A nhưng 2 công việc đầu tiên bạn làm sau khi ra trường lại là ngành B. Với những công việc bạn đã có kinh nghiệm không phù hợp với vị trí mong muốn nên bạn chẳng bao giờ có cơ hội được nhà tuyển dụng để mắt tới.
Tương tự như vậy, do không có kế hoạch nghề nghiệp, bạn rất dễ thay đổi công việc thường xuyên sau khi tốt nghiệp. Điều này khiến hồ sơ xin việc của bạn không có trọng tâm, tập trung vào một lĩnh vực nào đó. Sớm muộn, việc này cũng ảnh hưởng đến quá trình tìm việc của bạn sau này.
Bạn cần chú ý rằng, ở những công việc đầu tiên sau khi ra trường, kinh nghiệm quan trọng hơn tiền lương. Nếu không thể tham gia vào các tập đoàn lớn, bạn hoàn toàn có thể ứng tuyển vào các công ty nhỏ hơn. Điều quan trọng là môi trường làm việc giúp bạn được học hỏi kinh nghiệm một cách tối đa.
2. Duy trì khả năng cạnh tranh tại nơi làm việc
Chúng ta cần hiểu rằng bạn và công ty chỉ ràng buộc bởi hợp đồng lao động. Bởi vậy công ty hoàn toàn có thể tìm được người khác tốt hơn thay thế bạn bất kỳ lúc nào. Để không bị sa thải, bạn cần chú ý đến việc không ngừng nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh.
Đầu tiên, bạn cần thường xuyên kiểm tra phần mềm tuyển dụng của công ty để hiểu có bao nhiêu người đang cạnh tranh ở vị trí của bạn.
Thứ hai, do sự thay đổi nhanh chóng của mọi ngành nghề, nội dung công việc bạn đang làm cũng sẽ có những thứ mới. Bạn cần chú ý đến sự thay đổi này. Từng làm công việc liên quan đến truyền thông, Tang Ying nhận thấy không chỉ yêu cầu kinh nghiệm về việc vận hành các nền tảng mạng xã hội. Bạn còn phải có khả năng chỉnh sửa video và ảnh. Vì không học thêm những kỹ năng mới kịp thời, nên cô không có bất kỳ lợi thế nào để cạnh tranh với các bạn trẻ hiện nay.
Ảnh: Internet
3. Đừng ngại đảm nhận công việc ngoài trách nhiệm của bạn
Chúng ta thường gặp phải những tình huống như lãnh đạo giao phó cho bạn công việc không thuộc nội dung việc đang làm. Hay đồng nghiệp ở bộ phận khác cần bạn hỗ trợ để làm một số việc. Trong trường hợp này đừng né tránh hay cảm thấy phiền phức bởi đây là cơ hội để bạn rèn luyện khả năng làm việc của mình.
Đừng chỉ coi công việc là một công cụ kiếm tiền hàng ngày, bạn cần chú ý nâng cao năng lực bản thân trong quá trình làm việc. Bởi bạn không làm việc cho một doanh nghiệp, về bản chất nó đang làm việc cho chính bạn. Những gì làm được trong công ty và hiệu quả đạt được, bạn hoàn toàn có thể ghi vào CV xin việc. Càng dày các thành tích, bạn càng có nhiều cơ hội để cạnh tranh. Việc tiếp xúc với những thứ khác ngoài trách nhiệm của bạn rất hữu ích trong việc mở rộng tầm nhìn cá nhân và phát triển khả năng toàn diện.
4. Mối quan hệ với đồng nghiệp là rất quan trọng
Ảnh: Internet
Nhiều người thường cho rằng ở nơi làm việc chỉ cần hoàn thành tốt công việc là đủ. Tuy nhiên, năng lực của bạn sẽ được cải thiện nếu có được mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, đặc biệt với lãnh đạo. Bởi lãnh đạo là người trực tiếp quyết định sự thăng tiến của bạn. Nếu muốn thăng tiến bạn phải học cách xây dựng mối quan hệ.
Đồng thời tính cách vui vẻ và sự năng động của bạn cũng rất quan trọng. Nhiều nhà tuyển dụng cho rằng họ luôn mong muốn tuyển được các ứng viên vui vẻ, hướng ngoại thay vì một người giỏi về chuyên môn nhưng lại rụt rè. Mặc dù điều này nghe có vẻ khó hiểu nhưng đó là sự thật. Do đó, nếu người hướng nội muốn phát triển ở nơi làm việc, bạn cần học cách hòa nhập vào nhóm trong những dịp thích hợp.