Chào tuần mới: '… đi suốt bốn mùa vui'
Một thông tin khá thú vị: Trong tuần qua, tại một số địa phương có đường sắt đi qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức lễ phát động phong trào "Đường tàu - Đường hoa".
Theo đó, tại 34 tỉnh thành có đường sắt trên toàn quốc, phong trào này sẽ trồng hoa ở các khu ga, trụ sở làm việc, cầu vượt, trạm chắn, dải đất trống dọc đường ray…
Đặc biệt, các loại hoa này được căn cứ vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để lựa chọn mang đặc trưng bản sắc riêng với phương châm "Mỗi cung đường - Một loài hoa", "Mỗi khu ga - Một điểm đến", giúp du khách dễ nhận diện vùng miền theo cây trồng…
Những gì diễn ra ít nhiều khiến chúng ta nhớ tới một thực tế: Dù lạc hậu về kỹ thuật, một số cung đường sắt tại Việt Nam lại có sức hút đặc biệt với khách du lịch quốc tế nhờ vẻ đẹp độc đáo của mình. Tương tự, nhiều nhà ga lâu năm tại các đô thị cũng là những điểm nhấn đặc biệt về kiến trúc và từng được xếp hạng di tích. Đoạn đường sắt qua đèo Hải Vân, các nhà ga Nha Trang, Đà Lạt, Hải Phòng… chính là những ví dụ điển hình.
Xa hơn, khi hình thành trong thời Pháp thuộc, gần như các đô thị có đường sắt đi qua đều dành một quỹ đất đẹp nhất tại trung tâm làm nhà ga và quảng trường ga. Để rồi ngược lại, các nhà ga ấy lại chính là hạt nhân phát triển và cũng là một phần bộ mặt của thành phố, khi đường sắt lúc đó là mạch máu đem lại sự hưng thịnh và sức sống cho từng đô thị.
Thậm chí, vào thời chiến, với vai trò đặc biệt của mình, chúng ta cũng đã có hẳn một phong trào "Em yêu đường sắt quê em" ra đời năm 1959 và tồn tại trong một thời gian rất dài, để nhiều thế hệ thiếu niên cùng góp sức giữ gìn, bảo vệ tuyến đường sắt đi qua địa phương mình.
Chỉ tới khi bước sang giai đoạn phát triển mới, những tuyến đường sắt cũ Việt Nam mới dần bộc lộ nhược điểm về kỹ thuật và tốc độ. Cộng cùng quá trình đô thị hóa thiếu kiểm soát, đường sắt dần bị lấn chiếm, mở lối băng ngang tự phát và dần xuống cấp vì thiếu kinh phí bảo trì. Dần dần, tại khá nhiều khu vực, đường sắt trở nên nhếch nhác, cũ kỹ, thu hút tệ nạn hoặc bị nhìn như khu vực tiềm ẩn các tai nạn giao thông.
***
Trở lại câu chuyện của phong trào "Đường tàu - Đường hoa". Như chia sẻ, phong trào này được thực hiện chủ yếu theo mô hình xã hội hóa và dự kiến triển khai thực hiện trong 3 năm, kể từ tháng 3 này. Có nghĩa, nếu mọi chuyện thuận lợi, vào giữa năm 2025 tới đây, Việt Nam sẽ có một "con đường hoa" chạy dài suốt hơn 3.000 km đường sắt hiện có. Khi đó, hẳn rằng hành khách đi đến đâu, mùa nào cũng có cơ hội được sống trong cái không khí tưng bừng "Con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa vui" (Tàu anh qua núi - Phan Lạc Hoa).
Và ngay trong những ngày đầu tiên của phong trào xây dựng "con đường hoa", một số tỉnh, thành phố đã có những hành động khá cụ thể trong lễ phát động tại địa phương mình. Chẳng hạn, tại Quảng Bình, các cán bộ đường sắt, người dân, học sinh và tổ chức xã hội đã làm vệ sinh và trồng được hơn 3.000 gốc hoa hường cùng 200 cây bát tiên. Tương tự, tại TP.HCM, 1.000 chậu hoa mười giờ và 70 cây giáng hương cũng được trồng dọc tuyến đường sắt qua quận Bình Thạnh.
Bên cạnh điểm tích cực về việc "đánh thức" một không gian xưa cũ và tạo bản sắc cho du lịch của mỗi địa phương, hẳn cũng sẽ có những ý kiến cho rằng ngành đường sắt đang còn nhiều việc quan trọng phải làm để nâng cấp về chất lượng kỹ thuật - thay vì chạy theo câu chuyện của thẩm mỹ. Nhưng hãy nhìn công bằng: Xa hơn thế, những gì đang được triển khai cũng chính là một cách đánh thức sự quan tâm của cộng đồng với tuyến đường sắt trăm tuổi - loại hình chắc chắn vẫn sẽ có chỗ đứng riêng ở đời sống hiện đại, nếu có cách tiếp cận khoa học và hợp lý.