Chào tuần mới: Chờ những Valentine không ồn ào
Chúng ta đang đón một tuần mới, đồng thời cũng đón ngày Valentine của năm 2023. Bởi, dù ngày mai, 14/2, mới là dịp Lễ Tình yêu, nhưng từ gần một tuần qua, nó đã liên tục được nhắc đến trên mặt báo, mạng xã hội và cả đời sống hàng ngày.
Chỉ hiện diện rõ nét ở Việt Nam chừng 20 năm qua, nhưng khái niệm về ngày Valentine gần như đã được phổ cập tới tất thảy mọi người. Để rồi bây giờ, trước và sau ngày này, cộng đồng lại rộn ràng với câu chuyện về những màn tỏ tình và tặng quà của giới trẻ, cũng như về một thị trường đang liên tục mở rộng để vừa đáp ứng, vừa dẫn dắt những nhu cầu ấy.
Thực tế, như các yếu tố văn hóa du nhập khác, ngày Valentine của chúng ta cũng dần được bản địa hóa theo cách đón nhận của chúng ta. Vẫn là hoa hồng và chocolate, nhưng nguồn gốc và chuyện "ai tặng ai" trong dịp này không còn quan trọng. Thay vào đó, mỗi mùa Valentine, các cặp đôi lại có thêm những sáng tạo mới, với sự giúp sức rất lớn từ dịch vụ đang liên tục xuất hiện.
Những group facebook chia sẻ kinh nghiệm tự làm bánh, tự đổ khuôn chocolate hình trái tim… chỉ là chuyện của vài năm trước. Bây giờ, bạn có thể đặt cả những tấm chocolate in khuôn mặt của nửa kia, hoặc những "icon" về cảm xúc yêu thương, về cung hoàng đạo dành cho 2 người. Chưa kể, gấu bông, hoa tươi, hoa sáp, combo quà tặng, voucher xem phim cả năm… và hàng loạt sản phẩm khác cũng luôn được các dịch vụ chuẩn bị cho một ngày 14/2 duy nhất trong năm.
Và tất nhiên, kèm theo những món quà đặc biệt ấy, chúng ta cũng được chứng kiến không ít những màn bày tỏ tình cảm e ấp có - mà sôi động cũng có - trên mạng xã hội và các mặt báo.
Tất nhiên sự sội động - với không ít câu chuyện "độc, lạ"- ấy chưa hẳn lúc nào cũng đem lại ấn tượng tích cực chung về một ngày gắn với tình yêu. Nó gây lo ngại của một số người lớn tuổi, rằng với nhịp sống và sự tiện lợi như bây giờ, chuyện tặng quà, cũng như bày tỏ cảm xúc trong ngày Valentine, bỗng trở nên quá dễ dàng mà thiếu đi phần ý nghĩa cần có.
Giống như một mặt hàng dù xuất hiện trên thị trường từ ngày Valentine năm ngoái nhưng lại nhận về sự thiếu thiện cảm của không ít người, gồm cả người viết: Những bó hoa tết bằng tiền. Ở đó, tiền được xếp thành hình những bông hoa và bó lại, với mùi thơm của những tờ giấy bạc và giá trị dao động từ vài triệu đến vài chục triệu tùy theo mệnh giá.
***
Văn hóa không có khoảng cách, nếu đó là nét đẹp và sự nhân văn. Và cũng giống như lễ Giáng sinh hay ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày Valentine vào Việt Nam tuy muộn nhưng nhanh chóng bén rễ, khi nó gắn với tình yêu - trạng thái cảm xúc thăng hoa nhất của con người.
Thay vì sự ngại ngùng, kín đáo vốn có của Á Đông, ngày Valentine giúp chúng ta truyền tải những thông điệp về tình yêu một cách nhanh hơn và dễ hơn - dù đó là những lời thầm kín hay những giãi bày với cảm xúc mạnh mẽ. Để rồi, từng bước vượt qua những rào cản văn hóa có phần bảo thủ, sự tồn tại và lan tỏa của một ngày lễ tình yêu - như cách nhiều người gọi - là tất yếu và cần thiết, khi cuộc sống hiện đại bây giờ cũng đã cởi mở hơn trước.
Nhưng chắc chắn, dù ở một xã hội hiện đại, tình yêu của con người cũng chưa nhàm chán tới mức phải chờ đợi tới một ngày 14/2 duy nhất để thăng hoa và phô bày.
Mỗi người đều có một cách đón Valetine riêng của mình. Và cũng chẳng có gì sai nếu vào dịp này, có những bạn trẻ sẽ thử tách khỏi những ồn ào, rầm rộ theo xu thế, để tự đặt câu hỏi và suy nghĩ về nửa kia của mình - cũng như về khái niệm hay ý nghĩa của tình yêu.
Bởi, có lẽ tới một lúc nào đó, sau rất nhiều niềm vui và nỗi buồn, chúng ta mới nhận ra tình cảm thực sự có ý nghĩa thế nào - cũng như việc một món quà giản dị, một lời yêu thương chân thành vẫn luôn mở ra hạnh phúc nếu được đặt đúng nơi, đúng lúc.