Châu Âu cảnh giác trước hiểm họa từ súng in 3D
Số vụ thu giữ súng được lắp ráp tại nhà từ các bộ phận in 3D đang gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các nước châu Âu về mối đe dọa đang nổi lên.
Ở thời điểm hiện tại, nỗi lo sợ về một xã hội tràn ngập vũ khí tự lắp ráp vẫn còn chưa rõ rệt. Tuy nhiên, trên thực tế, súng tự chế đã bắt đầu trở nên phổ biến kể từ năm 2013, khi một người đam mê vũ khí ở Mỹ lần đầu tiên giới thiệu một khẩu súng lục in 3D và chia sẻ thiết kế của loại vũ khí này trên mạng Internet.
Chỉ trong tháng 9 vừa qua, cảnh sát Iceland đã bắt giữ 4 đối tượng tình nghi âm mưu "tấn công khủng bố", tịch thu một số vũ khí bán tự động in 3D. Cũng trong tháng này, nhà chức trách Tây Ban Nha phát hiện xưởng chế tạo súng trái phép của một đối tượng là nam giới, khoảng 40 tuổi ở xứ Basque. Trong năm 2021, lực lượng chức năng Tây Ban Nha cũng đã phát hiện 2 trường hợp tương tự.
Cụ thể, cảnh sát tại quần đảo Canary của Tây Ban Nha đã phát hiện tài liệu về chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và sách hướng dẫn tiến hành chiến tranh du kích đô thị cùng với hai máy in 3D. Trong khi đó, tại thành phố A Coruna, ở Tây Bắc Tây Ban Nha, cảnh sát đã phát hiện một đối tượng nam giới với khẩu súng trường đã được lắp ráp gần hoàn chỉnh.
Trong khi các loại vũ khí truyền thống có thể dễ dàng truy tìm được nhờ số serie và nhãn hiệu chứng minh, những mẫu vũ khí tự chế thông qua cồng nghệ in 3D tại nhà này lại khiến các cơ quan chức năng khó lần ra dấu vết hơn.
Bà Ina Mihaylova - người phát ngôn của cơ quan cảnh sát châu Âu Europol - nhận định: “Công nghệ tiên tiến phát triển nhanh chóng có thể khiến điều này trở thành mối đe dọa rõ rệt hơn trong tương lai gần". Theo bà Mihaylova, hiện vẫn có sự khác biệt lớn giữa chất lượng của vũ khí được sản xuất chuyên nghiệp và vũ khí tự chế hoặc in 3D. Bà cho biết: “Các loại súng in 3D làm hoàn toàn bằng nhựa, thường không thể chống lại áp lực từ đạn thật. Súng cần có nòng, ổ đạn hoặc kim hỏa làm bằng kim loại".
- Tổng thống Mỹ ký ban hành luật về kiểm soát súng đạn
- Quốc hội Mỹ thông qua dự luật lịch sử về kiểm soát súng đạn
Tuy nhiên, ông Christian Goblas - một chuyên gia về đạn dược làm việc tại trường Đại học Rouen (Pháp) dự báo rằng chi phí của việc "in kim loại 3D" sẽ trở nên phải chăng hơn trong trong thập kỷ tới, điều này cũng sẽ khiến vũ khí tự chế bền hơn và có độ chính xác cao hơn.
Ông Jacob Ware - một nhà nghiên cứu chống khủng bố tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại - cho rằng "không phải tất cả các phần tử cực đoan đều nhiệt tình với cách chế tạo súng tốn nhiều công sức".
Mặc dù vậy, ông vẫn cảnh báo: " Dù vũ khí in 3D hiện nay khó có thể trở thành công cụ tương lai của chủ nghĩa khủng bố, nhưng các hệ thống pháp luật vẫn cần đón đầu, nhằm đảm bảo các quy định về kiểm soát súng không bị phá vỡ trước khi quá muộn".
Thanh Phương/TTXVN