Chờ 'đánh thức' di tích Bãi cọc Bạch Đằng
(Thethaovanhoa.vn) - Tròn 60 năm kể từ khi được phát hiện, bãi cọc Bạch Đằng tại thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) vẫn đang chờ cơ hội để được tôn vinh xứng đáng với vị trí của nó trong lịch sử.
Và câu chuyện ấy lại càng có ý nghĩa trong mốc thời gian 730 năm chiến thắng Bạch Đằng 1288.
Huyền thoại "trận địa cọc" của 730 năm trước
Được xác định là dấu tích của trận đánh nổi tiếng nhất trong lịch sử thủy chiến Việt Nam - khi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và quân đội nhà Trần đánh tan đạo quân Nguyên Mông của Ô Mã Nhi vào năm 1288 - bãi cọc Bạch Đằng tại Quảng Yên phân bổ theo 3 khu vực chính: bãi Yên Giang, bãi Đồng Má Ngựa và bãi Đồng Vạn Muối.
Trong số đó, bãi cọc tại khu vực phường Yên Giang được phát hiện sớm nhất với việc người dân địa phương thấy một số cọc gỗ lim còn tốt phát lộ nên đem về nhà sử dụng. Vào tháng 11/2958, các chuyên gia của Vụ Bảo tồn Bảo tàng Việt Nam khi ấy đã tiến hành đào khảo sát tại đây. Tiếp đó, nhiều đợt khai quật đã được tiến hành rải rác vào các năm 1969,1976, 1984, 1988...
Từ các đợt khai quật này, bãi cọc dài 118m, rộng 20m đã phát lộ, với những cây cọc được cắm hình chữ chi (cách nhau từ 1 – 1,5 mét), hầu hết đều là gỗ lim có đường kính khoảng 20 – 30 cm, cắm sâu vào lòng đất với hướng chếch về phía sông Bạch Đằng. Đặc biệt, trong đợt khai quật năm 1984, các chuyên gia còn tìm thấy 2 vồ đóng cọc bằng gỗ.
Bãi cọc thứ hai nằm ở Đồng Vạn Muối (phường Nam Hòa, Quảng Yên) cách bãi Yên Giang vài km, cũng được phát hiện khi người dân đào đất làm nông nghiệp. Năm 2005, đợt khai quật lớn tại đây đã xác định được hàng chục cây cọc phân bố trên một khu vực rộng 100 mét, dài 300 mét. Số cọc ở đây có đường kính nhỏ (chỉ từ 10 – 30cm), bù lại được cắm với mật độ rất dày, chỉ cách nhau khoảng 60cm.
Còn bãi cọc thứ ba nằm tại Đồng Má Ngựa (cũng thuộc phường Nam Hòa), phát lộ vào năm 2005 và được khai quật vào năm 2010. Bãi cọc này có chiều dài 70m, rộng 30m, có những cây cọc mang kích thước nhỏ nhất (nhiều cây chỉ mang đường kính 6cm) nhưng cũng được cắm dày đặc nhất.
Căn cứ vào những sử liệu để lại, gần như chắc chắn, giới nghiên cứu đã xác định được 3 bãi cọc này chính là những phần còn lại của "trận địa cọc" được sử dụng trong chiến thắng Bạch Đằng 1288. Đặc biệt, nhiều mẫu cọc đã được phân tích đồng vị phóng xạ C14 để xác định niên đại và cho kết quả thuộc về thế kỷ 13, nghĩa là khớp với biên độ thời gian của chiến thắng Bạch Đằng.
Cần nhiều cái bắt tay
Cũng cần nhắc lại, khoảng 300 cây cọc được tìm thấy tại các bãi cọc Quảng Yên chưa thể là con số cuối cùng trong những hiện vật thuộc về chiến thắng Bạch Đằng. Các giả thiết hiện có cho rằng, chiến trường của trận thủy chiến này có thể mở ra suốt một vùng không gian dài 5km, rộng từ 3 - 4km, từ đó gợi mở khả năng khảo sát và nghiên cứu tiếp.
Nhưng với những gì đã được xác nhận, rõ ràng những di tích này vẫn cần được bảo tồn và tôn vinh cho tương xứng với giá trị của mình.
Thực tế, ngoài việc từng được công nhận là Di tích Quốc gia trong các năm 1988 (bãi Yên Giang) và 2007 (bãi Đồng Vạn Muối), cả 3 bãi cọc trên hiện đã được quy hoạch nằm trong không gian của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng (năm 2013), với diện tích tổng cộng lên tới 380 ha, gắn liền nhiều di tích lịch sử khác như đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, bến Đò Rừng, đền Trung Cốc...Và, theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt năm 2013, khu di tích này cũng sẽ được đầu tư khoảng 811 tỷ đồng từ nhiều nguồn đề bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị.
Tuy nhiên, sau 5 năm, đến thời điểm hiện tại, dự án này mới chỉ hoàn thành các hạng mục như tôn tạo đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, bến Đò Rừng, đình Yên Giang và xây dựng các tuyến đường vàođền Trung Cốc, đình Trung Bản. Còn lại việc xây dựng tuyến đường giao thông vào các cụm di tích bãi cọc Đồng Má Ngựa, Đồng Vạn Muối vẫn chưa hoàn thành.
Đặc biệt, dù đã được đắp bờ khoanh vùng và tiến hành các biện pháp bảo vệ, việc xây dựng khu trưng bày ngầm tại bãi cọc Yên Giang – phần quan trọng nhất của di tích khoanh vùng bãi cọc Yên Giang –vẫn chưa thể triển khai. Bởi vậy, khu vực này hiện vẫn là một hồ nhỏ được tháo nước nhằm bảo quản hệ thống cọc gỗ và khó tạo được ấn tượng thị giác với du khách tham quan.
Điều này không khó hiểu, khi mà một phần rất lớn nguồn kinh phí đầu tư cho khu di tích Bạch Đằng được trông chờ vào việc huy động nguồn vốn xã hội hóa của tỉnh Quảng Ninh. Và trong khó khăn hiện tại, các hạng mục liên quan tới bãi cọc Bạch Đằng dự kiến phải sau năm 2020 mới được triển khai. Thêm vào đó, việc bãi cọc này nằm tại vùng sình lầy ngập nước cũng đặt ra những khó khăn đặc biệt cho tác nghiên cứu và trưng bày – khi mà mảng khảo cổ nước, cũng như trưng bày dưới nước của Việt Nam còn chưa phát triển. Điển hình, như lời các chuyên gia khảo cổ, việc đủ dữ liệu để dựng lại đầy đủ sa bàn chi tiết của trận thủy chiến Bạch Đằng cũng là một nhược điểm rất lớn trong việc tạo sự hấp dẫn với khách thăm quan.
Bởi thế, trong bối cảnh hiện tại, muốn việc tôn tạo và phát huy giá trị bãi cọc Bạch Đằng có thể "về đích" sớm hơn, chúng ta vẫn phải trông đợi vào nỗ lực của giới khảo cổ, giới bảo tàng và đặc biệt là những cơ chế hợp lý để thu hút nguồn lực xã hội hóa vào khu di tích này.
Sơn Tùng