Chào tuần mới: Từ đường Láng tới sông Tô Lịch
Với người dân Hà Nội, sự kiện "chiếm sóng" nhiều nhất tuần qua có lẽ là việc ngành giao thông thành phố vừa thông tin về đề án mở rộng đoạn đường Láng nối từ Cầu Giấy tới Ngã Tư Sở.
Như những thông tin được đưa ra, đoạn đường dài gần 4 km này sẽ được mở rộng tới hơn 50 mét (gấp đôi so với hiện tại) - và đặc biệt, bổ sung hệ thống đường trên cao để "nối dài" đoạn đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở đã hình thành trước đó.
Nhiều năm qua, gần 4 km dọc đường Láng luôn là trọng điểm ách tắc của Hà Nội - nhất là khi 2 đoạn đường liền kề với nó (Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở và Cầu Giấy - Nhật Tân) đều đã được mở rộng để nối ra 2 cây cầu lớn của thành phố. Nói cách khác, trục đường vành đai 2 đi cầu Nhật Tân, qua đường Láng, tới cầu Vĩnh Tuy cũng là trục dọc ngắn nhất và tiện nhất để đi xuyên qua nội đô Hà Nội sang các vùng liền kề.
Bởi thế, nói không sai khi trong nhiều năm qua, việc mở rộng đường Láng luôn là ước mơ của rất nhiều người dân Hà Nội (chứ không phải chỉ những hộ dân bản địa luôn "nếm mùi" ách tắc tại đây). Nhất là khi, với một tuyến đường trên cao được hoàn thiện, chúng ta sẽ có thể đi từ cầu Vĩnh Tuy tới cầu Nhật Tân chỉ với 20 phút đồng hồ trên lý thuyết.
Nhưng tất nhiên, câu chuyện mở rộng một tuyến đường huyết mạch tại trung tâm thành phố chưa bao giờ đơn giản. Thực tế, ý tưởng mở rộng đường Láng tuần qua trở thành tâm điểm chú ý còn bởi mức kinh phí ước tính cho dự án này lên tới con số 17 ngàn tỷ đồng, trong đó 16,7 ngàn tỷ đồng được dùng cho giải phóng mặt bằng.
Và khi việc xây dựng những tuyến đường "đắt nhất hành tinh" luôn là câu gậy phản ứng mạnh với cộng đồng trong nhiều năm qua, chắc chắn việc mở rộng đường Láng sẽ còn được trao đổi, cân nhắc rất nhiều trước khi đưa ra phương án cuối cùng - giống như điều mà ngành giao thông Hà Nội cũng vừa khẳng định.
***
Nhưng, cũng cần nói tới một thực tế khác: Gần 4 km dọc đường Láng chính là phần trung tâm của sông Tô Lịch chảy qua nội đô Hà Nội trong nhiều thế kỷ.
Đã có thời điểm, ý tưởng"cống hóa" sông Tô Lịch (vốn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng) để kết hợp mở rộng đường Láng từng được đặt ra trong quá khứ. Để rồi, khá may mắn, giải pháp ấy không thành hiện thực, đồng thời theo thời gian, trong những năm gần đây, chính quyền và người dân thành phố cũng nhiều lần đặt ra quyết tâm "hồi sinh" con sông từng làm nên một phần lịch sử Hà Nội này.
Gần nhất, cuối năm 2019, tuyến đường đi bộ ven sông Tô Lịch cũng đã được Hà Nội đầu tư với kinh phí 65 tỷ đồng để tôn tạo cảnh quan, trồng hoa, lắp đặt chiếu sáng… với kỳ vọng biến nơi đây thành một không gian công cộng quan trọng trong thành phố.
Việc mở rộng đường Láng trong tương lai chắc chắn sẽ có những tác động đa chiều tới sông Tô Lịch, cũng như những gì gắn với nó. Nhìn ở góc độ tích cực, đó là cơ hội để sông Tô gắn với một trục đường hiện đại, sầm uất và thu hút lượng người tham gia giao thông lớn.
Còn phía ngược lại, việc nằm cạnh một "dòng chảy" giao thông tốc độ cao ít nhất cũng sẽ đòi hỏi thêm nhiều tiện tích bổ sung để cộng đồng tiếp xúc với sông Tô, như hệ thống cầu bộ hành để nối với bên kia đường.
Đó là chưa kể những ý tưởng (chỉ đang là đề xuất cá nhân) về việc mở rộng đường Láng về phía sát bờ sông Tô, hoặc xây dựng hệ thống đường trên cao lệch về phía mặt sông, chắc chắn cũng sẽ đặt ra những vấn đề khác, trong ý tưởng bảo tồn và gìn giữ một con sông cảnh quan giữa lòng Hà Nội.
Nói vậy không phải để bàn lùi, mà chỉ hướng về một điều đơn giản: Trong kế hoạch mở rộng đường Láng, chúng ta đều mong tác động của nó tới sông Tô và không gian công cộng dọc sông cũng được lưu ý, để hướng tới những giải pháp hợp lý, hài hòa.