Chính thức đưa Nhà hát Ca múa, nhạc dân gian Việt Bắc vào sử dụng
Ngày 27/8, Nhà hát Ca múa, nhạc dân gian Việt Bắc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên được đưa vào sử dụng, phục vụ nhân dân địa phương, du khách trong và ngoài nước.
Nhà hát Ca múa, nhạc dân gian Việt Bắc có tổng vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng, được xây dựng trên nền diện tích rộng hơn 1 ha. Công trình là một thiết chế văn hóa có kiến trúc nổi bật đặc trưng của vùng núi rừng Việt Bắc với điểm nhấn của công trình là hình ảnh cọn nước trên nóc nhà hát, vòm mái uốn lượn như dòng suối. Nhà hát có khán phòng biểu diễn chính sức chứa 1.200 ghế, và 2 phòng khán nhỏ 200 ghế có thể tổ chức chương trình nghệ thuật nhỏ, hội nghị, hội thảo,… tất cả các phòng khán đều được đầu tư đồng bộ trang thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại.
Từ ngày 27/8- 11/9, Nhà hát Ca múa, nhạc dân gian Việt Bắc sẽ tổ chức Tuần lễ nghệ thuật khai trương với nhiều chương trình nghệ thuật đặc biệt do Nhà hát phối hợp với các đơn vị nghệ thuật Trung ương tổ chức, với các chương trình nghệ thuật Đêm huyền diệu; nhạc kịch thiếu nhi Bầy chim thiên nga; chương trình nghệ thuật múa rối Cuộc chu du của chú Cuội và chị Hằng; nhiều vở kịch của Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát kịch Việt Nam với các vở diễn Hoa cúc xanh trên đầm lầy; vở Người tốt nhà số 5 của cố tác giả Lưu Quang Vũ;… để phục vụ nhân dân miễn phí và kết hợp bán vé.
Nghệ sĩ ưu tú Lê Khánh Toàn, Giám đốc Nhà hát Ca múa, nhạc dân gian Việt Bắc cho biết, thay đổi thói quen thưởng thức nghệ thuật của nhân dân tại nhà bằng việc mua vé đến với phòng khán của nhà hát là vấn đề Nhà hát hướng tới trong thời gian tới. Nhà hát sẽ là nơi hội tụ của các nghệ nhân, nghệ sĩ, nơi bảo tồn tinh hoa văn hoá dân tộc vùng Việt Bắc, văn hoá các dân tộc trên toàn quốc.
- Thái Nguyên tổ chức chương trình 'Qua những miền di sản Việt Bắc'
- Triển lãm 'Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến khu Việt Bắc': Những hình ảnh, kỷ vật vô giá
- Hội thảo về GS Trần Đức Thảo: Triết gia giữa núi rừng Việt Bắc
Theo Giám đốc Nhà hát Ca múa, nhạc dân gian Việt Bắc, bảo tồn văn hoá dân tộc là định hướng của Đảng, Nhà nước trong đời sống hiện đại, đồng thời cũng là chiến lược của nhà hát để bảo đảm sự độc đáo về chương trình của nhà hát, đảm bảo cái riêng của Nhà hát Ca múa, nhạc dân gian Việt Bắc… nhằm bảo tồn văn hoá thông qua nghệ nhân, nghệ sĩ, được tiếp nối các thế hệ trước, đây cũng chính là các món ăn độc đáo trong đời sống hiện đại, là mục tiêu hướng tới của nhà hát…bởi nghệ thuật càng đậm đà bản sắc dân tộc bao nhiêu lại càng đặc sắc bấy nhiêu, và sẽ thu hút được sự chú ý của khán giả, đặc biệt là khán giả quốc tế.
Trần Trang/TTXVN