Chỉ 1 bữa tối của giới siêu giàu khiến tôi nhận ra 'luật ngầm' của người thành công: Muốn kết bạn với người ưu tú, bạn cũng không thể tầm thường
Xây dựng quan hệ xã hội cũng giống như chơi bập bệnh, ai cũng muốn đối phương nâng mình lên chứ chẳng ai muốn mãi mãi ngồi ở dưới.
01. Người ưu tú thường kết giao với người ưu tú
Mạng xã hội Trung Quốc từng lan truyền một bức ảnh nổi tiếng, được gọi là "bàn tiệc nghìn tỷ". Đó là hình ảnh một bàn tiệc dài được bày kín các món ăn, mà nhân vật chính ở đó chính là những ông chủ của các công ty công nghệ đình đám sở hữu khối tài sản khổng lồ: Lý Ngạn Hoành của Baidu, Trương Triều Dương của Sogou, Đinh Lôi của NetEase, Tào Quốc Vệ của Sina, Mã Hóa Đằng của Tencent…
Nhìn vào bức ảnh đó, mọi người đã nhớ đến câu nói của nhà thơ nổi tiếng Johann Wolfgang von Goethe: "Hãy cho tôi biết bạn kết giao cùng ai, tôi sẽ biết bạn là người như thế nào."
Những người ở trên đỉnh kim tự tháp thường quen biết lẫn nhau, lại rất ít xây dựng quan hệ với những người bình thường. Vì với những việc không quan trọng, họ lược bỏ khỏi tâm trí của mình và giao phó cho cấp dưới thực hiện.
Họ coi trọng chất lượng của các mối quan hệ hơn là số lượng. Cùng sở hữu nền tảng xã hội như nhau, họ càng dễ dàng hiểu hơn về nhau. Điều này cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tích lũy vốn xã hội của họ.
Không cùng một tần số, có tiếp xúc cũng vô dụng. Bởi lẽ, các mối quan hệ không phải là thứ cứ theo đuổi là được, nó là thứ có được nhờ sự thu hút lẫn nhau.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu thấu điều đó. Tình trạng này dẫn tới các tương tác xã hội không hiệu quả. Có người bận rộn với việc giao thiệp, ứng phó hết người này đến người kia, dốc bao tâm trí để tiếp lời với mọi người nhưng kết quả vẫn chỉ là một cuộc nói chuyện lúng túng, ông nói gà, bà nói vịt. Cũng có người chạy quanh vì tiếng cười của người khác, hy sinh cái tôi của bản thân để đổi lấy sự hài lòng của đối phương, cuối cùng đổi lấy một cuộc sống không còn là chính mình.
Trên thực tế, tất cả những điều này đều chỉ ra rằng: Đó không phải là xây dựng quan hệ, đó chỉ là bạn đang không ngừng lãng phí thời gian và bản thân một cách vô ích.
02. Tương tác xã hội hiệu quả thường tuân theo "luật bập bênh"
George Caspar Homans, nhà tâm lý học xã hội người Mỹ, từng chỉ ra rằng, giao tiếp giữa các cá nhân về bản chất là một quá trình trao đổi xã hội, trao cho nhau những gì mà hai bên cần.
Trong tâm lý học, "luật bập bênh" có thể hiểu như sau: Mối quan hệ giữa người với người giống như một chiếc bập bênh, muốn đạt được sự hài hòa và lâu dài thì cần không ngừng duy trì sự cân bằng, đôi bên đều phải nỗ lực bỏ ra công sức. Điều này tương tự với cách nói từ xưa trong dân gian: "Có qua có lại mới toại lòng nhau".
Một khi trò chơi bập bênh không còn cân bằng, một người mãi mãi ở trên cao, một người vẫn luôn ở dưới thấp, trò chơi sẽ rất nhanh chán. Không ai muốn bỏ ra sức nặng của bản thân mà chẳng nhận lại gì.
Ngay từ đầu, khi cùng chơi, mỗi người đều hy vọng người kia sẽ nhấc mình lên. Yếu tố quan trọng để cho phép bạn bị đối thủ nhấc lên là trọng lượng của đối thủ lớn hơn bạn.
Tương tự như vậy, chỉ cần bên nhẹ không ngừng tăng trọng lượng, hai bên thay phiên nâng nhau lên thì mọi người đều cùng có cơ hội trải nghiệm cảm giác vươn lên dẫn đầu. Nói cách khác, một mối quan hệ ổn định giữa các cá nhân phải duy trì sự cân bằng, không ngừng trao đổi lẫn nhau, chứ không chỉ đơn phương nhận lấy hay đơn phương cho đi.
Trong giao tiếp xã hội cũng như vậy, cần phải chân thành quan tâm, suy nghĩ ở vị trí của người khác, phân tích nhu cầu và cung cấp giá trị mà đối phương cần. Nếu bạn muốn người khác sẵn sàng kết giao với bạn, điều quan trọng nhất là tăng giá trị và khả năng tạo ra giá trị của chính bản thân.
Để giảm thiểu các tương tác xã hội kém hiệu quả, giải pháp cơ bản nhất là tăng giá trị xã hội của chính mình và tăng khả năng tạo ra giá trị của chính mình. Có như vậy, ngày càng nhiều người sẽ chủ động yêu cầu bạn "chơi bập bênh".
03. Xã hội giống như một chiếc kim tự tháp
Ai cũng có mong muốn được leo lên đỉnh tháp để ngắm nhìn những phong cảnh tuyệt vời hơn. Chỉ khi trình độ của bạn càng cao và càng gần đến đỉnh của kim tự tháp thì khoảng cách của sự tiếp xúc của bạn với những người trong các lĩnh vực khác mới càng ngắn lại.
Do đó, thường thì những người càng xuất sắc càng có được những mối quan hệ chất lượng và hiệu quả. Hơn nữa, vì bản thân họ nằm ở trong một nhóm xã hội xuất sắc, có nhiều giá trị cũng như khả năng tạo ra giá trị cho người xung quanh nên họ càng chú ý nhiều hơn đến quyền lợi của bản thân, tránh "trao đổi không công bằng".
Nếu bạn muốn tiếp cận với những người như vậy, bước đầu tiên là cải thiện giá trị xã hội, sau đó là phát đi tín hiệu rằng bạn có đủ giá trị xã hội. Cách hiệu quả nhất là tăng sức mạnh chia sẻ, xây dựng thương hiệu cá nhân của riêng bạn thông qua các bài báo, bài phát biểu, v.v. và truyền miệng, để càng nhiều người biết về bạn càng tốt.
Khi bạn có thể làm được hai điểm này, bạn không cần phải dành quá nhiều thời gian để ứng phó, kết nối, mà chất lượng tương tác xã hội vẫn có thể đạt đến mức đáng kể, thậm chí là mức hiệu quả.
*Theo Zhihu