Chỉ số giá lương thực thế giới tăng lên mức cao nhất từ năm 2014
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 4/3, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cho biết giá lương thực thế giới trong tháng 2 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2014 do giá đường và dầu thực vật tăng mạnh. Đây là tháng thứ 9 liên tiếp giá lương thực tăng.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), gần một nửa tổng lương trên toàn cầu được trả cho chỉ 10% lực lượng lao động có mức lương cao nhất, trong khi 10% có mức lương thấp nhất chỉ nhận được 0,1%.
Cụ thể, chỉ số giá lương thực - đo mức thay đổi hằng tháng đối với các mặt hàng ngũ cốc, hạt có dầu, các sản phẩm từ sữa, thịt và đường - trong tháng 2 đạt trung bình 116 điểm, tăng nhẹ so với mức 113,2 điểm của tháng liền kề trước đó. FAO nêu rõ sản lượng thu hoạch ngũ cốc đang trên đà đạt mức kỷ lục, khi có nhiều dấu hiệu chỉ ra rằng quy mô sản xuất sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.
Trong tháng 2, chỉ số giá ngũ cốc đã tăng 1,2% so với tháng trước. Trong số các loại ngũ cốc chính, giá cao lương tăng mạnh nhất ở mức 17,4% so với tháng trước và 82,1% so với cùng kỳ năm ngoái, do nhu cầu lớn từ Trung Quốc. Giá gạo và ngô cũng duy trì đà tăng do giá xuất khẩu tương đối ổn định.
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, riêng tại Nam Phi, giá gạo bán ra đã tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, ngay cả khi chỉ số lạm phát chung vẫn ở mức thấp. Điều này cho thấy giá lương thực đang leo thang ở mức báo động. Ông Dawie Maree, Trưởng bộ phận thông tin và tiếp thị của Chi nhánh nông nghiệp ngân hàng FNB, cho hay giá ngô và đậu tương bị ảnh hưởng do tỷ giá hối đoái, giá quốc tế tăng mạnh và nhu cầu cao ở các nước láng giềng như Zimbabwe.
- Nobel Hòa bình 2020 tôn vinh Chương trình Lương thực thế giới
- An ninh lương thực: Vấn đề hết sức hệ trọng trong bất ổn toàn cầu
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng nhập khẩu rất nhiều ngũ cốc để làm thức ăn cho lợn trong nỗ lực tái đàn sau khi bùng phát dịch tả lợn châu Phi vào năm 2020.
Lo ngại về nguồn cung trong năm 2020-2021 do quy mô sản xuất giảm tại các nước sản xuất chính và nhu cầu lớn tại châu Á, giá đường đã tăng 6,4% so với tháng 1. Trong khi đó, giá dầu thực vật tăng 6,2% lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2012, với giá dầu cọ tăng 9 tháng liên tiếp, do những quan ngại về lượng hàng thấp tại các nước xuất khẩu chính.
Giá các sản phẩm từ sữa tăng 1,7%, trong khi giá thịt chỉ tăng 0,6%. FAO nêu rõ nguyên nhân khiến giá thịt lợn giảm do sức mua từ Trung Quốc giảm khi nguồn cung dư thừa và xu hướng tăng hàng tồn tại Đức do lệnh cấm xuất khẩu vào các thị trường châu Á.
Trong báo cáo mới nhất, FAO đã điều chỉnh dự báo về sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong năm 2021 là 811 triệu tấn, tăng 9 triệu tấn so với dự báo trước đó. Con số này thấp hơn 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo FAO, hiện có những dấu hiệu cho thấy sản lượng ngũ cốc sẽ có sự tăng nhẹ trong năm nay./.
Đặng Ánh - Đình Lượng - TTXVN