Chào tuần mới: Lựa chọn tốt nhất
(Thethaovanhoa.vn) - Tuần mới này, có những ngày lễ được mọi người quan tâm. Đó là các hoạt động chào đón lễ Giáng sinh 2021, hướng tới năm mới 2022 và kỷ niệm 77 năm, ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2021).
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp với những thông tin đáng lo ngại về biến thể mới Omicron trên thế giới, thì việc không để cho dịch bệnh lây lan trong những dịp lễ này phải là nhiệm vụ hàng đầu.
Năm nay là năm thứ 2, cả thế giới đón Giáng sinh trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Theo dự báo, đứng trước nguy cơ biến thể Omicron có thể áp đảo Delta, rất có thể các nước sẽ phải đứng trước một tháng 1 khốc liệt với các ca Covid-19 tăng vọt.
Ở phương Tây, kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và đón chào năm mới thường là dài nhất trong một năm. Thế nhưng, trước tình hình dịch bệnh hiện nay, nhiều quốc gia đã sẵn sàng chấp nhận một mùa Giáng sinh và năm mới ảm đạm, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo an toàn cho dân chúng.
Ở châu Âu, nước Đức đã thông qua đề xuất của chính phủ cấm đốt pháo hoa trong thời khắc đón Giao thừa để tránh nguy cơ tăng thêm gánh nặng cho các bệnh viện vốn đã quá tải do bệnh nhân Covid-19. Tại Pháp, Thủ tướng nước này cũng đã thông tin rằng các bữa tiệc công cộng lớn và pháo hoa sẽ bị cấm vào đêm Giao thừa. Ông khuyến cáo mọi người - kể cả người đã tiêm phòng - tự xét nghiệm khi tham gia vào các buổi tiệc cuối năm.
Còn tại Hàn Quốc, bắt đầu từ ngày 18/12, nước này tái áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịp Giáng sinh và đón năm mới. Theo quy định mới được cập nhật và có hiệu lực đến ngày 2/1/2022, quốc gia này chỉ cho phép tối đa 4 người tham gia các buổi tụ tập cá nhân, thay vì 6 người tại thủ đô và 8 người tại địa phường khác như quy định trước đó.
Việt Nam chúng ta, trước diễn biến dịch Covid-19 hết sức phức tạp, nhất là tại Hà Nội và TP.HCM, chính quyền 2 thành phố này đều có văn bản hướng dẫn, quản lý các hoạt động trong dịp này.
Chúng ta mong ước có một Giáng sinh và năm mới an lành, điều ấy là chính đáng. Nhưng để trở thành hiện thực, không phải chỉ hô hào là được, mà cần phải có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, kèm theo đó là việc xử phạt nghiêm khắc. Có như vậy mới xây dựng được ý thức kỷ luật trong việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch.
Nói về tính kỷ luật, chắc chắn phải nhắc đến quân đội. Tuần này là kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển, những thành tựu của quân đội trong mấy chục năm qua đều có dấu ấn của tinh thần kỷ luật. Không có “Quân lệnh như sơn”, “kỷ luật thép”, trên dưới đồng lòng, đoàn kết, chắc hẳn rất nhiều công việc khó có thể hoàn thành.
Kể từ khi có dịch bệnh Covid-19, chúng ta đã coi đây như là một cuộc chiến với một “kẻ thù vô hình”. Không nêu cao tinh thần tự giác, ý thức kỷ luật thì các ổ dịch mới lại có nguy cơ bùng phát.
Còn bài học thực tế từ những bữa tiệc Giáng sinh thì mới xảy ra hồi đầu tháng vừa rồi. Đó là bữa tiệc Giáng sinh thường niên tại Oslo (Na Uy). Cho dù 120 người được mời tham dự (có cả người về từ Nam Phi) đã tiêm chủng và xét nghiệm nhanh trước đó 1 ngày nhưng sau bữa tiệc, hơn một nửa số người tham gia đã dương tính với Covid-19, trong đó có ít nhất 13 trường hợp nhiễm Omicron - siêu biến thể Covid-19 đang khiến thế giới lo sợ.
Tôi nhớ, vào dịp Giáng sinh 2020 bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật ứng phó Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, việc đưa ra quyết định không gặp mặt người thân trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh là rất khó khăn, song đây là "lựa chọn tốt nhất". Bà khuyến nghị có thể tính đến phương án gặp gỡ trực tuyến và sẽ là kỳ nghỉ lễ tuyệt vời khi tất cả mọi người đều áp dụng phương thức này.
Sau 1 năm, tôi cho rằng điều này vẫn đúng.
Quốc Khánh