Chào tuần mới: "Điểm son" của triển lãm trực tuyến
Một sự kiện đáng chú ý diễn ra cuối tuần qua: Cuộc triển lãm 3D trực tuyến Hỡi đồng bào Thủ đô! vừa được khai mạc trong bối cảnh Hà Nội đang chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Ở cuộc triển lãm này, gần 100 năm lịch sử của Hà Nội giai đoạn trước và trong kháng chiến chống Pháp đã được tái hiện một cách khá độc đáo bằng công nghệ, dựa trên các tư liệu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.
Chọn cái tên từ lời kêu gọi quen thuộc trong cuộc kháng chiến chống Pháp tại Hà Nội, triển lãm được chia làm 3 chuyên mục chính - với những đề mục vốn cũng được trích ra từ các ca từ về Thủ đô: Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời, Hà Nội vùng đứng lên, Ngày về chiến thắng.
Và, tương ứng với đó là câu chuyện của lịch sử thành phố trong 3 thời điểm: Giai đoạn đầu cuộc xâm lược của thực dân Pháp tại Hà Nội cũng như những cuộc nổi dậy của người Hà Nội; Các cuộc đấu tranh trong giai đoạn 1930 - 1945; Ngày hội lớn giải phóng Thủ đô...
Truy cập vào triển lãm này, người xem được trải nghiệm một "tour tham quan" qua những không gian rất đặc trưng của Hà Nội như Hoàng thành Thăng Long, khu phố cổ và chợ Đồng Xuân, Bắc bộ phủ, quảng trường nhà hát. Tất cả đều sử dụng công nghệ 3D dựa trên tư liệu với đầy đủ phố, nhà, công sở, quảng trường - kèm theo đó là âm thanh sống động của phong trào bãi khóa bãi thị, của tiếng súng, tiếng đạn trong sự kiện Toàn quốc kháng chiến hoặc tiếng reo vui ở ngày giải phóng Thủ đô.
Và dọc theo hành trình ấy, chốc chốc, người xem có thể chủ động "đứng lại" để tìm hiểu hệ thống tư liệu được trưng bày. Một phần lớn trong số này là các tư liệu chưa từng (hoặc hiếm khi) công bố, như lời tuyên cáo của Đảng Cộng sản Pháp tại Hà Nội năm 1930, truyền đơn của đoàn học sinh kháng chiến thành Hoàng Diệu, một số bài báo về vụ bãi thị tại chợ Đồng Xuân, cuộc biểu tình trước tòa đốc lý, cảnh nhân dân khiêng giường, tủ làm chướng ngại vật tại phố Mai Hắc Đế, hoặc bức ảnh chụp các chú bé liên lạc của Trung đoàn Thủ đô...
Ở một góc độ khác, một số tư liệu cũ xuất hiện trong triển lãm cũng gây ấn tượng và xúc cảm lớn khi đặt trong bối cảnh đặc thù, như các thước phim ghi lại cảnh người dân Hà Nội chào đón các cánh quân trong ngày 10/10.
***
"Rất sinh động và ấn tượng" - đó là nhận xét của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo về triển lãm. Là người Hà Nội và cũng từng tham gia sự kiện 10/10 khi còn nhỏ, theo lời ông, cách tiếp cận này không chỉ cung cấp cho người xem những thông tin lịch sử mà còn mang lại cả sự sống động và đa màu sắc của chuỗi sự kiện này.
Thực tế, hình thức triển lãm trực tuyến đã từng xuất hiện tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, chủ yếu như một giải pháp song song tại các cuộc triển lãm theo kiểu truyền thống. Còn lần này, có thể coi đây là triển lãm trực tuyến có quy mô lớn và công phu nhất của đơn vị này, dựa trên thế mạnh sẵn có về hệ thống tư liệu.
Và ở bối cảnh các hình thức bảo tàng số hoặc triển lãm trực tuyến đang được khuyến khích phát triển trong đời sống văn hóa hiện tại, những gì vừa diễn ra tại sự kiện này có thể coi là một gợi ý tích cực - cả về hướng tiếp cận với mọi đối tượng khán giả trong đời sống hiện đại lẫn việc khai thác, tái hiện các nguồn tư liệu đặc thù mà nhiều đơn vị đang lưu giữ hiện nay...