Chiều tối đến đêm 9/10, bão số 7 đi vào Vịnh Bắc Bộ, gió mạnh cấp 9, giật cấp 11
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 8/10, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp trực tuyến với 9 tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình. Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài chủ trì cuộc họp.
Chủ động ứng phó
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong công tác chuẩn bị, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 7, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt công tác ứng phó với bão số 7.
Theo Phó Trưởng ban Trần Quang Hoài, trên tuyến biển cần rà soát lại số lượng tàu, thuyền để đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ, các tỉnh thuộc khu vực vùng núi có phương án sẵn sàng triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là các khu vực ngầm tràn, khu vực có nguy cơ ngập sâu; bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, đảm bảo an toàn giao thông.
"Sáng 8/10, trên địa bàn xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã có người lội qua dòng nước đang chảy xiết và bị mất tích”, ông Hoài nêu ví dụ.
Phó Trưởng ban Trần Quang Hoài đề nghị các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế chủ động cấm biển; phải kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng thấp, trũng ven biển, sẵn sàng triển khai phương án di dời dân cư sát thực tế, đảm bảo an toàn về người, tài sản, đồng thời đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19; kiểm tra, rà soát, chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ chứa, nhất là tại các trọng điểm xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước, các công trường đang thi công.
Các địa phương sẵn sàng các đoàn công tác chỉ đạo hiện trường, duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng xử lý khi có yêu cầu; tổ chức trực ban 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Chiều tối đến đêm 9/10, bão đi vào Vịnh Bắc Bộ
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, khoảng chiều tối đến đêm 9/10, bão số 7 đi vào Vịnh Bắc Bộ. Bão số 7 gây gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, từ chiều 9/10, tăng lên cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 2-4m.
Các huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vỹ đề phòng gió mạnh cấp 7-8, riêng Bạch Long Vĩ có khả năng cấp 9, giật cấp 11. Các huyện đảo và các đảo ven bờ thuộc Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Trên đất liền vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có khả năng gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9 do ảnh hưởng của bão kết hợp không khí lạnh.
Ngoài khơi vịnh Bắc Bộ 3-4m; ven biển từ Quảng Ninh-Thanh Hóa 2-3m; ven biển Nghệ An-Hà Tĩnh 2-2,5m.
Mực nước triều tại ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đang có xu hướng tăng (đỉnh triều xuất hiện vào sáng 11/10).
Khu vực ven biển Quảng Ninh-Ninh Bình nước dâng do bão 0,5-0,6m, mức nước tổng cộng (thủy triều + nước dâng do bão) tại Hòn Dấu khoảng 3,9m. Khu vực ven biển Thanh Hóa-Hà Tĩnh nước dâng do bão 0,4-0,5m, mực nước tổng cộng (thủy triều + nước dâng do bão) tại Hòn Ngư khoảng 3,5m.
"Nước dâng do bão số 7 kết hợp với mực nước triều ở mức cao có khả năng gây ngập úng tại một số vùng trũng, thấp và làm chậm việc thoát lũ trên sông”, ông Lâm nhấn mạnh.
Từ ngày 9-12/10, ở Bắc Bộ và phía Bắc của Trung Bộ có khả năng xảy ra mưa to đến rất to do ảnh hưởng của bão số 7. Từ chiều 9-11/10, ở phía Đông Bắc Bộ có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa 150-250 mm, có nơi trên 300 mm. Từ ngày 10-11/10, ở phía Tây Bắc Bộ có mưa to, tổng lượng mưa 50-100mm, có nơi trên 150mm. Từ ngày 10-12/10, ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150-350mm, có nơi trên 350mm.
Trên các sông ở Bắc Bộ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-4m, đỉnh lũ trên thượng lưu các sông suối nhỏ đạt mức báo động 1 và trên báo động 1.
Đỉnh lũ trên thượng lưu các sông ở Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, các sông ở Quảng Bình lên mức báo động 1-báo động 2 và trên báo động 2; đỉnh lũ hạ lưu các sông ở Thanh Hóa đến Hà Tĩnh ở mức báo động 1 và trên báo động 1.
Ông Hoàng Phúc Lâm cảnh báo, với kịch bản mưa lũ trên sẽ có khoảng 7 tỉnh Bắc Bộ, khu đô thị và 33 huyện ở Bắc Trung Bộ có nguy cơ ngập úng cục bộ.
Đảm bảo an toàn tàu, thuyền
Theo Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tư lệnh Biên phòng, tính đến 14 giờ ngày 8/10, lực lượng chức năng đã kiểm đếm, hướng dẫn 59.106 tàu/263.051 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh (trong đó hoạt động ở khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình 4.470 tàu/15.046 lao động, neo đậu tại bến 54.636 tàu/248.005 lao động).
Các tỉnh, thành phố đã thành lập Tổ phối hợp liên ngành để hướng dẫn, xử lý công tác neo đậu tại bến và phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Tính đến 6 giờ ngày 8/10, có 1.005 tàu, thuyền đang trong khu vực quản lý của các Cảng vụ hàng hải từ Quảng Ninh đến Bình Thuận, trong đó có 507 tàu biển và 498 phương tiện thủy nội địa.
Sẵn sàng sơ tán dân trong tình huống đảm bảo an toàn dịch bệnh
- Hoàn lưu bão số 7 sẽ gây mưa lớn ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ
- Bão số 7 có khả năng mạnh thêm, Đông Bắc Bộ có mưa rất to từ chiều 9/10
- Bão số 7 di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc, trong 2 ngày tới sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, các khu dân cư ven biển, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã sẵn sàng phương án sơ tán dân trong tình huống dịch COVID-19, dự kiến phương án sẵn sàng sơ tán 70.440 hộ/260.722 người dân khu vực ven biển; đã rà soát các đối tượng trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng, cũng như biện pháp y tế phù hợp để an toàn dịch bệnh (hiện có 4.619 đối tượng F0, F1/4 tỉnh).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn cho biết, hiện tỉnh đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 7, chủ động các biện pháp ứng phó, đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế để cấm biển.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt, tỉnh đã phân công các thành viên trong Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong công tác ứng phó với bão, đồng thời thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai trong việc phòng, tránh, bão, mưa lũ.
"Thành phố Hải phòng cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan trong công tác chủ động ứng phó bão số 7, cùng với đó là rà soát, kiểm tra lại hệ thống đê điều, đảm bảo an toàn trong bão lũ”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng nêu rõ.
Thắng Trung/TTXVN