Chiến tranh, thân phận và nội tâm qua chuyển động hình thể
(Thethaovanhoa.vn) - Liên hoan Múa đương đại: Sự gặp gỡ Á Âu 2016 với sự tham gia của 6 quốc gia Đức, Pháp, Israel, Nhật, Áo và Việt Nam sẽ diễn ra từ 21-24/9 tại Hà Nội và TP.HCM.
- Liên hoan múa Á - Âu 2015 lần đầu đến TP.HCM
- Việt Nam chiếm ưu thế trong Liên hoan múa đương đại 2014
Điểm đặc biệt của năm nay, vừa là sự thể hiện mở rộng về nghệ thuật múa đương đại, vửa đưa đến cho khán giả những trải nghiệm đa chiều về múa đương đại, khi đề cao vai trò quan trọng của loại hình đa phương tiện: sử dụng màn chiếu, máy chiếu đa dạng để diễn tả âm thanh, âm nhạc kết hợp với múa. Cũng từ đó, con người có cơ hội khám phá thế giới nội tâm của con người hiện đại không chỉ qua sự chuyển động đặc biệt của hình thể.
Liên hoan năm nay còn có sự tương tác hơn với khán giả, từ việc bán vé cho đến mở cổng kết nối với khán giả qua mạng xã hội. Theo đó, với mức giá để có thể hỗ trợ các nghệ sĩ, các sân khấu trình diễn là 100.000vnđ/vé, mỗi khán giả sẽ được xem từ 2-3 vở/đêm diễn. Các thông tin về nghệ sĩ, vở diễn, nghệ thuật múa đương đại, cũng như các trò chơi để nhận vé xem chương trình đều được cập nhật trên trang thông tin của Liên hoan.
Hình ảnh một số vở diễn trong trò chơi dành cho khán giả tại trang thông tin của Liên hoan
Mở màn cho liên hoan lần này là tác phẩm Những tiệm giặt là Hà Nội - hợp tác giữa nghệ sỹ múa, biên đạo người Đức Riki von Falken và nữ nghệ sỹ đa phương tiện người Việt Nguyễn Trinh Thi.
Riki von Falken sinh ra trong một gia đình gắn liền với tiệm giặt là. Nhưng bên cạnh đó, ký ức tuổi thơ của chị lại gắn liền với những hình ảnh về cuộc chiến tranh tại Việt Nam những năm 60 trên ti vi mỗi ngày.
Với Riki von Falke, cuộc chiến tại Việt Nam là một dấu ấn không phai trong tâm trí của chị, cũng là sự tò mò mà chị muốn tìm hiểu về Việt Nam, thông qua một sự hợp tác về múa.
Riki von Falke trong Những tiệm giặt là Hà Nội
Trong khi đó, Nguyễn Trinh Thi bảo rằng, với đề tài chiến tranh, có lẽ người Việt trẻ thấy chán khi phải nghe nhiều. Và đó cũng là một trong những thách thức của hai nghệ sĩ khi chọn đề tài này để thực hiện.
"Một thách thức khác khi thực hiện vở diễn này là ở góc độ nhìn nhận đề tài. Tôi là người trong cuộc, tôi ở Việt Nam, đây là mảnh đất sinh ra mình, mình sống gắn bó như cội rễ. Trong khi Riki von Falken là người ngoài cuộc, cảm nhận vấn đề từ tiếng vọng của tuổi thơ.
Vì thế, chúng tôi xác định: cuộc chiến chỉ là điểm khởi đầu, điểm chung mà chúng tôi cùng đặt mốc để phát triển tác phẩm" - nghệ sĩ Trinh Thi cho biết.
Cũng trong đêm khai màn diễn ra tối 21/9 tại Nhà hát Tuổi trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm Hà Nội còn có vở Hội chứng truyền thống mãn tính của các nghệ sĩ đến nhóm Akudo (Nhật Bản). Đây sẽ là một vở diễn thú vị với ý tưởng "châm biếm" về những tính cách đặc trưng của người Nhật qua nghệ thuật múa đương đại
Hai đại diện của Việt Nam tham dự liên hoan năm nay là Trần Ly Ly và Bùi Ngọc Quân. Nếu Trần Ly Ly chọn Sắc sắc, không không 2 theo chủ đề về chuyển giới mà theo chị, là để "tìm hiểu chứ không kết luận về một vấn đề" thì biên đạo Ngọc Quân lại muốn trải nghiệm cuộc sống trên những mái nhà - nơi mà ai cũng có thể cảm thấy có không gian, sự tự do và sự tưởng tượng.
Với tác phẩm cuối cùng của liên hoan, Hakanai là một màn trình diễn "nghẹt thở" được thực hiện bởi vũ công Akiko Kajihara chuyển động trong một khối hình ảnh động được điều khiển bởi 1 nghệ sĩ kĩ thuật số và theo nhịp điệu của một màn ứng tác âm thanh live.
Hiệu ứng thị giác từ hình ảnh kết hợp với chuyển động múa trong Hakanai sẽ đưa đến khán giả thông điệp về sự mong manh, không bền vững và là sự tồn tại nhất thời giữa thực hiện và mơ mộng.