Chào tuần mới: Tuần mới với... công viên mới
Một thông tin đáng chú ý trong tuần qua: Dự kiến, trong tháng 11 này, một công viên mang tên nữ anh hùng Võ Thị Sáu sẽ chính thức xuất hiện trong "bản đồ" các công viên của Hà Nội.
Công viên "mới" này được đổi tên từ Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, hiện đang nằm tại phố Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng) - vốn đã tồn tại vài chục năm qua tại khu vực trung tâm thành phố với diện tích hơn 20 ha.
Công viên Tuổi trẻ Thủ đô (thường được gọi Công viên Tuổi trẻ) không phải là công trình xa lạ với những người dân Hà Nội. Cho đến đầu thập niên 1990, khu vực này vẫn là bãi đất gần như bỏ trống vì thiếu quản lý và gắn với cái tên "xóm liều" rất nổi tiếng - nơi có rất nhiều hộ dân cư trú bất hợp pháp và cũng là "điểm nóng" lớn nhất thành phố về nạn buôn bán ma túy bấy giờ!
Bước ngoặt lớn nhất của khu vực này đến vào đầu những năm 2000, khi chính quyền Hà Nội giải tỏa "xóm liều" và cơ bản quy hoạch phần diện tích hơn 20 ha thành một quần thể công viên vui chơi với đầy đủ cây xanh, mặt nước, các công trình phụ trợ…
Tuy nhiên, trong 2 thập niên sau đó, từ những bất cập của đơn vị quản lý - cũng như việc một số phần đất thuộc công viên chưa được giải tỏa nốt theo quy hoạch - không gian vẫn chưa thể đạt tới sự hoàn thiện như quy hoạch dự kiến, trong khi nhiều phần đất lại được cho thuê vì mục đích thương mại.
Từng có nhiều năm sống tại đây, bản thân người viết cũng đã không ít lần vào Công viên Tuổi trẻ để tập thể dục hoặc thư giãn. Về cơ bản, quần thể này vẫn có những phần diện tích lớn để phục vụ cộng đồng, tuy nhiên việc nhiều công trình đang xuống cấp - cũng như nhiều tiện tích thiếu vắng - khiến nó khó lòng đạt tới chất lượng của một công viên đúng nghĩa….
***
Có thể thấy, việc đổi tên thành "Công viên Võ Thị Sáu" sẽ mở ra sự đồng nhất với tượng đài nữ anh hùng Võ Thị Sáu hiện đang đặt tại không gian này, cũng như với trục phố Võ Thị Sáu ngay sát công viên.
Nhưng đáng nói hơn, theo phía quản lý, thay đổi lớn nhất nằm ở việc các đoạn rào chắn công viên trên 2 phố Võ Thị Sáu và Thanh Nhàn sẽ sớm được hạ bỏ và thay bằng cảc dải bồn cây để tạo thành "hàng rào mềm" ngăn cách công viên với đường phố. Bên cạnh đó, phần vỉa hè sát công viên sẽ được chỉnh trang, đồng thời các điểm trông giữ xe được bố trí thêm.
Có nghĩa, từ một công viên "kiểu cũ", không gian này sẽ trở thành một quần thể mở, tạo điều kiện cho đông đảo người dân tiếp cận. Cách làm ấy tương tự với giải pháp từng được áp dụng tại Công viên Thống Nhất - cũng như đang được đề xuất tại nhiều công viên của Hà Nội - với kỳ vọng phát huy trọn vẹn giá trị của cây xanh, mặt nước của quần thể trong việc phục vụ cộng đồng.
Và như thế, không chỉ dừng ở chuyện thay đổi một cái tên, những gì đang diễn ra tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô cũng mở ra những hy vọng với cho cách tiếp cận và quản lý của Hà Nội đối với loại công trình đặc thù này. Ở đó, cộng đồng không chỉ được tạo thuận lợi để thụ hưởng những giá trị sinh thái mà nó đem lại - mà còn đứng trước những trách nhiệm mới để bảo vệ và phát huy giá trị công viên. Bởi chắc chắn, về lâu dài, việc giữ trật tự, vệ sinh - cũng như bổ sung các tiện tích tại đây - sẽ cần thêm nguồn lực từ xã hội, thay vì chỉ trông đợi vào ngân sách…