Chế độ, chính sách đối với đại biểu HĐND
(Thethaovanhoa.vn) - Tại Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 1206/2016/NQ-UBTVQH13 quy định về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân.
Theo thông tin từ Chinhphu.vn, tính đến hết ngày 29/5, đã có 46 trong tổng số 63, tỉnh, thành phố trên cả nước công bố kết quả bầu cử và danh sách đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2016-2020.Tiền lương
Theo đó, đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách là cán bộ, công chức của cơ quan nhà nước thuộc đối tượng áp dụng của Luật Cán bộ, công chức được trả lương, phụ cấp và các chế độ khác từ ngân sách nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quy định khác của pháp luật.
Đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách đang làm việc ở cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thời gian thực hiện nhiệm vụ đại biểu được bảo đảm trả lương, phụ cấp, các chế độ khác theo quy định tại Khoản 2 Điều 103 của Luật tổ chức chính quyền địa phương.
Đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách mà không phải là người hưởng lương (kể cả người hưởng lương hưu) hoặc hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước hoặc từ quỹ bảo hiểm xã hội thì được chi trả chế độ tiền công lao động theo ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân.
Cụ thể, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã: 0,10 mức lương cơ sở/ngày; đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện: 0,12 mức lương cơ sở/ngày; đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh: 0,14 mức lương cơ sở/ngày…
Hoạt động phí
Đại biểu Hội đồng nhân dân (bao gồm cả đại biểu hoạt động chuyên trách và hoạt động không chuyên trách) được hưởng hoạt động phí hàng tháng như sau: Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã: Hệ số 0,3 mức lương cơ sở; đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện: Hệ số 0,4 mức lương cơ sở; đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh: Hệ số 0,5 mức lương cơ sở.
Bên cạnh đó, đại biểu Hội đồng nhân dân được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
Đại biểu Hội đồng nhân dân nếu từ trần mà người lo mai táng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp mai táng từ Quỹ bảo hiểm xã hội hoặc không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp mai táng từ ngân sách nhà nước thì được hưởng một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở do Hội đồng nhân dân cấp đó chi trả từ ngân sách nhà nước;…
Các điều kiện bảo đảm hoạt động
Ngoài các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 103 của Luật tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Hội đồng nhân dân được bảo đảm hoạt động như sau: Đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách được bảo đảm chỗ làm việc, trang thiết bị văn phòng đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước theo quy định của Chính phủ…
Đại biểu Hội đồng nhân dân được cấp kinh phí hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát; hỗ trợ công tác phí; khám, chăm sóc sức khỏe định kỳ; may lễ phục; nghiên cứu; học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đại biểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016.
Theo Chinhphu.vn