Chiến thắng của Nga: Đêm Moskva, đêm cuồng say, đêm chiến thắng
(Thethaovanhoa.vn) - Khi các cầu thủ Nga bắt đầu ăn mừng sung sướng ở trên sân Luzhniki cách đấy mấy cây số, quán ăn của người Georgia trên phố Arbat mà tôi ngồi uống bia và xem từ đầu trận rung chuyển như có động đất. Những người Nga trong quán ôm nhau trong hạnh phúc, có người bật khóc. Những cô phục vụ người Georgia-có một cô khá đẹp, với đôi mắt ướt như của diễn viên Rachel Weisz, gào tướng lên. 120 phút trước đó, họ ngồi căng thẳng dõi theo diễn biến của trận đấu, lo lắng mỗi khi Nga bị vây hãm, thỉnh thoảng nhìn đồng hồ và không dám ngước lên màn hình tivi khi bắt đầu những loạt luân lưu.
- Thất bại của Tây Ban Nha trước Nga là tất yếu
- HLV Lê Thụy Hải: 'Đừng so sánh đội tuyển Nga với U23 Việt Nam'
- Trên những nẻo đường nước Nga: Một sáng, trên tàu ra ngoại ô
Thế rồi, tất cả đổ ra đường, trong một niềm vui bất tận của chiến thắng, một chiến thắng mà ngay cả những người lãng mạn nhất cũng không thể mơ đến trước khi World Cup diễn ra. Phố Arbat, khu phố nghệ sĩ và đầy các hàng quán, trong chốc lát ngập những chàng trai cô gái quấn cờ Nga nhảy múa và gào lên "Rossyia Rossyia" (nước Nga, nước Nga). Một người nghệ sĩ lang thang mặc trang phục truyền thống Nga chơi bài "Katiusha". Ở một góc không xa đó, một đám thanh niên đang hát quốc ca Nga. Tiếng hát quốc ca cũng có thể được nghe thấy ở ga metro Lubianka gần đó, khi dòng người từ Arbat, từ rất nhiều nơi bắt đầu đổ về các khu phố trung tâm để ăn mừng một thắng lợi không tưởng. Họ múa, họ hôn nhau, họ nhảy những điệu dân gian của nước Nga, họ uống bia và rượu công khai ngoài phố, dù việc này bị cấm, họ đặt tay lên ngực và hát quốc ca như đang chào cờ. Họ hát vang: "Vinh quang thay, Tổ quốc tự do của chúng ta/Nơi các dân tộc anh em muôn đời gắn kết/Và trí tuệ dân gian được tổ tiên truyền lại/Chúng con tự hào về người, ôi Tổ quốc vinh quang".
Những đoàn diễu hành với hàng vạn người kéo nhau về Quảng trường Đỏ, về khu phố Nikolskaya và Arbat. Người già phất cờ và hát, người trẻ uống bia và vừa đi vừa ôm nhau, những đứa trẻ ngồi trên xe đẩy cũng gào lên "Rossyia Rossyia" như cô bé 5 tuổi Alexia, được mẹ và bố đẩy đi trên hè hàng cây số. Bố mẹ của cô bé chưa từng có mặt trên đời trong những năm tháng mà đội tuyển Liên Xô đã 4 lần liên tục vào đến tứ kết các World Cup từ 1958 đến 1970. Ông bà của cô bé thì chắc chắn đã sống những ngày đó, nhưng những gì còn lại trong trí nhớ có lẽ không nhiều, bởi cách trở về địa lý, về thông tin, khiến cho việc tiếp cận các giải đấu ấy không dễ dàng. Tại Mexico 1986, Liên Xô bị loại ở vòng 1/8 bởi những con quỷ đỏ Bỉ trong hiệp phụ. Những ngôi sao ngày ấy giờ đã già rồi, nhưng thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong những ngày này trên tivi, khi được phỏng vấn về những ký ức World Cup trước đó, gợi nhớ cho mọi người về một quá khứ vàng son. Trước trận Nga-Tây Ban Nha, kênh Rossyia 1 chiếu lại những tư liệu về World Cup 1982 và 1986, thực hiện những cuộc phỏng vấn với Zavarov và Dassaev.
Ngày ấy, Liên Xô được xếp vào hàng ngũ những đội mạnh nhất thế giới, khác với Nga bây giờ, nhưng việc đổ ra đường ăn mừng như đêm Moskva thắng Tây Ban Nha là điều không xảy ra. Bây giờ, vào đến tứ kết nghĩa là đã có mặt trong Top 8 đội mạnh nhất giải, và hình ảnh của Nga đã thay đổi, cũng giống như cách mà thế giới đang nhìn họ với ánh nhìn thiện cảm, khác hẳn với những gì tiêu cực mà báo chí Phương Tây đã từng muốn họ nghĩ tới. Và không ít những cổ động viên nước ngoài cũng chia vui cùng họ, diễu hành cùng với họ trên những con phố Moskva, trong cái đêm chiến thắng cuồng say và đã thổi bùng lên tinh thần dân tộc ấy. World Cup thực ra là của mọi người, không chỉ riêng người Nga, phải vậy không?
A.N (Moskva)