Cháy quán karaoke, lộ ra là nhà ở, văn phòng 'chuyển đổi công năng'
(Thethaovanhoa.vn) - Hà Nội có gần 1.000 quán karaoke đang hoạt động nhưng phần lớn các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí này vốn được chuyển đổi công năng từ nhà ở, văn phòng nên đều vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy. Đó cũng chính là lý do vì sao trong thời gian qua tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
- Đồ họa: Vụ hỏa hoạn tại quán Royal karaoke ở số 83 phố Nguyễn Khang
- Cháy lớn ở quán karaoke trên đường Đê La Thành
Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 3 (Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội), đơn vị phụ trách địa bàn Cầu Giấy, mặc dù chưa có kết luận chính thức nguyên nhân vụ cháy, song bước đầu có thể xác định nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn tại quán karaoke này là do chập điện tại biển hiệu phía bên ngoài tầng 4 và cháy lan vào bên trong.
Đáng chú ý, cơ sở kinh doanh karaoke này là nhà dân xây dựng, không dùng để kinh doanh loại hình dịch vụ này, nhưng người thuê đã tự ý thay đổi công năng, chuyển từ nhà ở sang kinh doanh karaoke, vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy. Ngôi nhà cao tầng này được chủ nhân chia làm 11 phòng hát và hành lang đi lại hẹp khoảng 70cm, không có lối thoát hiểm.
Cô gái dùng áo ngực che mặt để thoát thân khỏi đám cháy quán Karaoke ở Nguyễn Khang (Hà Nội)
Cũng chính vì thế, khi xảy ra vụ hỏa hoạn ngọn lửa cháy lan vào trong phòng, việc dập tắt đám cháy của lực lượng chức năng rất khó khăn khi xe vòi vươn chỉ chữa cháy được phòng mặt tiền, còn phòng phía trong bị vô hiệu hóa bởi cách bố trí phòng của nhà ống. Trong khi đó nguyên liệu cháy chiếm phần lớn là đồ nhựa, xốp cách âm nên khi xảy cháy đã nhanh chóng sinh ra lượng lớn khí độc.
Nhận định về nguyên nhân cũng như tình trạng vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy tại các quán karaoke, Thiếu tá Trương Mạnh Tuấn, cán bộ Đội Hướng dẫn kiểm tra an toàn chữa cháy Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy số 3 cho biết: Phần lớn các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí này được chuyển đổi công năng từ nhà ở, văn phòng sang dịch vụ karaoke.
Đối với nhà ở, điều kiện chỉ có một thang bộ thì không vi phạm quy định về phòng cháy nhưng khi chuyển đổi sang kinh doanh karaoke thì phải có ít nhất hai lối thoát nạn và phải là lối thoát nạn an toàn. Vì thế, nhiều cơ sở vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, thậm chí có chủ cơ sở còn tự ý bịt lối thông khẩn cấp lên sân thượng để cơi nới thêm phòng sử dụng, kinh doanh. "Nếu không may xảy ra hỏa hoạn thì hiểm họa về người là rất cao", Thiếu tá Trương Mạnh Tuấn lo ngại.
Nỗi lo này hoàn toàn có cơ sở. Hai năm trước, vụ hỏa hoạn xảy ra tại quán Karaoke Nhật Thực ở ngõ 43 phố Giảng Võ vào trưa 3/5/2014 đã khiến 5 người thiệt mạng. Ám ảnh với nhiều người chứng kiến là cảnh thân nhân của các nạn nhân như hóa điên khi không thể tiếp cận được hiện trường - nơi họ tin còn người thân mắc kẹt. Tại thời điểm đó, theo lời kể của một số nhân chứng, ngọn lửa phát ra từ tầng một của quán karaoke 4 tầng này, sau đó bốc cao, lan lên các tầng trên.
Hỏa hoạn xảy ra, cửa đóng kín, quán lại không có lối thoát hiểm, còn nhân viên đang nghỉ tại các phòng phía trên. Cảnh sát đã phải đập cửa kính để tìm cách tiếp cận hiện trường và thông khói, dập tắt hỏa hoạn...
Kết quả kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại toàn bộ 1.007 quán karaoke, bar, vũ trường trên địa bàn thành phố Hà Nội mới đây của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội cũng cho thấy những điều đáng lo ngại. Trong tổng số 988 cơ sở đang hoạt động có 787 cơ sở không đảm bảo các điều kiện về phòng cháy chữa cháy.
Nhiều chủ đầu tư chưa nắm được các quy định về phòng cháy chữa cháy trong đầu tư xây dựng nên khi xây mới hoặc cải tạo công trình, thay đổi bố trí mặt bằng, công năng sử dụng, hệ thống phòng cháy chữa cháy... không thực hiện công tác thẩm duyệt, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Nhiều trường hợp, người đứng đầu cơ sở cố tình không chấp hành, đưa công trình vào hoạt động khi chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.
Theo Trung tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội): Trước những nguy cơ và hiểm họa cháy có thể xảy ra tại quán karaoke, Bộ Công an đã có Thông tư số 47/2015/TT-BCA ban hành về công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy đối với các loại hình kinh doanh này.
Theo đó từ tháng 12/2015, các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy nghiêm ngặt như: Tường, vách ngăn, trần treo của lối thoát nạn, các buồng, vật liệu trang trí phải được làm bằng vật liệu chống cháy hoặc khó cháy; các hệ thống chống sét, điện, chống tĩnh điện và việc bố trí các thiết bị này cũng phải đảm bảo yêu cầu an toàn phòng cháy chữa cháy. Thiết kế lắp đặt biển quảng cáo phải đảm bảo các yêu cầu vật tư, chiếu sáng, quy chuẩn xây dựng biển ngoài trời không che kín cả nhà lấp lối thoát nạn, ban công.
"Khi có Thông tư 47, chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền để chính quyền sở tại cũng như những chủ cơ sở nắm bắt được những yêu cầu của thông tư; từ đó yêu cầu các đơn vị phải chấp hành việc khắc phục các tồn tại phòng cháy chữa cháy và trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy theo thông tư hướng dẫn.
Đây không phải việc làm một sớm một chiều mà chúng ta có thể thực hiện được nhưng nếu cơ sở vẫn chây ì không thực hiện yêu cầu được kiến nghị, chúng tôi sẽ thành lập đoàn liên ngành để chính quyền sở tại cũng như các cơ quan liên quan đến việc cấp phép về kinh doanh karaoke phải vào cuộc để tiến hành kiểm tra.
Nếu chủ cơ sở vẫn không thực hiện, chúng tôi sẽ có phương pháp tạm đình chỉ hoặc đình chỉ, hoặc phải cưỡng chế việc chấp hành những kiến nghị về phòng cháy chữa cháy", Trung tá Phạm Trung Hiếu cho biết.
"Nếu cơ sở không đáp ứng được yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy thì chính quyền sở tại phải cưỡng chế bằng những việc như cắt điện, cắt nước để cơ sở đó buộc phải khắc phục. Đối với chủ cơ sở không thể khắc phục được, sẽ yêu cầu di dời đến địa điểm khác", Trung tá Hiếu nhấn mạnh.
TTXVN/Hạnh Quỳnh