Chào tuần mới: Nào, cùng đi "ăn lốp"
"Lên kế hoạch đi ăn lốp thôi", đó là lời đùa vui đang chiếm sóng các mạng xã hội cuối tuần qua, sau khi 164 nhà hàng hoặc cơ sở ăn uống của Việt Nam vừa được vinh danh trong các hạng mục giải thưởng sao của cẩm nang Michelin (Michelin Guide).
Nếu ai chưa hiểu câu đùa tếu này, xin giải thích thêm: Ra đời từ năm 1900, từ một chương trình makerting cho thương hiệu lốp xe Michelin nổi tiếng, Michelin Guide trong hơn một thế kỷ tồn tại đã phát triển mạnh và được cả thế giới biết đến. Nói cách khác, việc lọt vào danh sách được gắn sao của bảng xếp hạng này vẫn mặc định được coi là một "bảo chứng" có giá trị quốc tế đối với các nhà hàng.
Khá thú vị, ở bảng danh sách vừa công bố, bên cạnh việc "gắn sao" cho một số nhà hàng sang trọng, có khá nhiều cơ sở ăn uống tại Việt Nam được đưa vào các hạng mục Michelin Selected và Bib Gourmand.
Phần lớn trong số này đều là những quán ăn khá quen thuộc với cộng đồng, như trường hợp các quán phở Khôi hói, phở Châm, bún chả Hương Liên, bánh cuốn bà Hoành (Hà Nội); bánh canh Yến và cơm gà Lan (Đà Nẵng); hay bánh xèo Đinh Công Tráng, bò kho Gánh (TP.HCM)
***
Đây là lần thứ 2 Michelin Guide xuất hiện tại Việt Nam. Và cũng như lần đầu (2023), bên cạnh sự hào hứng, nhiều tranh luận đang xuất hiện quanh bản danh sách này.
Dễ hiểu: rất nhiều cơ sở ăn uống thuộc dạng bình dân hoặc trung lưu trong số này đều "nhẵn mặt" với các thực khách Việt Nam. Đến khi Michelin vinh danh những địa chỉ này, nhiều người không ngần ngại chia sẻ cảm nhận riêng của mình. Chẳng hạn, với một số quán phở tại Hà Nội, đã có kha khá ý kiến cho rằng phía thẩm định sử dụng "cách nhìn của Tây" nên chưa đánh giá chuẩn xác về sự ngon/dở của những nơi bán món ăn phổ biến này.
Với người viết, những tranh cãi này là bình thường - khi mà ẩm thực hay khẩu vị là một lĩnh vực tùy thuộc cảm nhận và sở thích của mỗi người. Nó cũng giống như việc Michelin Guide chỉ là một tổ chức đánh giá - và dù họ rất nổi tiếng thì không bảng xếp hạng nào từ một tổ chức có thể làm hài lòng một cách tuyệt đối.
Hãy nhìn vào một thực tế: Dù có thể chưa xuất sắc theo "chuẩn Việt", nhưng việc nhiều địa chỉ được đánh giá tốt theo "chuẩn Tây" này vẫn là những gợi ý nên được tham khảo trong việc thu hút du khách nước ngoài.
Điều ấy cũng giống với nhận xét từng có ở nhiều chuyên gia, rằng: Dù đặc sắc, ẩm thực Việt Nam cũng nên chú ý tới việc sẵn sàng điều chỉnh, gia giảm tiêu chuẩn để phù hợp với các khẩu vị khác nhau nếu muốn vươn ra thế giới - thay vì mãi trong cảnh "con hát mẹ khen hay" với những thực khách nội địa.
Thẳng thắn, việc Michelin vinh danh các quán ăn tại Việt Nam đang là một điều tích cực - cả ở việc quảng bá du lịch lẫn ở góc độ có thêm những kinh nghiệm để hiểu thực khách quốc tế muốn gì và cần gì, trước khi nghĩ tới chuyện chinh phục khách hàng.
Hãy cứ nghĩ đơn giản thế, cũng như hãy để các nhà hàng, quán ăn trong danh sách của Michelin tự tiếp tục khẳng định mình sau niềm vui - và cũng là áp lực - vừa nhận được.
Và, chẳng có lý do gì để vào một ngày cuối tuần, chúng ta không rủ bè bạn thử "đi ăn lốp" và tiếp tục khen chê với rất nhiều địa chỉ bình dân trong số đó?!