Chảy đi… sông Lam!
(Thethaovanhoa.vn) - Bóng đá là một môn giải trí nhưng nó cũng là niềm tự hào của người dân mỗi vùng có đội bóng. Khán đài phủ kín khán giả, màu cờ và sắc áo cứ bay phần phật… Dù đã đi nhiều địa phương nhưng theo thiển ý của người viết thì người dân xứ Nghệ là máu bóng đá nhất nước.
- Vì sao CĐV SLNA bình thản khi Phi Sơn ra đi?
- Phi Sơn khóc hết nước mắt khi dọn đồ khỏi SLNA
- Phi Sơn chia tay SLNA: Tiền không tạo nên biểu tượng
Tôi có anh bạn hàng xóm người xứ Nghệ rất máu bóng đá. Khi rảnh rỗi trò chuyện với anh về cuộc sống và tất nhiên không thể thiếu… bóng đá quê hương anh. Quả thật là hiếm có một đội bóng nào mà có sức sống bền bỉ như Sông Lam Nghệ An (SLNA).
Thời kỳ thuộc Pháp, khu vực Vinh - Bến Thủy từng có một đội bóng lừng danh mang tên là Đội áo vàng. Đây được xem như là khởi đầu của truyền thống bóng đá xứ Nghệ. Có lẽ đây cũng là nguồn gốc của màu áo vàng truyền thống của đội Sông Lam Nghệ An ngày nay mà ông Nguyễn Hồng Thanh, hiện là Tổng giám đốc CLB này, từng xác nhận như thế.
Danh chính ngôn thuận thì SLNA mới thành lập năm 1979 nhưng sau 38 năm, thật trùng hợp, đội bóng này cũng có 38 chiếc Cúp đặt trang trọng trong Phòng truyền thống của CLB với chiếc Cúp Quốc gia 2017 mới đây. Có thể nói đội bóng này đậm chất truyền thống và kiên cường nhất V-League khi chưa từng bị xuống hạng. Chặng đường lịch sử của CLB này có thể chậm nhưng đều là những bước đi vững chắc.
***
17 mùa bóng tham gia giải đấu cao nhất nước, kể cả những lúc khó khăn nhất do “chảy máu chất xám” và hạn hẹp về kinh phí do thiếu vắng nhà tài trợ nhưng SLNA vẫn mang cái tên đó cho đến nay và không đánh mất đi bản sắc trước sức mạnh của đồng tiền. Điều này càng khiến cho những người hâm mộ thêm tin yêu đội bóng quê hương, ngay cả khi họ phải đấu trên sân khách. Có được điều mà người viết cho là chuyên nghiệp nhất này thì phải có con người - Cầu thủ mang dòng máu xứ Nghệ.
Đất xứ Nghệ là vùng đất có truyền thống hiếu học, đặc biệt trong lĩnh vực bóng đá thì không ở đâu sánh bằng. Nhiều đứa trẻ mơ trở thành Văn Quyến, Công Vinh, Huy Hoàng, Dương Hồng Sơn… bởi đây cũng là nơi “cung cấp” nhiều nhất cầu thủ cho danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam (Võ Văn Hạnh 2001, Văn Quyến 2003, Công Vinh 2004, 2006, 2007).
Có lẽ không thể kể hết những cầu thủ thành danh và là trụ cột của các đội bóng đang nói giọng Nghệ. Ngay như tuyển thủ Công Phượng ăn tập ở HAGL nhưng cũng quê ở xứ Nghệ. Không ngoa ngôn thì có thể thành lập hơn 2 đội bóng từ những cầu thủ mang dòng máu Nghệ An đang chơi ở V-League, bởi đây là một lò đào tạo cầu thủ trẻ có tiếng tăm trong cả nước.
Truyền thống còn được tiếp nối từ những gương mặt các thế hệ HLV. Sau ông Nguyễn Thành Vinh là một loạt các HLV người Nghệ An như Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Quang Hải, Hà Thìn, Quang Trường và nay là Nguyễn Đức Thắng thay nhau nắm ghế “thuyền trưởng” đội bóng này. Những gương mặt này đã xuất hiện trên khán đài trong trận đấu lượt về mà SLNA giành Cúp Quốc gia 2017 là một hình ảnh gây xúc động với những người làm bóng đá và là niềm hy vọng cho những ai đang theo đuổi nghiệp bóng tròn.
***
Nói chuyện về SLNA lúc này là bởi sang tuần tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chủ trì Hội nghị sơ kết 4 năm triển khai thực hiện "Chiến lược phát triển Bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" thì có lẽ đây là một mô hình CLB cần được đưa ra mổ xẻ, nghiên cứu kỹ lưỡng.
Muốn “gieo bóng đá” thì không đâu bằng xứ Nghệ bởi ở đây có đủ: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Trước khi cắp cặp đi học làm bóng đá bên Tây, các địa phương cứ đào tạo trẻ, xây dựng truyền thống tốt như SLNA là đã “có phước” cho bóng đá Việt Nam lắm rồi!
Đỗ Hải Âu