Chia sẻ quan điểm nuôi dạy con, nữ diễn viên nổi tiếng nhận được cơn mưa khen ngợi: Phải dạy như thế thì con mới không hư
Lưu Thi Thi có cách dạy con nghiêm khắc.
Lưu Thi Thi sinh năm 1987, là nữ diễn viên nổi tiếng của Trung Quốc. Tại Việt Nam, cô được biết đến nhiều nhất qua bộ phim "Bộ bộ kinh tâm", đóng cùng nam diễn viên Ngô Kỳ Long. Đây cũng chính là bộ phim khiến cả hai nên duyên và chính thức kết hôn vào năm 2015. Hiện tại, cặp đôi có một con trai tên Bộ Bộ, sinh năm 2019.
Sau 4 năm chung sống, Lưu Thi Thi và Ngô Kỳ Long mới có con. Vì không thể sinh con sớm, cả hai gặp rất nhiều áp lực. Truyền thông Trung Quốc đưa tin cặp đôi nổi tiếng đã tìm đến nhiều phương pháp y học để sớm có con.
Những tưởng cả hai sẽ rất chiều chuộng con nhưng sự thật thì ngược lại. Lưu Thi Thi có vẻ ngoài dịu dàng nhưng trong cách dạy con lại khá nghiêm khắc. Cô không chiều chuộng quá mức để tránh con sinh hư.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, nàng "Nhược Hy" của "Bộ bộ kinh tâm" đã khiến nhiều người ngợi khen khi chia sẻ quan điểm dạy con.
Không có chuyện "đánh chừa đồ đạc"
Lưu Thi Thi cho biết, nếu con trai đi lại và va vào thứ gì đó, cô sẽ không hốt hoảng lao đến, dẹp hết đồ đạc sang một bên và nói những câu đại loại như "đánh chừa cái bàn", "tại cái ghế làm con đau",... Thay vào đó, cô sẽ nhắc nhở con, nếu con đi lại mà va phải những thứ đồ đạc đó thì sẽ bị đau.
Nếu con cứ bày bừa đồ đạc hoặc không chú ý khi đi lại thì sẽ phải nếm trải nỗi đau đó. Theo quan điểm của Lưu Thi Thi, cách giáo dục tốt nhất là để trẻ trực tiếp đối mặt với nỗi đau, thay vì che giấu nó một cách mù quáng.
Theo các chuyên gia giáo dục, quan điểm nuôi dạy con của Lưu Thi Thi rất đáng học hỏi. Trước hết, cha mẹ nên hiểu rằng nỗi đau và thất bại không chỉ mang đến cho trẻ cảm giác tiêu cực mà còn có tác dụng tích cực. Đó là để trẻ phát triển phẩm chất kiên trì.
Đứa trẻ hai tuổi đụng vào cạnh bàn, chân ghế, chưa nói đến mẹ ruột, người xa lạ nhìn thấy cũng nảy sinh cảm giác đau lòng. Thế nhưng đau lòng thì có lợi ích gì? Nếu không được trực tiếp đối mặt với nỗi đau, đứa trẻ sẽ không thể nhớ được nỗi đau.
Vì không có trí nhớ lâu nên sau này, trẻ có thể sẽ tiếp tục va vào cạnh bàn, chân ghế và thậm chí bị tổn thương nặng hơn.
Vì vậy, Lưu Thi Thi chắc chắn không phải là không thương xót con mình. Hành động của cô là để tránh cho đứa trẻ không bị tổn thương nhiều hơn trong những ngày tháng sau này, đồng thời để đứa trẻ học cách đối mặt với thất bại và khiến nó kiên quyết hơn khi gặp khó khăn.
Đây là cách yêu thương con trẻ đúng đắn, loại tình yêu này cũng sẽ mang lại lợi ích cho trẻ suốt đời.
Ngược lại, những bậc cha mẹ không thể chịu đựng nổi sự bất bình dù nhỏ nhất của con cái, khi con va vào đâu thì lập tức bước tới an ủi, đổ hết trách nhiệm cho cái bàn, cái ghế là hoàn toàn không nên. Mặc dù hành động này có thể nhanh chóng ổn định cảm xúc của trẻ, nhưng về lâu dài, nó tiềm ẩn những mối nguy hiểm rất lớn, như khiến trẻ thiếu tinh thần trách nhiệm, luôn cho rằng mọi việc xảy ra là lỗi của người khác.