Châu Âu lo lắng trước sự "xâm lăng" của xe điện Trung Quốc
Hơn một thập niên trước, phóng viên tạp chí chuyên ngành ô tô Top Gear không tiếc lời chế nhạo chiếc ô tô Trung Quốc: "Giống như ai đó gửi hình chiếc Mini Cooper qua điện thoại loại cũ hoặc qua một bản fax rất mờ. Thật kinh khủng, mặc dù nó rất rẻ"…
Nhưng nay, chính sự "rất rẻ" đó đã tạo nên làn sóng ô tô điện Trung Quốc xâm lấn châu Âu và nước Anh – nơi phát minh ra xe hơi và sở hữu những đế chế xe hơi hùng mạnh nhất trong suốt thế kỷ 20- tới mức nhật báo quốc gia của nước Anh, tờ Telegraph, phải báo động rằng "cuộc xâm lăng đang tới rất nhanh và có nhiều rủi ro".
Trung Quốc đã vượt qua Đức và Nhật Bản để trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới. 3 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã xuất cảng ra thị trường nước ngoài khoảng 1,07 triệu ô tô, bao gồm cả xe thương hiệu Trung Quốc và xe của các liên doanh sản xuất tại Trung Quốc. ¼ trong số này là xe điện. Dự kiến trong năm nay, quốc gia này sẽ bán ra 1,3 triệu xe điện cho thế giới. Và khi thời gian tới ngày cấm bán ô tô động cơ đốt trong tại nhiều khu vực (từ năm 2030 ở Anh và năm 2035 trên phần còn lại của châu Âu) không còn bao lâu, cơ hội cho xe điện Trung Quốc càng lớn nhờ mức giá thấp chưa từng thấy. Trong khi xe điện của Nhật Bản, Mỹ và châu Âu thấp nhất cũng ở tầm 20.000 USD thì các đối thủ Trung Quốc sẵn sàng cung cấp những chiếc xe "có vẻ khá ổn" với giá dưới 10.000 USD, thậm chí chỉ 5.000 USD.
Tại sao Trung Quốc có thể làm được những chiếc xe điện rẻ không tin được như vậy? TS Nguyễn Văn Dương, giám đốc điều hành ngành ADAS (tính năng thông minh cho xe hơi) của Panasonic châu Âu, cũng kinh ngạc khi các cảm biến (tự lái) trên xe điện Nio của Trung Quốc thuộc dòng cao cấp, đắt tiền hơn cả của Mercedes vậy mà có giá bán chỉ bằng một nửa!
Trung Quốc đã là điều ấy theo cách của họ.
Theo tính toán của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, kể từ năm 2009, chính quyền trung ương và địa phương của Trung Quốc đã trợ cấp cho các công ty sản xuất xe điện trong nước khoảng 100 tỷ USD. Trung Quốc cũng tận dụng sự thống trị của mình đối với các khoáng sản quan trọng là nguyên liệu chính để sản xuất pin- trái tim của ô tô điện (có nguyên liệu Trung Quốc nắm giữ 75% dung lượng toàn thế giới, tại chính quốc và tại các quốc gia châu Phi mà nước này đã đầu tư từ nhiều năm trước). Cùng với quy mô khổng lồ của thị trường nội địa, những yếu tố này đã giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất.
Và khác với Mỹ, nơi đang trợ cấp cho các công ty xây dựng nhà máy xe điện tại Mỹ (có cả VinFast) và đánh thuế nhập khẩu ô tô Trung Quốc với mức thuế 27,5%, thì Anh và châu Âu chỉ đánh thuế 10% đối với xe Trung Quốc nhập khẩu đồng thời vẫn trợ cấp cho người tiêu dùng khi mua như với các xe điện thương hiệu châu Âu khác.
Hiện tại, ngành công nghiệp ô tô của Anh sử dụng 182.000 lao động và đóng góp 14 tỷ bảng Anh cho nền kinh tế mỗi năm. Ngành công nghiệp ô tô ở Đức, nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu, sử dụng gần 800.000 lao động. Và cuộc xâm lăng của xe điện Trung Quốc đang đẩy châu Âu vào rủi ro khi những con số nói trên sẽ tụt giảm nhanh chóng.
Cùng với rủi ro về kinh tế, còn xuất hiện thêm rủi ro về an ninh. Câu chuyện khởi đầu từ việc chiếc Tesla của nước Mỹ bị hạn chế hoạt động tại một số khu vực "nhạy cảm" ở Trung Quốc (!). Ô tô điện ngày nay, được xem như một máy tính trên bánh xe sử dụng pin cảm biến, micro, camera và các chương trình phần mềm - có nguy cơ trở thành một mặt trận mới trong hoạt động gián điệp toàn cầu, giống như điện thoại thông minh đã làm.
Bà Priti Patel, cựu Bộ trưởng Nội vụ Anh, lên tiếng rằng chính phủ nước này nên làm chậm quá trình chuyển đổi sang xe điện nếu làn sóng ô tô Trung Quốc tràn vào có nguy cơ hủy hoại ngành công nghiệp ô tô trong nước và gây ra rủi ro về an ninh. Theo bà, "Việc giảm thiểu phát thải của nước Anh không thể phụ thuộc vào các quốc gia như Trung Quốc".