Chỉ với một nguyên tắc bạc tỷ, cô gái này kiếm hơn 30 tỷ/năm, lọt danh sách người trẻ tài năng của Forbes ở tuổi 25, xuất hiện trên trang chủ của Apple ở tuổi 28
"Vừa được làm những điều mình thích, vừa kiếm được tiền. Vừa có thể làm việc tự do, vừa có thể tận hưởng cuộc sống ở bất cứ nơi nào trên thế giới." Đây là miêu tả của Nghê Truyền Tịnh, cô gái sinh năm 1988, về cuộc sống của mình.
Ở độ tuổi 25, Nghê Truyền Tịnh (Trung Quốc, hay còn được quốc tế biết tới với cái tên Victo Ngai) đã có mặt trong danh sách những người trẻ tài năng mảng nghệ thuật của Forbes và được giới minh họa thế giới miêu tả "sử dụng màu sắc phương Đông truyền tải nên triết học phương Tây", bản thân cô cũng giành được rất nhiều giải thưởng trong lĩnh vực minh họa cả trong và ngoài nước.
Các tạp chí như "The New Yorker", "New York Times", "Wired", Apple, McDonald's… đều là khách hàng của Nghê Truyền Tịnh. Ngay cả mùa cuối cùng của series phim nổi tiếng "Game of Thrones" cũng mời cô ấy vẽ tranh. Chỉ dựa vào hội họa, thu nhập hàng năm của cô lên tới hàng chục triệu tệ.
Nghê Truyền Tịnh đến từ Quảng Đông và bắt đầu học hội họa ở Thâm Quyến từ năm 5 tuổi. Năm 10 tuổi, cô chuyển đến Hồng Kông cùng cha mẹ.
Ở Hồng Kông vào thời điểm đó, mọi người đều tin rằng chỉ có bác sĩ và luật sư mới là nghề kiếm ra tiền, vẽ tranh luôn bị coi là "vô ích" và "không thực tế".
Thời điểm đó, thu nhập của các họa sĩ minh họa rất thấp, gần như không thể duy trì cuộc sống.
Ở Hồng Kông lúc bấy giờ, nếu ai đó nói: "Tôi muốn học vẽ tranh minh họa và trở thành họa sĩ", nó sẽ chẳng khác gì bạn bảo người ta rằng: "Tôi muốn về nhà nuôi lợn và trở thành ông chủ của một đàn lợn!"
Mẹ cô tuy rất lo lắng cho sự lựa chọn của con gái nhưng vẫn tôn trọng con: "Nếu con chọn vẽ tranh, sau này, ngay cả việc ăn uống thôi có lẽ cũng sẽ trở thành một bài toán khó, con đã chuẩn bị tinh thần cho việc này chưa? Nếu rồi, mẹ sẵn sàng ủng hộ con".
Với sự ủng hộ của mẹ, Nghê Truyền Tịnh đã chọn cách kiên trì. Sau cùng, cô thành công được nhận vào Trường Thiết kế Rhode Island (Rhode Island School of Design) của Hoa Kỳ, nơi được mệnh danh là "Harvard Nghệ thuật".
Là một sinh viên quốc tế, nếu không thể chuyển đổi thị thực sinh viên của mình thành giấy phép lao động trong vòng một năm sau khi tốt nghiệp, cô sẽ phải rời Hoa Kỳ.
Có một thuật ngữ trong tâm lý học được gọi là "nguyên tắc lối đi": đèn cảm biến ở các lối đi thường ở trong trạng thái tắt và sẽ chỉ chiếu sáng con đường phía trước khi có ai đó bước đến vị trí tương ứng.
Cuộc sống cũng vậy, đôi khi tưởng chừng như phía trước chỉ toàn là màn đêm, nhưng khi bạn đi đến một vị trí tương ứng, ánh đèn, tự nhiên sẽ vì bạn mà phát sáng.
Sau khi tốt nghiệp, Nghê Truyền Tịnh cố gắng nỗ lực bước vào "lối đi" dẫn đến thành công đó. Do giá thuê nhà cao, cô phải thuê một khu ổ chuột ở ngoại ô, ăn những bữa rẻ tiền, làm mọi cách để tìm việc làm, làm việc cật lực để kiếm sống và ở lại Mỹ.
Cô thu thập email của các biên tập viên tạp chí trên khắp thế giới và gửi từng tác phẩm của mình. Để tiết kiệm tiền, cô đã in các tác phẩm của mình thành 600 tấm bưu thiếp và gửi chúng đi, trên mỗi tấm đều có phần tự giới thiệu viết tay và trang web tác phẩm.
Nhờ sự kiên trì, cô đã gặp biên tập viên người Mỹ của "Thời báo New York", tạp chí này sau đó đã xuất bản tác phẩm của cô.
Đèn cảm biến trên "lối đi" đã vì Nghê Truyền Tịnh mà thắp sáng. Kể từ đó, các tác phẩm minh họa của cô được giới chuyên môn chú ý.
Các bức tranh minh họa của Nghê Truyền Tịnh đã được "New York Times" bình chọn là "Tác phẩm đáng chú ý nhất trong năm" trong ba năm liên tiếp vì "sử dụng các yếu tố phương Đông vẽ nên các diện mạo phong cách khác nhau của phương Tây, khiến các tác phẩm toát lên một vẻ bí ẩn và độc đáo."
Kể từ đó, ngày càng có nhiều ánh đèn thắp sáng vì Nghê Truyền Tịnh, cô cũng dần có một bầu trời đầy sao sáng của riêng mình trong ngành minh họa.
Nghê Truyền Tịnh vẫn nhớ những gì giáo viên đã nói khi cô tốt nghiệp Trường Thiết kế Rhode Island: "Nếu sau này được làm công việc mình yêu thích, đó chắc chắn là điều tuyệt vời nhất.
Nhưng nếu phải làm một công việc mà mình không thích, vậy thì cũng hãy thử cố gắng đi yêu thích nó, cuộc sống có như vậy mới không quá khắc nghiệt."
Nghê Truyền Tịnh, người hiện kiếm được hàng chục tỷ đồng mỗi năm từ công việc vẽ tranh, đã nói về thành công như thế này: "Đừng nghĩ rằng con đường nghệ thuật là khó khăn, mọi thứ trên đời này đều không dễ dàng, nếu bạn thích, hãy theo đuổi nó, nếu bạn muốn thành công, bạn phải chăm chỉ, phải nỗ lực. Cách sống tuyệt vời nhất là sống theo cách mà bạn thích."
Một bài học lớn nhất mà chúng ta có thể học được từ thành công từ cô gái trẻ tài năng này chính là: Vì ước mơ, đừng bao giờ từ bỏ. Khoảnh khắc bạn cảm thấy mệt mỏi, trên "lối đi" gập ghềnh ấy, chiếc "đèn cảm ứng" biết đâu lại bừng sáng lên.
Khi đó, cả bầu trời đầy sao sẽ vì bạn mà lấp lánh!