Chiêm ngưỡng mưa sao băng tuyệt đẹp Draconid vào đêm nay 8/10
(Thethaovanhoa.vn) - Đêm nay 8/10, những người yêu thiên văn Việt Nam sẽ có thể chiêm ngưỡng trận mưa sao băng Draconid khi nó đạt cực đại vào với tần suất khoảng 10 vệt mỗi giờ.
Trận mưa sao băng này xuất hiện gần với thời điểm trăng non rạng sáng 9/10 nên người xem sẽ có điều kiện quan sát thuận lợi do ít bị ảnh hưởng bởi ánh trăng.
Draconid là trận mưa sao băng diễn ra vào tháng 10 hàng năm. Nó bắt nguồn từ ngôi sao chổi 21P/Giacobini-Zinner có quỹ đạo quay quanh Mặt Trời xấp xỉ 6 năm rưỡi. Mưa sao băng xuất hiện khi bụi và những mảnh vụn của sao chổi va chạm với bầu khí quyển Trái Đất và bốc cháy.
Để quan sát các trận mưa sao băng, người yêu thiên văn cần tránh xa các đèn cao áp, chọn nơi ít ô nhiễm không khí, không bị che chắn cản tầm nhìn.
Một điều rất quan trọng là phải xác định được thời tiết. Kinh nghiệm của nhiều người quan sát cho hay, nếu nhìn thấy vài chục ngôi sao thì sẽ có cơ hội ngắm sao băng. Người quan sát cũng cần chọn những vị trí an toàn để việc xem mưa sao băng được trọn vẹn.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, đêm nay 8/10, Hà Nội không mưa. Gió đông đến đông nam cấp 2-3. Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế đêm có mưa rào vài nơi. Đà Nẵng đến Bình Thuận chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Tây Nguyên chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Nam Bộ có mưa rào và dông vài nơi, chiều tối có mưa rào và dông rải rác. Gió đông bắc đến đông cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Vì vậy, có thể nói Hà Nội và khu vực lân cận có thời tiết thuận lợi nhất để quan sát mưa sao băng đêm nay.
Sau đó, đêm ngày 20, rạng sáng 21/10 sắp tới, những người yêu thiên văn sẽ tiếp tục có cơ hội chiêm ngưỡng một trong những trận mưa sao băng lớn nhất trong năm mang tên Orionid, với tần suất trung bình 20 vệt mỗi giờ.
Khoảng 22 giờ 30 ngày 21/10, chòm sao Orion bắt đầu xuất hiện trọn vẹn trên bầu trời phía Đông. Thời điểm hợp lý nhất để chiêm ngưỡng mưa sao băng vào lúc 0 giờ 30 phút khi mà chòm sao Orion đã mọc đủ cao và khoảng 3 giờ 30 phút – 4 giờ sáng, chòm sao này sẽ lên cao nhất.
Vào lúc cực điểm, người quan sát có thể thấy 20-30 vệt sao băng mỗi giờ với điều kiện thời tiết tốt. Tuy nhiên, trong trận mưa sao băng này, thời điểm Orionids cực đại lại gần ngày trăng tròn (13, 14 Âm lịch). Do đó, ánh trăng sẽ cản trở đáng kể các vệt sao băng.
Một trận mưa sao băng là một sự kiện thiên thể, trong đó con người quan sát được một số thiên thạch tỏa sáng, hoặc bắt nguồn từ cùng một điểm trên bầu trời đêm. Những thiên thạch này là do các dòng bụi vũ trụ đi vào bầu khí quyển Trái Đất với tốc độ rất cao trên quỹ đạo song song. Các bụi thiên thạch này nhỏ hơn một hạt cát, vì vậy hầu hết chúng đều tan rã và không bao giờ chạm vào bề mặt Trái Đất. Những trận mưa sao băng dữ dội hoặc bất thường được biết đến như những cơn bão sao băng và bão thiên thạch, có thể tạo ra hơn 1.000 thiên thạch mỗi giờ. Mưa sao băng hầu như xuất hiện vào những thời điểm giống nhau trong một năm. Nguyên nhân do các hạt bụi vũ trụ phân bố theo quỹ đạo hình elip và quay quanh Mặt Trời theo chu kì nhất định. Nếu quỹ đạo của Trái Đất cắt ngang quỹ đạo của một đám bụi vũ trụ nào đó thì it nhất mỗi năm vào đúng thời điểm nhất định, Trái Đất sẽ một lần xuyên qua lớp bụi vũ trụ đó và xảy ra hiện tượng mưa sao băng trong thời gian đó. Khi Trái Đất bay vào vùng có nhiều thiên thạch thì sẽ thường xuyên xảy ra hiện tượng mưa sao băng hơn. |
Thảo Nhi (TTXVN, Vnews, Wiki, Thienvanvietnam)