Chớ lạc quan tếu với U22 Việt Nam
(Thethaovanhoa.vn) - “Bây giờ không vô địch thì còn đợi đến bao giờ”, bầu Đức phát đi thông điệp đó đến HLV Hữu Thắng, cùng Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…
- U22 Việt Nam: 'Sợ Thái Lan thì đừng đi SEA Games nữa!'
- HLV Hữu Thắng chấn thương, U22 Việt Nam đã có đủ 4 tiền đạo
- Hồng Duy tái hiện kỹ thuật 'Cruyff turn' ở U22 Việt Nam
Tuyên bố của người đứng… nhì VFF làm người viết liên tưởng đến khẳng định của cựu Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ cách đây đúng 10 năm. Trước thềm SEA Games 24, ông Hỷ cũng chắc nịch như đinh đóng cột: “Đội tuyển U23 Việt Nam không vô địch thì còn đợi đến bao giờ”?. Nhưng “nặng đô” hơn, đấy là nguyên Phó Chủ tịch VFF thời đó, Lê Hùng Dũng, với phát ngôn: Không vô địch SEA Games thì…vứt!
Và cho đến bây giờ, đã hơn 2 nhiệm kỳ VFF trôi qua, đấy vẫn là những uyển ngữ.
Ông Nguyễn Trọng Hỷ, Lê Hùng Dũng, ông Đoàn Nguyên Đức đều là những nhà lãnh đạo, quản lý và hoạch định sự phát triển của nền bóng đá. Họ phải nói cứng khi quân chuẩn bị lâm trận. Tuy thế, không phải thiếu căn cứ, bởi có nhiều giai đoạn bóng đá Việt Nam đã có “triệu chứng” vượt ngưỡng.
Năm 2007, đội tuyển Việt Nam với gần phân nửa là các cầu thủ dưới 23 tuổi, quật ngã cả UAE, cầm hoà Qatar, để lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào tới tứ kết giải vô địch châu Á (Asian Cup) và chỉ chịu thua nhà vô địch Iraq. Cũng trong năm đó, Olympic Việt Nam đã cuốn phăng rất nhiều đối thủ nặng ký trên đường tiến vào vòng loại cuối cùng Olympic Bắc Kinh 2008. Thêm suất dự VCK U20 châu Á làm tiền đề…
Đấy là với cấp độ các ĐTQG, bên cạnh đó, sức mạnh nội tại là giải VĐQG là V-League cũng ngày một lớn mạnh, với các bản hợp đồng tiền tỷ ra đời, các ngôi sao quốc tế kéo đến dải đất hình chữ S nườp nượp. Trong khi đó, Thai League của đại kình địch Thái Lan đang chìm trong khủng hoảng, dẫn đến cuộc cải tổ và sự ra đời của Thai Premier League. Chiếc HCV SEA Games 24 được xem là “đồ trong túi của mình”.
Tuy nhiên, câu trả lời là nỗi thất vọng lớn. Phải cần rất nhiều may mắn để U23 Việt Nam vượt qua vòng bảng và còn may mắn hơn, khi chúng ta né được chủ nhà Thái Lan tại bán kết, cho đến khi, U23 Việt Nam bị Myanmar loại, rồi để Singapore “hạ gục” ở trận tranh HCĐ với 5 bàn không gỡ. HLV Alfred Reidl phải “bỏ của chạy lấy người”, nhưng VFF phải xuống nước thỏa hiệp để tránh một vụ Letard thứ 2.
Chúng ta quá thèm khát một tấm HCV môn bóng đá nam SEA Games, dù có thể, nó chẳng giúp cải thiện thứ tự hay đẳng cấp của nền thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá nói riêng tại Đông Nam Á. Điều nguy hiểm hơn, khi các cấp quản lý đã không đánh giá đúng năng lực của mình và của đối thủ. HLV Riedl đã chỉ đem đến Korat một đoàn quân mỏi, với mô hình “3 trong 1”, thi đấu hết giải này qua giải khác, để rồi gục ngã.
Tình thế vẻ như đang lặp lại, khi khát vọng một lần nữa được cấp lãnh đạo đưa ra, thay vì một đánh giá đủ chuẩn mực của những người làm chuyên môn. Lạc quan trước trận đánh lớn là tốt, nhưng nếu lạc quan quá thì… tếu!
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa