Chiếu phim ‘Mẹ ơi con đã về’, ‘Giấc mơ thổ cẩm’ nhân dịp kỷ niệm 30/4
(Thethaovanhoa.vn) - Từ ngày 27/4 đến ngày 23/5, Cục Điện ảnh Việt Nam (Bộ VHTT&DL) phối hợp với một số đơn vị tổ chức đợt chiếu phim kỷ niệm các ngày lễ lớn 30/4, 1/5, 7/5 và 19/5.
- Lịch chiếu phim từ 16 đến 22/3/2018: Tomb Raider - Huyền thoại bắt đầu, Tháng năm rực rỡ...
- LHP Berlin chiếu phim về vụ thảm sát trẻ nhỏ đẫm máu năm 2011 ở Na Uy
- Châu Bùi 'tái ngộ' cùng Decao tại rạp chiếu phim giường nằm
Những bộ phim được chọn chiếu trong đợt phim kỷ niệm có đề tài truyền thống lịch sử, về người chiến sĩ cách mạng, về thế hệ thanh niên trong thời chiến và thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước… bao gồm: Mẹ ơi con đã về, Giấc mơ thổ cẩm, Một đất mẹ cho tất cả, Dáng đứng Việt Nam, Thời trẻ trung sôi nổi.
Trong đó, phim truyện Mẹ ơi con đã về (Công ty Cổ phần phim Truyện I) xoay quanh câu chuyện về hai mảnh đời cô đơn: bà Nga, một cựu quân y, có chồng, con đều là liệt sĩ và Minh - cậu bé mồ côi, con trai của hai người lính.
20 năm sau chiến tranh, bà Nga vẫn hứng chịu nỗi mất mát, thương đau sau cuộc chiến, phải sống trong cô đơn và bệnh tật, còn Minh bị cuộc sống xô đẩy đến mức không còn đường sống. Họ đã cùng chia sẻ nỗi bất hạnh và tình “mẫu tử” đã đem lại cho họ một cuộc sống ấm áp dưới một mái nhà.
Phim truyện Giấc mơ thổ cẩm (Trung tâm sản xuất phim Dân tộc, Miền núi và Biển đảo) là câu chuyện về Hoa - cô gái trẻ người dân tộc Mường sinh ra trong một gia đình có truyền thống dệt thổ cẩm nhưng theo thời gian, nghề dệt đã bị mai một. Hoa đã cùng những người bạn khôi phục được nghề dệt và giúp đỡ bà con trong bản phát triển kinh tế với nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Một đất mẹ cho tất cả là phim tài liệu gồm 2 tập do Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất, thể hiện khát vọng đã thành hiện thực về một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất và phát triển của những nhân chứng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và tâm nguyện đóng góp cho đất Mẹ của mỗi người con Việt Nam.
Phim tài liệu Dáng đứng Việt Nam (Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương) là câu chuyện về cuộc đời nhà thơ, anh hùng liệt sĩ Lê Anh Xuân, tác giả bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” - tác phẩm mang tinh thần của một thế hệ anh hùng với lý tưởng và hoài bão cao đẹp.
Phim tài liệu Thời trẻ trung sôi nổi (Công ty Cổ phần phim Giải Phóng) kể về một thời gian khó nhưng hào hùng của thế hệ thanh niên TP.HCM, những chiến sĩ thanh niên xung phong đã góp phần xây dựng kinh tế trong những năm đầu đất nước thống nhất.
Cũng đóng góp vào đợt phim kỷ niệm còn có chương trình miền núi số chuyên đề “Giữ vững an ninh trật tự và an toàn đời sống xã hội ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số” (Trung tâm Sản xuất phim Dân tộc, Miền núi và Biển đảo sản xuất).
Chuyên san này gồm 7 chuyên mục: phổ biến chính sách pháp luật, thiếu nhi, ca nhạc, phóng sự chuyên đề, phổ biến kiến thức khoa học, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phim truyện (bộ phim Đường về bản).
Cục Điện ảnh đã in và cung cấp 5 bộ phim và chương trình chuyên đề miền núi tới các Công ty Điện ảnh, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ để phục vụ nhân dân thông qua các đội chiếu bóng lưu động và các rạp chiếu bóng tại địa phương.
Trong đợt phim, các Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng, các Trung tâm Điện ảnh cũng tiếp tục khai thác những bộ phim truyện và tài liệu có đề tài truyền thống cách mạng, những bộ phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đề tài hậu chiến… để phục vụ khán giả.
Tiểu Phong