Chiếc mũ biểu tượng tô điểm khán đài mùa World Cup: Mang ý nghĩa đặc biệt, giúp phá vỡ định kiến bấy lâu về đất nước Trung Đông
Là nguồn cảm hứng tạo ra linh vật La'eeb của World Cup 2022, chiếc mũ ghutra truyền thống của người Ả rập đã trở thành một trong những biểu tượng của giải đấu này.
Rời quê nhà Geneva (Thụy Sĩ), Jean Marc Berger đến với đất nước Qatar để theo dõi hành trình của đội tuyển nước nhà tại World Cup với chiếc mũ đội đầu mang màu sắc đỏ trắng truyền thống của lá cờ Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, vào thời điểm anh đến với sân vận động 974 để cổ vũ trận đấu thứ hai của đất nước mình, chiếc mũ ghutra truyền thống của người Ả rập mới là thứ cổ động viên này sử dụng như một "phụ kiện" để cổ vũ đội nhà.
Chiếc mũ ghutra truyền thống của nam giới tại Ả rập
Trước khi đến Qatar, Berger chưa bao giờ nghĩ rằng anh ấy sẽ thử đội chiếc mũ ghutra này lên. Anh ấy lo lắng rằng làm như vậy có thể bị nước chủ nhà coi là xúc phạm, cho rằng điều đó có thể bị coi là coi thường văn hóa Qatar, và sợ rằng điều đó sẽ vi phạm sự nhạy cảm của địa phương.
Tuy nhiên, không chỉ Berger mà tất cả cổ động viên của các đội khi đặt chân đến World Cup 2022 đều vô cùng hứng thú với chiếc mũ truyền thống này. Khi ghutras được cách điệu thành màu sắc đặc trưng của 32 đội trong giải đấu, nó đã nổi lên như một phụ kiện bắt buộc phải có của World Cup. Chúng được bày bán tại các quầy hàng ở Souq Waqif, khu chợ ở trung tâm thành phố Doha và cả trong các cửa hàng tại trung tâm thương mại cao cấp. Chúng thậm chí còn được bày bán và dự trữ trong một số siêu thị lớn.
Ali, một trong năm người sáng lập cửa hàng chuyên bán mũ ghutra và chiếc áo truyền thống được gọi là 'thobes' tại các địa điểm trong thành phố, cho biết. “Chúng đang bán rất chạy. Chúng tôi hơi ngạc nhiên về sự yêu thích của những du khách. Tất cả các quốc gia châu Mỹ - Hoa Kỳ, Canada, Brazil, Argentina,...đều sử dụng những chiếc mũ và cả chiếc áo của chúng tôi một cách khó tin.”
Mũ ghutra là thứ bán chạy nhất tại Qatar vào mùa World Cup
Mang ý nghĩa đặc biệt
Ashraf Abu Issa, người lên ý tưởng cho những chiếc mũ này cho biết: "Ý tưởng sản xuất mũ và băng đô của Qatar có màu áo và cờ của các đội tuyển quốc gia tham dự đã nảy ra trong đầu tôi cách đây một năm rưỡi.
Để thực hiện nó một cách khác biệt, chúng tôi đã liên hệ với FIFA và chính các đội để đảm bảo rằng màu sắc là chính xác, sau đó sản xuất mũ và phụ kiện băng đô đi kèm cho tất cả các đội tuyển. Những chiếc mũ này thậm chí còn có con dấu chính thức của FIFA, như một sản phẩm được công nhận".
Cổ động viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới dùng mũ ghutra cách điệu thành màu quốc kỳ
Nói thêm về ý tưởng bán ghutra có màu sắc quốc gia, anh Ali cho biết nó được lấy cảm hứng từ mong muốn xây dựng thương hiệu cho giải đấu lần đầu tiên được tổ chức tại Trung Đông bằng một thứ gì đó đậm nét đặc trưng của người dân khu vực này.
“Ở Nam Phi vào năm 2010, tất cả chúng tôi đều nghe thấy tiếng kèn Vuvuzela. Chúng tôi không muốn có một kỳ World Cup bình thường giống như ở Đức hay Nga khi tất cả mọi thứ đều giống nhau. Chúng tôi muốn thứ gì đó làm nên sự đặc trưng của người Ả Rập” - Ali nhấn mạnh.
"Phá băng" bằng sự hiếu khách
Tất nhiên, ý tưởng này cũng khiến cho nhiều người lo ngại về việc xâm phạm và chiếm đoạt văn hóa, điều thường được coi là thiếu tôn trọng ở châu Âu và Bắc Mỹ. Trái lại với những lo ngại trên, đa số người dân địa phương lại không hề cảm thấy điều khó chịu. Thậm chí, họ còn cho rằng việc sử dụng ghutra sẽ giúp cho khách du lịch chống chọi với thời tiết nắng nóng khắc nhiệt tại Qatar.
“Không thành vấn đề. Chúng tôi đã mời tất cả mọi người đến đây, và đây là một phần văn hóa của chúng tôi. Ngoài ra, nó là một thứ rất thiết thực để mặc khi trời nóng.”- Ahmed al-Balooshi, một người Qatar xuất hiện trong khu chợ Souq Waqif thẳng thắn chia sẻ.
Người dân Qatar không ngại hướng dẫn du khách cách đội mũ ghutra
Về phía những người hâm mộ, họ cũng khẳng định rằng việc đến Qatar, trải nghiệm văn hóa quốc gia này đã khiến cho họ có cái nhìn khác cũng như một kỷ niệm khó phai tại đây. Người hâm mộ đội tuyển Brazil Jurema Cardoso Arruda cho biết:
"Ở đất nước này và mặc trang phục truyền thống của họ sẽ là một kỷ niệm không thể phai mờ khi nhắc đến World Cup 2022. Tôi thích sự hội nhập của các nền văn hóa khác nhau, tôi thích thời gian ở Qatar và FIFA cũng như Qatar đã tổ chức World Cup rất tốt.
Người dân Qatar rất thân thiện, hiếu khách. Họ thậm chí đã mời chúng tôi đến nhà của họ để xem các trận đấu cùng nhau. Họ đã dành sự chào đón đặc biệt cho đội tuyển của chúng tôi.".
Thay đổi định kiến bằng nét đẹp văn hóa
Bên cạnh đó, những người đội mũ ghutra cho đến trước thời điểm diễn ra World Cup 2022 đa phần đều được miêu tả trên các phương tiện truyền thông phương Tây như một biểu tượng của một vùng đất có phần bảo thủ, bất bình đẳng và đôi khi là lạc hậu.
Việc người hâm mộ World Cup đến từ nhiều quốc gia trên hành tinh đội những chiếc mũ của người Ả Rập không chỉ là một cách quảng bá văn hóa mà còn góp phần thay đổi nhận thức về định kiến của người Ả Rập.
Chiếc mũ truyền thống giúp thể hiện bộ mặt tích cực của quốc gia Trung Đông
"Phần lớn người hâm mộ mặc nó theo màu sắc quốc kỳ của nước họ và mua chúng làm quà cho bạn bè và gia đình. Điều này sẽ truyền tải hình ảnh chân thực của những bộ trang phục truyền thống này. Việc người hâm mộ đội mũ ghutra chính là hiệu quả tích cực của việc phá vỡ rào cản và những định kiến không mấy tích cực của nhiều người về đất nước chúng tôi trong quá khứ.
Chúng tôi cũng muốn truyền tải tới người hâm mộ và tất cả những ai đã đến thăm Qatar trong thời gian diễn ra giải đấu hình ảnh về lòng khoan dung trong đạo Hồi, sự hiếu khách, sự cởi mở của Qatar với mọi nền văn hóa và văn hóa thể thao ở Qatar" - Abu Issa kết lại.
Kết lại, World Cup 2022 chắc chắn đã, đang và sẽ là một bước ngoặt lớn trong lịch sử, một người thay đổi cuộc chơi thực sự. Mọi người từ khắp nơi trên thế giới có trải nghiệm đáng nhớ về lòng hiếu khách, văn hóa Ả Rập và Hồi giáo (phương Đông). Lịch sử văn hóa Ả Rập sẽ được chia thành hai giai đoạn - bức tranh trước và sau World Cup. Nó sẽ xóa bỏ rào cản văn hóa và thay đổi suy nghĩ của nhiều người mãi mãi.
World Cup 2022 sẽ giúp thế giới có cái nhìn khác về các quốc gia Ả rập
Nguồn: NY Times, Gulf Times