Chè cổ thụ thành... củi!
(TT&VH) - Bén rễ hàng trăm năm ở đất Suối Giàng (huyện Văn Chấn, Yên Bái), rừng chè tuyết san cổ thụ giờ từ lâu đã có thương hiệu nức tiếng. Trải bao mưa dập gió vùi, rừng chè cổ vẫn đơm chồi trổ nhánh xanh tươi cùng cuộc sống của bà con người Mông nơi núi rừng. Song những năm gần đây, niềm kiêu hãnh và cũng là "miếng cơm" của cả xã Suối Giàng đang dần héo hon và tàn lụi.
Nhìn những "cụ" chè tới 300 năm tuổi sừng sững thay nhau đổ gục, người Suối Giàng không khỏi xót xa và lo lắng trước thảm cảnh rừng chè cổ có nguy cơ chìm vào quá khứ.
Hôm nay nhà có khách dưới xuôi lên, anh Sổng A Chu tất bật ra vào nấu nướng. Bê cả bó củi to, A Chu chua xót: "Chè cổ thụ cả đấy. Nhưng giờ thành củi hết rồi, mối đục rỗng cả ruột nên đun cháy như rơm ấy à".
Mối làm tổ ở gốc chè cổ
Rẫy nhà A Chu có dăm chục gốc chè tuyết san cổ thụ, năng hái, mỗi vụ cũng thu về cả tạ búp, bán được cả chục triệu đồng. Mấy năm trở lại đây, cây chè cổ bắt đầu xuất hiện tình trạng mối xông.
Chu kể: "Mới đầu nó đục vài cành nhưng tao mặc kệ. Cây chè này từ tổ tiên đến giờ có phải chăm sóc gì đâu, làm sao nó chết được. Nhưng dần dà con mối nó đục rỗng cả cây chè ta. Thế là cây chè chết thật".
Sau ngày A Chu nhận ra "cây chè chết thật" ấy, hàng chục cây chè cổ thụ nhà anh lần lượt thành… củi. Rồi "đại dịch mối" như vết dầu loang "gặm" chỗ này, chỗ kia khắp rừng chè cổ thụ 296 hecta ở Suối Giàng. "Cái lý người Mông" về sự bất tử của cây chè tuyết san trên Giàng đã bị con mối đục gãy vụn. Người Suối Giàng từ buồn rầu sang lo lắng và dần trở lên hoang mang về số phận rừng chè cổ thụ trăm tuổi.
Cuộc chiến người và mối
A Chu tâm sự: "Trước hay đào bắt con mối chúa nhưng rất khó, mà diệt được con mối thì cây chè cũng tan nát. Thế là chuyển sang phun thuốc nhưng cũng không ăn thua lại nghe nói ảnh hưởng đến chất lượng chè, thế là lại phải dừng. Nhưng vẫn phải tìm cách cứu cây chè vì chè cổ mà chết hết, người ở đây sống bằng gì”.
"Xã cũng áp dụng nhiều cách của dân gian, rồi cũng nhiều đoàn lên kiểm tra thử nghiệm cách chống mối nhưng không hiệu quả. Vừa rồi, anh em bảo vệ thực vật dưới Hà Nội lên, nghiên cứu có giới thiệu và sử dụng thuốc chống mối. Đợt đó xã mua nhiều lắm, bước đầu không lây lan nữa. Song mới thử nghiệm nên chúng tôi vẫn thấy lo lắng lắm. Chưa biết thế nào" - Ông Sổng A Nủ, Chủ tịch xã Suối Giàng chia sẻ.
Toàn xã Suối Giàng hiện có 296 hecta chè tuyết san cổ thụ. Bước đầu xác định khoảng 30 hecta quanh khu vực Bản Mới cây chè cổ thụ chịu sâu bệnh nặng chết lụi dần. Diện tích còn lại cũng bị mối ăn rải rác. Hàng năm, toàn xã thu hái được khoảng 500 tấn chè búp tươi, bán với giá trung bình 7.000đồng/kg, thu về cho bà con trong xã trên 3 tỷ đồng. Nhờ thế cuộc sống của bà con người Mông cũng đỡ khổ hơn.
Sẽ chỉ còn "vang bóng một thời"?
Không chỉ có mối, một điều đáng lo nữa, theo bà Lâm Thị Kim Thoa, Chủ nhiệm HTX Suối Giàng, có rất nhiều cây chè tuyết san cổ thụ hiện đang bị chết vì già, đây là quy luật tự nhiên, không cưỡng nổi.
Cây chè cổ đang bị "củi hóa"
"Để đảm bảo sinh kế cho người dân, chủ trương của huyện là trồng lại chè Suối Giàng"- Ông Trần Hữu Sính, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Văn Chấn khẳng định chắc nịch. Thực tế, đã có thêm 100 hecta cây chè trồng mới. Nhưng việc cây chè cổ thụ ngã xuống vẫn khiến chúng tôi không khỏi chua xót.
Rừng tuyết san chè cổ thụ là bản sắc riêng có gắn bó chặt chẽ với người Mông ở Suối Giàng. Suối Giàng sẽ ra sao nếu không còn chè cổ? Chuỗi du lịch Yên Bái - Suối Giàng - Mường Lò - Mù Cang Chải có còn đủ sức hút khi rừng chè tuyết san trăm tuổi thành những đồi chè chục tuổi? Chưa kể đến kết quả "cuộc chiến chống mối", chỉ tính riêng quy luật sinh diệt bất biến, cũng khiến ta thấy cái ngày rừng chè cổ sẽ lùi vào quá khứ là tất yếu.
Liệu rừng chè tuyết san hơn 300 năm tuổi rồi đây sẽ chỉ còn tồn tại trong những câu chuyện kể bên ánh lửa bập bùng của những trưởng bản xứ này…
Ngược con dốc Giàng B, rời Suối Giàng trong bóng chiều chạng vạng, tiện tay tôi bứt vài lá chè tuyết san trăm tuổi nhấm thử. Vị chè cổ đắng ngắt.
Phạm Mỹ