'Chảo lửa' Triều Tiên trong tâm cuộc chiến cân não nguy hiểm
(Thethaovanhoa.vn) - Trong khi Mỹ tập kết hàng loạt vũ khí chiến lược, bao gồm cả tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân tối tân với hàng trăm quả tên lửa hành trình Tomahawk xung quanh Bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã phát đi hàng loạt thông điệp ớn lạnh. Liệu đây chỉ là những động tác và lời nói “nắn gân", "cân não” hay là dấu hiệu báo hiệu chiến tranh hạt nhân sắp cận kề?
- Xem 300 khẩu pháo Triều Tiên khạc lửa trong tập trận lớn nhất lịch sử
- Tàu ngầm Mỹ chở đặc nhiệm SEAL 'mon men' vùng biển Bán đảo Triều Tiên
- Triều Tiên công bố cuộc tập trận lớn nhất trong lịch sử
- Triều Tiên yêu cầu Mỹ 'phải lựa chọn giữa đầu hàng chính trị và đầu hàng quân sự'
Mới đây, Triều Tiên vừa công bố một đoạn video trong đó mô phỏng cảnh một thành phố Mỹ bị Triều Tiên dội bom hạt nhân. Đám mây hình nấm rực lửa cao ngút trời. Tên lửa đạn đạo liên lục địa quét sạch thành phố Mỹ. Cờ Mỹ bốc cháy ngùn ngụt trên nền một nghĩa trang.
Đoạn video được thực hiện trên nền âm nhạc của những năm 1990 với các đoạn clip về Chiến tranh Triều Tiên. Video có một thông điệp gửi tới Mỹ: “Nếu đế quốc Mỹ tiến về chúng ta một cm thôi, chúng ta sẽ ngay lập tức đáp trả họ bằng hạt nhân”.
Đoạn video dài bốn phút mang tên “Cơ hội cuối cùng” do các quan chức hàng đầu của Quân đội Nhân dân Triều Tiên sản xuất và được đăng lên trang web của chính phủ. Đoạn video được phát trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Triều Tiên ngày một nóng.
Mới đây nhất, ngày 25/4, Triều Tiên tuyên bố sẽ không bao giờ cúi đầu trước sức ép mà Mỹ gây ra trong bối cảnh những chính sách mới đây được đưa ra trong một chiến dịch toàn cầu nhằm cô lập và kiềm chế nước này.
Phát biểu với Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết Mỹ đang tìm kiếm sự ủng hộ rộng rãi ở cả trong và ngoài nước về một chính sách mới được gọi là "can thiệp và gây sức ép tối đa".
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đích thân mời phái đoàn của các quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tới Nhà Trắng để thảo luận vấn đề Triều Tiên.
Ngoài ra, một cuộc thảo luận kín về chính sách mới đối với Triều Tiên sẽ diễn ra tại Nhà Trắng với sự hiện diện của các quan chức cấp cao, bao gồm Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng cùng các thượng nghị sĩ Mỹ.
Quan chức ngoại giao Triều Tiên nhấn mạnh: "Đây thực sự là một hành động liều lĩnh có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh tổng lực. Khi Mỹ đã có hành động khiêu khích nhằm kiềm chế Triều Tiên bằng mọi giá, Triều Tiên sẽ kiên quyết chống lại".
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Huffington Post
Về phần mình, các quan chức hàng đầu Nhà Trắng ngày 23/4 cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ hành động chống lại Triều Tiên sau khi nước này thử một quả tên lửa. Theo Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster, ông Trump đang xem xét một loạt lựa chọn chống Triều Tiên và nói rõ rằng ông sẽ không chấp nhận việc Mỹ và đồng minh, đối tác trong khu vực bị Triều Tiên đe dọa bằng vũ khí hạt nhân.
Gần đây, ông Trump đã khẳng định Mỹ sẽ có quan điểm cứng rắn hơn với Triều Tiên: “Triều Tiên là một vấn đề. Vấn đề này sẽ được lưu tâm”. Trước đó, ông liên tục tuyên bố nếu Trung Quốc không gây áp lực hơn với Triều Tiên, Mỹ sẽ tự giải quyết vấn đề.
Đi kèm với cảnh báo, ông Trump đã thực hiện một loạt động thái để bắn tín hiệu tới Triều Tiên, từ gián tiếp như dội tên lửa Tomahawk vào Syria, ném “bom mẹ” xuống sào huyệt khủng bố ở Afghanistan tới trực tiếp như điều đội tàu tấn công do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu tới Bán đảo Triều Tiên.
Không chỉ thế, hàng nghìn binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc cùng xe tăng và các loại vũ khí đã được triển khai để thực hiện cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước tới nay.
Những động thái đề phòng hậu quả chiến tranh?
Với Trung Quốc, nước này đã nhanh chóng điều thêm 25.000 binh sĩ tới biên giới với Triều Tiên. Nước này cũng đặt quân đội toàn quốc trong tình trạng báo động khi căng thẳng Triều Tiên – Mỹ gia tăng.
Theo tờ Express (Anh), toàn bộ năm chiến khu đã được Bắc Kinh ra lệnh phải duy trì tình trạng sẵn sàng cho khả năng xung đột dọc biên giới Triều Tiên. Các lữ đoàn bộ binh thiết giáp và cơ giới ở Sơn Đông, Chiết Giang và Vân Nam cũng nhận được lệnh tương tự.
Trong khi đó, tờ Independent (Anh) dẫn nguồn một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc đã đặt các máy bay ném bom trong tình trạng báo động cao giữa bối cảnh leo thang trên Bán đảo Triều Tiên. Một số lượng lớn máy bay của Không quân Trung Quốc cũng đang được bảo trì tích cực để sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Báo chí nước này cũng đã đe dọa dội bom xuống Triều Tiên nếu Triều Tiên vượt giới hạn cuối cùng. Giới hạn cuối cùng đó là các hoạt động hạt nhân của nhà lãnh đạo Kim Jong-un gây ảnh hưởng xấu tới các khu vực giáp ranh với Trung Quốc.
Đoàn tàu chở xe tăng Nga tiến về biên giới Triều Tiên. Ảnh: Dailymail
Về phía Nga, theo tờ Dailymail (Anh), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa quân và phương tiện tới khu vực biên giới với Triều Tiên trong bối cảnh có lo ngại Mỹ sẽ tấn công Triều Tiên.
Ông Putin lo ngại sẽ có một làn sóng tị nạn khổng lồ từ Triều Tiên vào Nga nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump tấn công quân sự vào Triều Tiên.
Ngoài lo ngại về cuộc di dân từ Triều Tiên nếu xảy ra xung đột, ông Putin còn được cảnh báo rằng phóng xạ sẽ nhanh chóng bay tới Nga nếu Mỹ tấn công các cơ sở hạt nhân Triều Tiên.
Chỉ là đe dọa suông?
Trước một loạt động thái dường như rất căng thẳng đó, dư luận đặt ra câu hỏi liệu chiến tranh thế giới thứ ba sẽ bùng phát từ Bán đảo Triều Tiên?
Trong thực tế, dường như các động thái trên có thể chỉ là đòn nắn gân, cân não của các bên có liên quan. Sau khi ông Trump điều ngay tàu sân bay USS Carl Vinson tới Bán đảo Triều Tiên, thế giới tưởng như xung đột xảy ra đến nơi, rồi mới vỡ lẽ rằng tàu sân bay USS Carl Vinson còn ở mãi đâu.
Tàu USS Carl Vinson của Mỹ. Ảnh: Reuters
Trước việc Mỹ điều tàu USS Carl Vinson, Triều Tiên cũng hứa hẹn sẽ có “sự kiện trọng đại” vào lễ kỷ niệm sinh nhật cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và ngày thành lập quân đội Triều Tiên. Mặc dù thế giới “nín thở” chờ đợi nhưng hai ngày này đều trôi qua một cách êm thấm. Động thái không làm gì cho thấy Triều Tiên cũng đủ khôn ngoan để biết không nên chọc giận Mỹ.
Trong khi đó, cả Nga và Trung Quốc đều lần lượt bác bỏ các động thái quân sự của mình có liên quan tới bán đảo Triều Tiên. Các quan chức quốc phòng Trung Quốc thì bác bỏ thông tin quân đội đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao. Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ phát một tuyên bố nói rằng các lực lượng vẫn ở trạng thái sẵn sàng bình thường dọc biên giới Triều Tiên. Bộ Ngoại giao nước này còn có ý bác bỏ các thông tin Bắc Kinh điều 150.000 quân dọc biên giới khi người phát ngôn Hoa Xuân Oánh coi đây là thông tin không đáng tin cậy từ báo chí Hàn Quốc.
Còn theo ý kiến các chuyên gia, khả năng Mỹ tấn công Triều Tiên như Syria, từ đó gây bùng nổ chiến tranh từ bán đảo Triều Tiên không phải là dễ dàng bởi: Bán đảo Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, nếu Mỹ kích hoạt một vụ tấn công, chính họ sẽ phá vỡ thoả thuận đình chiến ký với Trung Quốc đã được Liên hợp quốc xác nhận; Syria được cho là mới đang tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân, trong khi năng lực vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã thuần thục hơn trong những năm gần đây; Trung Quốc và Triều Tiên đã ký Hiệp ước Hợp tác hữu nghị và Tương trợ lẫn nhau, theo đó hai bên có trách nhiệm phải lập tức trợ giúp quân sự và các trợ giúp khác cho bên kia trong trường hợp bị một bên thứ ba tấn công; cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều nghiêng về giải pháp phi quân sự hơn.
Hơn nữa, trong bối cảnh căng thẳng này, các chuyên gia quân sự đều khuyên ông Trump chớp lấy cơ hội để đàm phán ngoại giao với Triều Tiên. Trong bài viết trên tạp chí Politico, ông William J. Perry, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, phân tích: Chiến dịch đàm phán của Mỹ trong giai đoạn từ trước đến nay chủ yếu dựa trên khuyến khích kinh tế và trừng phạt. Chiến lược này không hiệu quả, phần lớn vì Triều Tiên ngoài việc muốn cải thiện kinh tế còn muốn duy trì chế độ mà họ tin là cần phải có vũ khí hạt nhân chống lưng, nhưng họ hiểu rằng họ chỉ cần sở hữu hạt nhân mà không được sử dụng để tấn công nước khác. Trong bối cảnh đó, Mỹ có thể sử dụng chiến lược đàm phán mới, cho phép Triều Tiên tồn tại mà không cần vũ khí hạt nhân và phải kèm theo các biện pháp ưu đã kinh tế mạnh hơn trước đây.
Theo Thùy Dương - Tin Tức