Chính phủ sẽ quyết vụ 'xe không chính chủ'
Đó là một số điểm mới trong dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (dự thảo) vừa được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa ra lấy ý kiến lần thứ 6. Theo một thành viên ban thẩm định, nhiều quy định xử phạt được Bộ GTVT đưa ra không phù hợp, tương thích với các quy định khác và sẽ gây khó khi thực hiện nên phải chỉnh sửa trước khi trình Chính phủ.
Chưa chốt phạt hay không phạtTrong quá trình soạn thảo đã có nhiều ý kiến xung quanh việc có nên phạt tiền đối với hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện (xe chính chủ). Bộ GTVT cho rằng việc xử phạt hành vi này không đủ căn cứ pháp lý. Cũng có ý kiến cho rằng mức phạt 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng đối với xe máy và 6-10 triệu đồng đối với ô tô là quá cao.
Công an TP HCM. Ảnh: Tấn Thạnh - Người Lao động
Theo đánh giá của Bộ Công an, phương tiện tham gia giao thông là nguồn nguy hiểm cao độ, nếu không được quản lý chặt về nguồn gốc thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xử phạt, điều tra các vụ tai nạn có yếu tố hình sự. Hơn nữa hiện nay, công an các địa phương đều hỗ trợ cho người dân thực hiện việc sang tên đổi chủ, những phương tiện mua bán lòng vòng qua nhiều đời chủ được du di thực hiện các thủ tục tới hết năm 2014 rồi mới bị xem xét xử phạt, nên nếu bỏ phạt xe không chính chủ sẽ khiến các quy định bị vênh nhau.
Đại diện cơ quan soạn thảo, ông Hoàng Thế Tùng, Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT), cho biết mặc dù dự thảo không còn nội dung xử phạt hành vi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” nhưng trong tờ trình gửi Chính phủ sắp tới sẽ được đưa vào mục nội dung còn ý kiến khác nhau để Chính phủ quyết định.
Không lắp hộp đen: Phạt cả chủ lẫn lái xe (?!)
Việc dự thảo bổ sung quy định xử phạt cả chủ xe lẫn tài xế nếu ô tô không lắp thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) cũng gây tranh cãi. Theo đó, tài xế sẽ bị tước giấy phép lái xe 30 ngày và phạt 2-3 triệu đồng; chủ phương tiện, doanh nghiệp bị phạt 6-10 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động cho đến khi khắc phục xong.
Theo cơ quan soạn thảo, việc này cũng tương tự như việc giao xe không bảo đảm yêu cầu an toàn kỹ thuật thì phải xử cả người lái và chủ xe. Khi nhận xe thì tài xế phải có trách nhiệm kiểm tra xem xe có đáp ứng được các yêu cầu hay không. Theo đại diện Vụ An toàn giao thông thì quy định này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho rằng chỉ nên xử phạt chủ xe.
Ngoài ra, quy định xử phạt đối với hành vi “không mua hoặc nộp phí cho phương tiện tham gia giao thông” cũng bị bãi bỏ vì còn nhiều tranh cãi xung quanh việc xác định hành vi này thuộc lĩnh vực phí và lệ phí điều chỉnh hay lĩnh vực giao thông đường bộ.
Đề xuất không phạt người đội mũ bảo hiểm dỏm
Dự thảo cũng bãi bỏ quy định phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng đối với “người điều khiển, người ngồi trên xe gắn máy (kể cả xe máy điện) đội mũ bảo hiểm (MBH) có kiểu dáng giống MBH nhưng không có đủ 3 bộ phận vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ và quai đeo theo quy định”. Đại tá Trần Sơn Hà cho biết CSGT rất khó phân biệt và xử phạt đối với MBH thật - dỏm. “CSGT chỉ phạt hành vi không đội mũ hoặc đội MBH mà không cài quai thôi” - ông Hà nói. Còn đại diện Vụ An toàn giao thông cho biết: “Đây vẫn là vấn đề đang bàn thảo chứ chưa hẳn đã bỏ” (?!).
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết dù bỏ cụm từ đó thì việc xử phạt đối với người đội MBH dỏm vẫn sẽ được thực thi. “Điều khiển phương tiện mà đội mũ nhựa, mũ có dòng chữ “dành cho người đi xe đạp”, mũ lá,… thì đương nhiên sẽ bị xử phạt. Một số địa phương như TP HCM, Cần Thơ… đã xử phạt hành vi đội mũ không phải MBH. Sắp tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý đối với hành vi sản xuất, phân phối và buôn bán các loại mũ nhái MBH” - ông Hiệp khẳng định.
Theo Thế Kha
Người Lao động