Chớm Thu bâng khuâng "Khúc mùa Thu"
Cái hay của Hà Nội ở chỗ, sẽ có thời điểm nào đó nó có thể "điều hướng" được cảm xúc của ta, khiến ta mềm hơn một chút, lãng mạn hơn một chút, bắt ta phải nhớ về một giai điệu nào đó và thả trôi tâm hồn mình. Cái thời điểm kỳ lạ đó thường đến với tôi vào mùa Thu. Và những ngày chớm Thu này, tôi lạc vào Khúc mùa Thu và giọng hát vàng son một thời, NSND Lê Dung (1951 - 2001).
1. "Tôi đã yêu - đã yêu như chết là hạnh phúc/ Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em/ Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc/ Còn điều chi em mải miết đi tìm"… Thi tôi đang "lướt net" và vô tình nhìn thấy bài quen mình yêu thích và tiếng hát Lê Dung ngân vang. Đây không phải lần đầu tiên tôi nghe nữ nghệ sĩ trải lòng trong khúc ca này, nhưng cũng lâu rồi mới nghe lại.
Lần đầu tiên, cũng xa lắm rồi, vào giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi ấy nữ nghệ sĩ còn hiện hữu trên cuộc đời này và tham gia một chương trình hòa nhạc tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Khi ấy, NSND Lê Dung mặc chiếc váy màu xanh coban lấp lánh và hát. Tiếng hát của nữ nghệ sĩ bữa ấy khác lắm, tôi nghe thấy nó nội lực hơn và thổn thức hơn. Có thể do hát trực tiếp cần xử lý mạnh mẽ hơn; cũng có thể do khi ấy tôi mặc định trong đầu rằng người nghệ sĩ đang đắm say với tiếng hát kia là một ca sĩ opera hàng đầu… Song trên hết, phần thể hiện của Lê Dung quả có sức truyền cảm mãnh liệt, như thể rút hết tâm hồn mình vào trong tác phẩm, khiến người nghe, trong đó có tôi, cảm thấy sởn da gà.
Lần đầu tiên đấy cũng là duy nhất tôi được nghe NSND Lê Dung hát trực tiếp tác phẩm Khúc mùa Thu. Về sau, có rất nhiều nghệ sĩ thể hiện ca khúc này, họ đều là những nghệ sĩ tài năng, có học thuật và có cả "tính đời" trong cách hát nhưng khiến tôi xúc động như hôm ấy thì vẫn chưa ai thay thế được.
Cũng chính vì thế mà hôm nay, khi vô tình "lướt net", thưởng thức lại ca khúc này, tôi lại thấy có sự khác lạ. Vẫn giàu cảm xúc nhưng dường như đó là một Lê Dung khác, một Khúc mùa Thu khác, thong thả hơn, nhẹ nhàng hơn. Thậm chí tôi không còn thấy nỗi đau tâm hồn của người nghệ sĩ vẫn còn ngự trị như lần thưởng thức trực tiếp, có lẽ nỗi đau đã được cất ngăn nắp vào một ngăn nào đó trong thẳm sâu thì Khúc mùa Thu mới có được cảm xúc mới này.
2. Khúc mùa thu có khởi đầu là một bài thơ của nhà thơ Hồng Thanh Quang, được nhạc sĩ Phú Quang (1949 - 2021) phổ nhạc và sau đó, qua sự thể hiện của giọng ca Lê Dung, ca khúc đã "sống" và lan tỏa trong trái tim những người yêu nhạc, yêu mùa Thu và những người có cuộc sống nội tâm, có tâm hồn đã từng đau đớn về tình yêu.
Nhạc sĩ Phú Quang biết bài thơ từ năm 1994 trong một lần ông ra Hà Nội, thật tình cờ Khúc mùa Thu được in trên tờ Hànộimới Cuối tuần lại đang nằm trên tay ông. Không lâu sau, ca khúc cùng tên với bài thơ gốc ra đời. Đó cũng là lần đầu, ông phổ thơ Hồng Thanh Quang. Bây giờ nhìn lại những ca khúc nhạc sĩ Phú Quang phổ thơ của nhà thơ này được khán giả yêu thích như Mẹ, Romance no4… thì Khúc mùa Thu có lẽ là ca khúc có lời ca sát với lời thơ nhất. Gần như toàn bộ bài thơ gốc được nhạc sĩ giữ nguyên khi chuyển vào phần lời ca của ca khúc, chỉ có chút thay đổi không đáng kể khi sử dụng điệp từ (một thủ pháp trong sáng tác ca khúc) bằng cách nhắc lại từ "đã yêu" trong câu hát "Tôi đã yêu đã yêu…". Ngoài ra, ca khúc chỉ thay đổi một từ "mãi" thành "nỗi" trong câu hát "Nỗi cô đơn vằng vặc giữa trời".
Không phải ngẫu nhiên, một nhạc sĩ nổi danh với sáng tác ca khúc phổ thơ hàng đầu như Phú Quang lại gần như không phải can thiệp vào lời bài thơ mà tác phẩm khi ra đời vẫn đậm tính ca khúc chứ không phải dạng hát thơ. Có nghĩa tính nhạc trong bài thơ Khúc mùa Thu rất cao. Cũng có thể tính nhạc là một chủ ý trong cảm xúc sáng tạo của nhà thơ Hồng Thanh Quang ở thời điểm sáng tác bài thơ này.
3. Một chút riêng tư, có một chi tiết khá thú vị là ở ngoài đời, người viết từng tiếp xúc rất nhiều lần với cả 3 nghệ sĩ tạo nên một Khúc mùa Thu ngân vang mãi trong lòng người nghe nhưng chưa bao giờ cùng lúc gặp cả 3 hoặc gặp 2 trong số 3 người. Mỗi lần gặp chỉ một người và thậm chí còn ở khoảng thời gian cách rất ra nhau. Nhạc sĩ Phú Quang là người tôi có tiếp xúc nhiều nhất trong giai đoạn những năm từ 2003 - 2010 trong giai đoạn tôi công tác ở Ban biên tập Nhà xuất bản Âm nhạc - Dihavina; thời điểm đó nhạc sĩ thường xuyên phát hành album và tìm đến chúng tôi để thực hiện.
Từ khoảng 2015 cho đến hiện tại, người viết lại thường xuyên gặp gỡ nhà thơ Hồng Thanh Quang. Thậm chí, còn có mối duyên hai lần làm tổng đạo diễn đêm nghệ thuật lớn của nhà thơ tại Nhà hát lớn Hà Nội, đó là các đêm thơ nhạc Người đàn ông mùa Thu (2018) và Vẫn nguyên là nỗi khát (2022). Trước đó một năm, năm 2017, tôi cũng tham gia đêm thơ nhạc Còn điều chi em mải miết đi tìm của nhà thơ cũng tại Nhà hát Lớn với tư cách nghệ sĩ biểu diễn. Dẫu gắn bó với nhà thơ nhưng chưa một lần tôi có ý định muốn hỏi cho tường tỏ về Khúc mùa Thu. Dẫu có nghe phong thanh đây đó rằng bài thơ nổi tiếng này được nhà thơ sáng tác dành cho chính người ca sĩ thể hiện đầu tiên ca khúc Khúc mùa Thu - Lê Dung (?). Nhưng những thông tin chỉ dừng lại ở đấy, tôi cũng không muốn khai thác sâu hơn vì sợ rằng khi biết nhiều mình lại bị dẫn dắt theo cảm xúc đó mà mất đi cảm nhận theo cách riêng và không còn thấy chính mình khi nghe tác phẩm đó.
Dẫu thế, người tôi gặp sớm nhất lại là NSND Lê Dung, ngay từ những năm thập niên 1990, khi tôi mới bước chân vào Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), lúc đó NSND Lê Dung cũng đang tham gia giảng dạy trong trường và tôi thường tranh thủ cơ hội tiếp cận, nghe cách nghệ sĩ truyền dạy học sinh. Đó là một Lê Dung khác hẳn trên sân khấu âm nhạc, gần gũi và sẻ chia với giới trẻ.
4. Trở lại ca khúc Khúc mùa Thu qua sự thể hiện của Lê Dung. Không phải ngẫu nhiên tôi chọn tác phẩm này cho bài viết hôm nay mà bởi, có những chi tiết rất thú vị mà bấy lâu nay vẫn thường nghe nhưng không phát hiện ra nên thường bị bỏ qua. Đó là cách một giọng hát opera hàng đầu nhưng lại hát theo phong cách nhạc nhẹ, tạo nên hiệu quả rất riêng đầy ấn tượng. Ở đó, vẫn còn nguyên sự sang trọng trong giọng hát nhưng nhiều yếu tố của nhạc trữ tình, nhạc nhẹ đã được đan xen một cách tự nhiên, từ cách nhấn nhá, nhả chữ, đặt nốt trong vị trí âm thanh, cho đến phong thái hát nhẹ nhàng và dẫn dắt người nghe tăng dần cảm xúc về phía cuối của tác phẩm.
Điểm khiến người viết có ấn tượng nữa là Khúc mùa Thu của Lê Dung là một bản thu âm có lẽ đã được thực hiện cũng cỡ chừng 30 năm trước vì vậy nó vẫn được thực hiện bằng kỹ thuật thu âm analog, thời mà cả nhạc công, ca sĩ không có tài năng thực sự không thể làm nghệ sĩ được. Với bản thu âm nhạc mang lại cho người nghe cảm xúc âm nhạc khác biệt so với "kỷ nguyên" lạm dụng kỹ thuật điện tử, nó là một thứ âm nhạc chân thật.
Tuy nhiên, đáng nói nhất là sự đón nhận mạnh mẽ của khán giả với tác phẩm và phần thể hiện này. Chẳng hạn người viết tiếp cận với Khúc mùa Thu trên một kênh YouTube chưa được hệ thống hóa, nhiều khả năng chỉ là kênh tự phát do khán giả yêu nhạc thực hiện. Trong khi, các file khác cùng kênh chỉ có lượt xem vài trăm, thậm chí vài chục, thì Khúc mùa thu do Lê Dung thể hiện (đăng năm 2013) đã đạt tới con số rất lớn, hơn 4,436 triệu lượt xem và gần 800 bình luận. Quả là những con số không phải nghệ sĩ nào, tác phẩm nào kể cả đang rất trend hiện nay cũng đạt được.
Mùa Thu năm nay ghi dấu ấn tròn 30 năm Khúc mùa Thu. 30 năm trước, Phú Quang cho ra đời tác phẩm này từ một tình yêu sâu nặng dành cho Hà Nội và mùa Thu; Hồng Thanh Quang sáng tác bài thơ này cho chính những tâm sự, dòng cảm xúc của mình; Lê Dung đã thể hiện cho chính tâm hồn mình. Ba tình yêu lớn của ba nghệ sĩ tên tuổi chạm nhau và dồn vào một tác phẩm. Và Khúc mùa Thu sẽ còn hiện hữu cùng mùa thu như người bạn tâm tình với người nghe.
"30 năm trước, Phú Quang cho ra đời "Khúc mùa Thu" từ một tình yêu sâu nặng dành cho Hà Nội và mùa Thu; Hồng Thanh Quang sáng tác bài thơ này cho chính những tâm sự, dòng cảm xúc của mình; Lê Dung đã thể hiện cho chính tâm hồn mình" - nhạc sĩ, nhà phê bình Nguyễn Quang Long.
Vài nét về "Khúc mùa Thu"
Nhạc: Phú Quang
Lời thơ: Hồng Thanh Quang
Thể hiện: NSND Lê Dung
Album: Mới thôi... mà đã một đời (phát hành 2013) và những album khác của nhạc sĩ Phú Quang phát hành trước đó nhiều năm.
Không cho điểm