"Chiến địa tử thi": Khi con người trở thành binh đoàn xác sống
Dưới sự chỉ đạo tài tình của đạo diễn Kongkiat Komesiri, Operation Undead (tựa Việt: Chiến địa tử thi) đã tái định nghĩa thể loại phim zombie kinh dị, mở ra hành trình khám phá sâu sắc về tâm hồn con người trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt.
Với sự góp mặt của hai diễn viên trẻ tài năng Nonkul Chanon và Awat Ratanapintha, tác phẩm kinh dị lần này đánh dấu một bước tiến mới trong sự nghiệp của họ. Cả hai đang dần được công nhận trong ngành giải trí Thái Lan nhờ những vai diễn ấn tượng trong các dự án phim nổi tiếng trước đó như Bad Genius (2017) và The Office Games (2021).
Bộ phim mở đầu vào năm 1941, trong bối cảnh căng thẳng của Thế chiến II. Mek (Nonkul Chanon), hạ sĩ quân đội yêu nước, ấp ủ dự định hạnh phúc bên người yêu. Em trai anh, Mok (Awat Ratanapintha), đang dành thời gian vui chơi và nghịch ngợm cùng bạn bè, cho đến khi cả hai anh em được lệnh tham gia kháng chiến. Lực lượng đối phương tiếp cận khu vực, không chỉ với mục tiêu lập căn cứ quân sự mà còn thực hiện thử nghiệm vũ khí sinh học - Fumetsu, biến quân lính và dân thường thành một đội quân zombie bất tử.
Phiên bản đầu tiên của Fumetsu vô tình thoát khỏi tầm kiểm soát và nhanh chóng lây lan sau cuộc đổ bộ vào bãi biển tỉnh Chumphon. Giờ đây, kẻ thù không còn là con người, mà là những sinh vật đáng sợ, vượt ngoài tầm hiểu biết. Cả hai phe buộc phải hợp tác, lập tức tìm cách giải quyết mối đe dọa này. Hạ sĩ Mek, dưới sự chỉ huy của Đại úy Nakamura (Seki Oseki), được giao nhiệm vụ tiêu diệt Fumetsu. Trớ trêu thay, khi cuộc chiến đang đến hồi căng thẳng, Mek bàng hoàng phát hiện ra sự thật đau lòng: em trai anh, Mok, cũng đã bị lây nhiễm, thuộc một trong những mục tiêu phải bị tiêu diệt.
Vết thương chiến tranh ẩn sau lớp mặt nạ xác sống
Trước hết, không thể phủ nhận ý tưởng của Operation Undead đã phá vỡ chuẩn mực điện ảnh Thái Lan và mở ra một hướng đi đầy tiềm năng phát triển. Operation Undead không phải một bộ phim zombie điển hình, tuân theo các nguyên lý cơ bản. Tại đây, thây ma trở thành những hậu quả của khoa học khi bị lạm dụng. Cách tiếp cận của nhà sản xuất khéo léo mang đến một thông về đạo đức sâu sắc, vượt ngoài khuôn khổ của thể loại kinh dị..
Khi virus Fumetsu hoành hành, Operation Undead dần chuyển mình, thêm một lớp ý nghĩa mới, những người lính nhiễm bệnh không đơn thuần là những xác sống vô thức. Họ vẫn giữ lại trong mình ký ức, nỗi buồn, khả năng suy nghĩ, hồi tưởng về quá khứ, thậm chí có thể giao tiếp.
Cảnh tượng Mok và đội quân xác sống, bao gồm những người lính trẻ, cùng nhau hát ca khúc về những giấc mơ tan vỡ, ngày đầu tuổi trường thành. Dù không thể kiểm soát khả năng giết chóc, họ vẫn giữ được một phần ý thức, tìm thấy chút an ủi trong tình anh em và kỷ niệm bên gia đình. Những thanh niên này từng ôm hoài bão, đang trong quá trình khám phá bản thân giữa những yếu tố đặc trưng riêng biệt của tuổi trẻ, gia đình và cộng đồng. Tác phẩm đặt ra câu hỏi về đạo đức, giá trị của sự sống và những hệ lụy lâu dài của chiến tranh.
Đạo diễn Komesiri đã nỗ lực rất nhiều để nhân văn hóa hình ảnh con người khi bị tước đi nhân tính. Bằng cách khai thác thể loại kinh dị, ông không chỉ mang đến những giây phút kịch tính, hồi hộp mà còn lột tả được vết thương tâm lý sâu sắc do chiến tranh để lại.
Một điểm đáng khen của Operation Undead là công tác sản xuất, đặc biệt là các hiệu ứng thực tế (Practical Effects) cùng góc máy đa dạng, tạo cảm giác như người xem đang trực tiếp tham gia vào cuộc chiến. Bên cạnh đó, việc kết hợp nhuần nhuyễn âm thanh một cách hiệu quả, gia tăng tính chân thực và kịch tính cho các pha hành động. Tuy nhiên, một số phân cảnh, hiệu ứng lửa cháy trên vết thương cơ thể xác sống còn thiếu thuyết phục, dễ dàng nhận thấy hạn chế về mặt ngân sách với công nghệ CGI.
Dàn diễn viên trẻ đầy tài năng
Cốt lõi cảm xúc của Operation Undead tập trung vào mối quan hệ anh em Mek và Mok, hai thanh niên trẻ tuổi phải đối mặt với những tác động tàn khốc của chiến tranh. Sự tương phản trong tính cách mang đến chiều sâu cho cốt truyện, giúp người xem cảm nhận được nỗi đau và nút thắt nội tâm mà họ phải trải qua. Khác với nhiều bộ phim khác, nơi bi kịch gia đình thường bị thêm vào một cách gượng ép, mối quan hệ giữa hai anh em trong Operation Undead phát triển rất tự nhiên, tạo nên một tông phim gần gũi và đôi khi như một tác phẩm tài liệu.
Nonkul Chanon đã hóa thân xuất sắc trong vai Mek – một hạ sĩ yêu nước, trung thành, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng. Nam diễn viên trẻ đã truyền tải xuất sắc sự giận dữ và bất lực của Mek khi phải đối mặt với những mất mát gia đình và chiến tranh. Ở đó, có một người lính cương trực, dứt khoát nhưng bên trong lại là tâm hồn lặng lẽ chịu đựng nỗi đau, day dứt lo lắng và quan tâm đến em trai của mình.
Ngược lại, Mok, do Awat Ratthanapintha thủ vai, là chàng trai trẻ mộng mơ, một chỉ huy đơn vị thụ động, chán ghét sự nghiệp quân sự và khao khát tự do. Awat đã thành công trong việc khắc họa mâu thuẫn trong tâm hồn Mok, đặc biệt khi anh xuất hiện dưới hình dạng zombie. Qua ánh mắt, cử chỉ và giọng nói, Awat mang đến những giây phút cảm động sâu sắc, người xem cảm nhận rõ những dằn vặt nội tâm của nhân vật. Cả Mek và Mok đều thể hiện rất tốt các vai trò đối lập của mình, đồng thời xử lý các tình huống kịch tính một cách phù hợp với phong cách tổng thể bộ phim.
Có thể thấy rằng, Operation Undead còn khá nhiều nhân vật phụ, phần mở đầu diễn ra quá vội vã, khiến khán giả chưa kịp làm quen với các nhân vật khác ngoài Mek và Mok. Điều này dẫn đến việc mối quan hệ giữa các thanh niên trong đơn vị và gia đình họ không được khai thác đầy đủ, làm cho cốt truyện chính dần trở nên suy yếu, mất đi liên kết mạch lạc.
Nhìn chung, so với các dự án phim kinh dị gần đây, Operation Undead là một tác phẩm zombie ấn tượng với ý tưởng độc đáo, kết hợp hài hòa giữa hành động, kinh dị, và các yếu tố chiến tranh, lịch sử. Sự pha trộn này giúp bộ phim nổi bật trong thể loại của mình. Với những khán giả yêu thích thể loại phim kinh dị, concept mới lạ, nét kỳ quái đặc trưng của điện ảnh Thái Lan, Operation Undead chính là bộ phim giải trí hấp dẫn không thể bỏ lỡ trong cuối năm này.