Chính phủ tăng tốc gỡ khó cho các dự án bất động sản
Thời gian qua, trước những khó khăn của thị trường bất động sản, Chính phủ đã cùng các bộ, ngành, địa phương nhập cuộc để tìm giải pháp tháo gỡ. Hàng loại vướng mắc đã được nhận diện, nhiều cơ chính sách mới cũng đã được ban hành để "trợ lực" cho thị trường.
Những nỗ lực này được kỳ vọng sẽ tạo sự chuyển biến tích cực cho thị trường bất động sản đã "ì ạch" suốt thời gian dài.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản đã làm việc với những địa bàn có nhiều kiến nghị của doanh nghiệp như Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Thuận…
Trong số đó, Bộ Xây dựng cũng đã tổ chức làm việc với những địa phương này để trao đổi, nắm bắt thông tin, rà soát phân loại khó khăn, vướng mắc và giải đáp, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn.
Về phía Bộ Xây dựng cũng đã rà soát sửa đổi, bổ sung các tồn tại, hạn chế trong quy định của Luật, Nghị định, Thông tư theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Qua tổng hợp, rà soát cho thấy, các khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến quy định pháp luật, thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Xây dựng gồm: nhóm chính sách về phát triển nhà ở xã hội; xây dựng cải tại chung cư cũ; quy hoạch.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Xây dựng được giao là chủ trì xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện tiêu chí được thụ hưởng Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 33 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Đây cũng sẽ là cơ sở để các địa phương xác định, công bố dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo – xây dựng lại chung cư cũ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định.
Cùng đó, Bộ sẽ xây dựng tiêu chí đánh giá phân loại phân khúc bất động sản dựa vào tiềm năng (công nghiệp, du lịch, dịch vụ thương mại), thanh khoản của thị trường để làm cơ sở cho tổ chức tín dụng xem xét nới lỏng các điều kiện cho vay mà không đánh đồng chính sách với các dự án có rủi ro – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh chia sẻ.
Như vậy, thời gian tới, danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, xây dựng – cải tạo lại chung cư cũ thuộc địa phương nào sẽ được địa phương đó tổng hợp, công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh.
Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương khẩn trương lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, Kế hoạch Phát triển nhà ở để làm cơ sở chấp thuận đầu tư dự án nhà ở; căn cứ chỉ tiêu nhà ở xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ giao đến năm 2023 để lập, phê duyệt kế hoạch triển khai đầu tư cụ thể theo từng năm, giai đoạn cho phù hợp với nhu cầu thực tế.
Việc quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân độc lập tại vị trí phù hợp, quy mô lớn với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, xã hội; tăng cường phân cấp, đơn giản hóa, rút ngắn thủ tục hành chính theo thẩm quyền và xác định rõ đầu mối thực hiện trong việc lập, phê duyệt nhóm dự án này – Bộ Xây dựng yêu cầu.
Cập nhật thông tin mới nhất từ Bộ Xây dựng cho thấy, triển khai thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2023" và Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng thì nhiều địa phương đang tích cực rà soát, phê duyệt, khởi công các dự án thuộc nhóm nhà ở này.
Điển hình như dự án nhà ở xã hội tại tổng kho 3 Lạc Viên, quận Ngô quyền, thành phố Hải Phòng; dự án nhà ở xã hội chung cư Phú Tài Lộc tại Bình Định. Tỉnh Đồng Nai đang triển khai đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư 2 dự án nhà ở xã hội…
Thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Tổ công tác kiến nghị tiếp tục làm việc với một số địa phương, doanh nghiệp tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa, Bình Định để trực tiếp trao đổi, giải đáp, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, làm cơ sở để chỉ đạo nhân rộng.
Chiều 5/5, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có cuộc họp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản và nhấn mạnh, nguyên nhân của tồn tại, vướng mắc trong các dự án bất động sản đã được nhận diện, đặc biệt vấn đề liên quan đến pháp lý.
"Đây là việc cấp bách, phải tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc để giải phóng nguồn lực từ các dự án bất động sản. Vướng ở cấp nào, cấp đó phải giải quyết, có thời hạn cụ thể và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nếu để chậm trễ, gây thiệt hại về kinh tế"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.