Chỉ trong 2 ngày, tính năng phát hiện tai nạn của Apple phát đi hàng chục cảnh báo sai
Chỉ cần người trượt tuyết dừng lại sau khi đổ dốc cũng làm kích hoạt tính năng phát hiện tai nạn dù chẳng có tình huống nguy hiểm nào thực sự xảy ra.
Cùng với việc giới thiệu dòng iPhone 14, trong sự kiện tháng 9 vừa qua, Apple cũng giới thiệu các dòng Apple Watch mới bao gồm, Apple Watch series 8, Apple Watch Ultra và Apple Watch SE 2022. Một tính năng mới xuất hiện trên các thiết bị này là khả năng phát hiện tai nạn Crash Detection khi bạn ngồi trong xe ô tô bị va chạm. Tính năng này được triển khai nhờ kết hợp giữa các cảm biến gia tốc kế, con quay hồi chuyển, GPS cũng như micro trên thiết bị để phát hiện có phải người dùng bị tai nạn hay không.
Lúc đó trừ khi bạn chạm tay vào thiết bị để tắt nó đi, nếu không cứ sau 10 giây, chiếc iPhone đồng bộ với Apple Watch mới sẽ liên lạc với các số khẩn cấp trong danh bạ và cho họ biết vị trí bạn gặp nạn. Trong quảng cáo về của mình, Apple tuyên bố tính năng Crash Detection được tạo thành từ "các thuật toán chuyển động tiên tiến do Apple thiết kế và được huấn luyện trong hơn 1 triệu giờ trong các dữ liệu ghi nhận về tai nạn và lái xe trong thế giới thực."
Cho dù là một tính năng hữu ích với người dùng, đây cũng là một nỗi phiền toái không nhỏ đối với các cơ quan cứu hộ. Theo báo cáo từ trang Colorado Sun, vào thứ Hai tuần trước, trung tâm cứu hộ 911 của hạt Summit đã nhận được 71 thông báo tai nạn được tự động gửi đi từ iPhone hoặc các Apple Watch phiên bản mới nhất của du khách trượt tuyết trong khu vực này vào cuối tuần.
Điều đáng nói là trong số 71 thông báo tai nạn này, không có trường hợp nào thực sự là tình huống nguy hiểm khẩn cấp. Mỗi khi người trượt tuyết dừng lại sau một cú đổ dốc hoặc bị ngã vào tuyết đều làm kích hoạt tính năng phát hiện tai nạn Crash Detection cho dù không có tình huống khẩn cấp nào thực sự xảy ra. Ngay cả khi tính năng Crash Detection không được kích hoạt khi người dùng ngã vào tuyết, tính năng phát hiện người bị ngã của Apple Watch cũng sẽ phát đi các thông báo này – dù thường là những tình huống không cần thiết.
Bên cạnh đó, nhân viên của 911 cũng được huấn luyện không được bỏ sót các thông báo khẩn cấp này. Do vậy, mỗi khi thông báo được phát đi, người phụ trách của trung tâm 911 tại địa phương sẽ phải liên hệ với đội tuần tra trượt tuyết để đến địa điểm xảy ra va chạm nhằm đảm bảo không ai bị thương nặng. Tất nhiên đó là một quy trình tốn kém thời gian.
Mặc dù vậy, tổng đài 911 tại địa phương này vẫn muốn những người trượt tuyết bật tính năng an toàn này khi xác nhận rằng đây là một tính năng quan trọng và không gây phiền toái.
Suzie Butterfield, giám sát viên của Trung tâm điều phối hạt Summit, cho biết: "Ai đó có thể trượt tuyết và đâm vào cây bất tỉnh và những người trượt tuyết khác không hề nhìn thấy họ. Chúng tôi không muốn các bạn tắt tính năng này. Chúng tôi muốn các bạn được an toàn. Chúng tôi không ngại nhận cuộc gọi đó vì nếu thực sự có chuyện gì xảy ra, chúng tôi muốn có thể liên lạc được với bạn."
Tuy nhiên không phải đội cứu hộ nào cũng vui vẻ với điều này. Ngày 14-12 vừa qua, các nhóm tìm kiếm và cứu hộ của bang British Columbia, Canada đã phàn nàn về hàng loạt các cảnh báo sai được phát đi từ tính năng Crash Detection trên Apple Watch mới và yêu cầu Apple phải thay đổi.
Các nhóm cứu hộ thuộc khu vực này liên tục nhận được các thông báo tai nạn và họ phải cử trực thăng đến nơi phát đi thông báo nhưng thường không tìm thấy ai hoặc không có tình huống nguy hiểm nào. Đáng nói hơn, do là những nhóm cứu hộ tình nguyện nên có ngân sách hạn chế trong khi mỗi thông báo tai nạn từ Crash Detection có thể khiến họ tiêu tốn đến 10.000 USD chỉ để nhận ra không có vụ việc nào tại khu vực phát đi cảnh báo.
Tham khảo PhoneArena, AppleInsider