Chào tuần mới: Tương lai của văn chương
Gần 500 khán giả (đa phần trẻ tuổi) đã đến hội trường của Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia TP.HCM hôm 25/3 để dự buổi cà phê học thuật nhân văn với chủ đề "Văn học trẻ Việt Nam trong dòng chảy giao lưu quốc tế". Số lượng khán giả phần nào chứng tỏ văn chương vẫn còn sức hút với những người trẻ; với tương lai của văn hoá đọc, của văn chương.
Dù vậy, với chủ đề quá rộng này, một buổi cà phê ngắn dĩ nhiên chưa thể khái quát hết vấn đề. Nhưng khán giả cũng hiểu hảo ý của Ban tổ chức, muốn hướng đến đối tượng khán trẻ, những người mới bắt đầu trên con đường văn chương, hoặc còn ấp ủ những dự định với văn chương, rằng: Hãy thu xếp thêm thời gian để đến với lựa chọn của mình.
Đó là xóa bỏ những mặc cảm tự ti, nhưng cũng đồng thời bỏ đi những ảo tưởng, để các tác giả trẻ tương lai có cái nhìn thực tế hơn về vị trí của văn chương nội địa trong bối cảnh hiện tại.
Ấn tượng nhất vẫn là những câu hỏi được khán giả đưa ra thảo luận. Như vấn đề làm sao để viết được những tác phẩm đủ sức đi ra quốc tế, nhưng vẫn không đánh mất bản sắc; đến những câu hỏi về nghề như nỗi cô đơn trong quá trình sáng tác, cách "nhìn" sao để "thấy"… Nhà văn Bích Ngân, bằng kinh nghiệm của mình, đã trả lời chân thành, xác đáng.
Câu chuyện về quảng bá văn học, cách mà ta có thể học hỏi từ các nước khác. Rồi chuyện gần gũi hơn là làm cách nào để một tác giả mới tự quảng bá mình trong thời buổi hiện nay cũng là vấn đề được quan tâm.
Như đã nói ở trên, trong giới hạn một buổi cà phê thật khó để nói về một chủ đề rộng như Ban tổ chức đặt ra. Nhưng chính sự quan tâm, chính những câu hỏi của khán giả trẻ là tín hiệu đáng mừng cho thấy các bạn trẻ không coi viết văn như một hành động tự phát, mà có ý thức chuyên nghiệp hơn, hướng tới hình thành một lứa tác giả mới, có khát vọng chính đáng, nhằm đưa văn chương ra thế giới.
Tuy nhiên, rào cản ngôn ngữ vẫn là bức tường lớn, cho đến nay, vẫn hạn chế văn chương Việt Nam tiến ra quốc tế. Để bước qua rào cản này, chúng ta phải có một chiến lược bài bản hơn trong việc dịch, giới thiệu, kết hợp quảng bá…
Nhưng nói đi thì cũng nói lại, dịch, giới thiệu hoặc quảng bá cũng chỉ là những bước sau. Trước nhất, phải sáng tác được những tác phẩm mà chính chúng ta cảm thấy hài lòng và mong muốn giới thiệu ra thế giới. Có lẽ cũng cảm nhận được điều này, nên đa phần các câu hỏi của khán giả trẻ là hướng tới việc viết, cách viết, những điều quan tâm hàng đầu của một người sáng tác.
Một buổi sinh hoạt học thuật do trường tổ chức dành cho sinh viên, nhưng lại là bước sơ khởi gợi cho chúng ta nhiều điều suy ngẫm, hứa hẹn những chủ đề hấp dẫn trong tương lai gần.