Châu Âu căng mình trước những âm mưu tấn công khủng bố
(Thethaovanhoa.vn) - Tại Pháp, ngày 16/1, một người đàn ông đã bắt 3 người làm con tin tại một trạm bưu điện ở ngoại ô phía Tây Bắc thủ đô Paris. Sau đó hung thủ đã gọi điện báo cho cảnh sát địa điểm giữ con tin và tuyên bố mình có vũ trang.
Cảnh sát với sự hỗ trợ của máy bay trực thăng đã phong tỏa toàn bộ khu vực tòa nhà bị người này chiếm giữ. Sau đó cảnh sát đã bắt giữ hung thủ và giải cứu toàn bộ 3 con tin. Cảnh sát khẳng định vụ bắt cóc con tin không có liên hệ với khủng bố. Hung thủ là một đối tượng tâm thần không ổn định vừa trải qua bi kịch trong đời sống cá nhân.Không chỉ Pháp, toàn châu Âu đang đối mặt với những nguy cơ khủng bố đe dọa. Báo Der Spiegel (Tấm gương) của Đức ngày 16/1 đưa tin các cơ quan tình báo nước ngoài đã thu thập được nội dung các cuộc trao đổi của một số đối tượng cực đoan quốc tế, trong đó thảo luận âm mưu tấn công nhằm vào cuộc tuần hành của Phong trào chống Hồi giáo hoá phương Tây (Pegida) diễn ra hàng tuần tại nước này.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Cục an ninh nội địa Đức (BfV) cũng thông báo đã phát hiện bằng chứng cho thấy nhóm đối tượng vừa gây ra vụ xả súng kinh hoàng tại toà báo Charlie Hebdo ở Paris (Pháp) có liên hệ với một số phần tử Hồi giáo cực đoan tại Đức. Phát biểu tại Hạ viện Đức ngày 16/1, lãnh đạo BfV và Cục tình báo nước ngoài Đức (BND) thông báo hiện vẫn chưa xác định được địa điểm và thời gian cụ thể các đối tượng cực đoan lên kế hoạch tiến hành khủng bố tại Đức, song cảnh sát nước này sẽ ngay lập tức được tăng cường ở các khu vực nhà ga, tàu điện ngầm tại các thành phố lớn nhằm phát hiện và ngăn ngừa nguy cơ tấn công khủng bố.
Mối lo ngại về nguy cơ xảy ra các tấn công khủng bố đang gia tăng tại Đức, sau khi tạp chí Der Spiegel
ngày 16/1 đăng nhận định chung của một số cơ quan tình báo nước ngoài
cho rằng Đức đang trở thành mục tiêu tiếp theo của bọn khủng bố, trong
đó hai nhà ga trung tâm ở thủ đô Berlin và thành phố Dresden, cùng với
các địa điểm tổ chức tuần hành của Phong trào chống Hồi giáo hoá phương
Tây (Pegida) đang được xem là những mục tiêu có khả năng bị tấn công cao
nhất.
Giới chức an ninh cấp cao Đức cùng ngày cho biết sẽ đặc biệt lưu tâm những thông tin này, đồng thời nhận định một vụ khủng bố tiềm tàng nhằm vào các địa điểm tập trung đông người như vậy sẽ tạo ra những "tình huống đáng sợ" với an ninh nước này.
Cùng ngày, tình báo và cảnh sát Italy cho biết hiện đang nắm trong tay danh sách hơn 100 kẻ tình nghi khủng bố đang sống ở Italy bằng giấy tờ hợp pháp
Nhật báo hàng đầu Italy Corriere della Sera dẫn nguồn tin trên cho biết hầu hết những đối tượng nói trên là người nhập cư gốc Bắc Phi thế hệ thứ hai và đang sống ở miền Bắc Italy, trong đó có 10 phụ nữ, chủ yếu từ độ tuổi 28 đến 35.
Theo các nhà điều tra, nhóm người này có xu hướng ủng hộ Phong trào cực đoan và có "thiện cảm" với Lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Các đối tượng này thường xuyên truy cập các trang web của các tổ chức Hồi giáo cực đoan và liên lạc với các thanh niên "cùng chí hướng" khác ở châu Âu.
Tình báo Tunisia đã cảnh báo tới tình báo Italy rằng "Đất nước hình chiếc ủng" trong thời gian qua đã trở thành nơi trung chuyển cho những chiến binh Hồi giáo là người châu Âu được IS và các nhóm khủng bố chiêu mộ vượt qua Italy sang Syria và Iraq chiến đấu trong lực lượng IS. Tình báo Tunisia cũng cho rằng, nhóm khủng bố Hồi giáo Ansar al-Sharia của Tunisia cũng đang tham gia móc nối với các phần tử Italy. Ngoài Italy, những nơi mà các chiến binh đi qua để tới chiến đấu ở Syria và Iraq là các nước Balkan.
Liên quan tới nỗ lực chống khủng bố trên toàn châu Âu, cơ quan công tố Bỉ ngày 16/1, cho biết nhà chức trách nước này đã buộc tội 5 đối tượng vì gia nhập một nhóm khủng bố, sau một loạt cuộc đột kích nhằm đập tan các âm mưu tấn công nhằm vào các trụ sở cảnh sát.
Người phát ngôn cơ quan công tố Bỉ Eric Van der Sijpt cho biết 3 đối tượng bao gồm 1 tên sống sót sau cuộc đột kích của cảnh sát tại thành phố Verviers, đã bị bắt giam trong khi 2 đối tượng còn lại đã được thả có điều kiện.
Trước nguy cơ khủng bố tăng cao, Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã thông qua gói biện pháp biện pháp tăng cường an ninh trên lãnh thổ nước này. Trong các biện pháp này có đề xuất tước quốc tịch của công dân Bỉ từng tham chiến cùng với các chiến binh Hồi giáo, cách ly các tù nhân có thể tuyên truyền tư tưởng cực đoan cũng như phát hiện các phần tử cực đoan qua các mạng xã hội và mạng điện thoại máy tính.
Chuyên đề: Vụ tấn công tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo ở Paris xem TẠI ĐÂY
P.V - TTXVN