Chân dung tân Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản thay Thủ tướng Shinzo Abe
(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 14/9, Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga đã xuất sắc vượt qua hai ứng cử viên khác để giành chiếc ghế Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền và sẽ thay Thủ tướng Shinzo Abe, người đã thông báo từ chức ngày 28/8 vì lý do sức khỏe.
Ông Suga sinh năm 1948 trong một gia đình nông dân ở tỉnh Akita. Sau khi học xong trung học phổ thông, ông đã rời quê nhà để lên Tokyo và tham gia lớp học buổi tối để giành chứng chỉ cử nhân luật của Đại học Hosei vào năm 1973.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông đã làm thư ký cho Nghị sỹ Hikosaburo Okonogi trong 11 năm. Tháng 10/1986, ông đã nghỉ việc để theo đuổi sự nghiệp chính trị riêng. Ông đã được bầu vào Hội đồng Thành phố Yokohama vào tháng 4/1987 trước khi được bầu vào Hạ viện năm 1996.
Ông đã từng kinh qua một số chức vụ quan trọng như Thứ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông dưới thời chính quyền của Thủ tướng Koizumi, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông và Quốc vụ khanh phụ trách cải cách phi tập trung dưới thời chính quyền đầu tiên của Thủ tướng Shinzo Abe.
Sau khi Thủ tướng Abe trở lại nắm quyền vào tháng 12/2012, ông Suga được bổ nhiệm vào vị trí Chánh Văn phòng Nội các và giữ vị trí này cho đến nay. Ngoài ra, ông Suga đã từng giữ chức quyền Tổng Thư ký Điều hành LDP.
Trong thời gian giữ chức Chánh Văn phòng Nội các, ông Suga nổi tiếng là một người khá kín tiếng. Đây có thể là một trong những lý do giúp ông Suga có thể tồn tại ở vị trí này trong thời gian dài như vậy.
Với tư cách phát ngôn viên cao nhất của Chính phủ Nhật Bản, ông Suga tổ chức họp báo hai lần/ngày. Phần lớn các cuộc họp báo này đều diễn ra theo kịch bản. Ông Suga có xu hướng bám vào các câu trả lời đã được chuẩn bị từ trước và rất hiếm khi trả lời các câu hỏi ngoài kịch bản. Vì vậy, ông thường được gọi với nickname Teppeki (Bức tường sắt).
Sau khi Thủ tướng Abe thông báo ý định từ chức vì lý do sức khỏe, nhiều thành viên cấp cao trong nội bộ LDP đã bày tỏ mong muốn ông Suga sẽ ra tranh cử để kế nhiệm Thủ tướng Abe và tiếp tục thực hiện các chính sách của ông này, trong đó có các biện pháp ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Bản thân Thủ tướng Abe và Tổng Thư ký LDP Toshihiro Nikai – một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong nội bộ đảng cầm quyền – cũng bày tỏ sự ủng hộ với ông Suga. Và phái Shisuikai của Tổng Thư ký Nikai là chính phái đầu tiên trong LDP tuyên bố sẽ hậu thuẫn cho ông Suga. Sau đó, lần lượt 4 phái khác, trong đó có phái lớn nhất có 98 nghị sỹ của cựu Chánh Văn phòng Nội các Hiroyuki Hosoda, đã bày tỏ ý định hậu thuẫn cho chính trị gia này.
- Nhật Bản: Thủ tướng Shinzo Abe trở thành nhà lãnh đạo có thời gian cầm quyền liên tục lâu nhất
- Nhật Bản: Thủ tướng Shinzo Abe có tỷ lệ ủng hộ cao trước thềm cuộc bầu cử chủ tịch đảng LDP
Trong chiến dịch tranh cử, ông Suga đã công bố 6 chính sách mới, chủ yếu dựa trên cơ sở các chính sách của chính quyền Thủ tướng Abe. Với tiêu đề “Tự giúp, giúp đỡ lẫn nhau, nhà nước hỗ trợ và gắn kết xã hội: Mang lại sức sống mới cho Nhật Bản từ các khu vực”, các chính sách chủ yếu tập trung vào các biện pháp khống chế dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, tạo việc làm và đối ngoại. Trên blog cá nhân của mình, ông Suga nhấn mạnh sẽ “tiếp tục công việc và nỗ lực tâm huyết của Thủ tướng Abe để mang lại tiến triển nhiều hơn”.
Các chính sách này gồm: Vượt qua cuộc khủng hoảng quốc gia do dịch COVID-19 gây ra; Xóa bỏ sự phân chia theo chiều dọc giữa các bộ và cơ quan nhằm mang lại sức sống mới cho Nhật Bản; Đảm bảo việc làm và bảo vệ cuộc sống của người dân; Tạo ra các vùng kinh tế năng động; Giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh giảm và củng cố hệ thống an sinh xã hội giúp người dân không phải lo lắng; và Bảo vệ các lợi ích quốc gia thông qua hoạt động ngoại giao và quản lý khủng hoảng.
Theo dự kiến, Quốc hội Nhật Bản sẽ tổ chức phiên họp bất thường vào ngày 16/9 để bỏ phiếu bầu tân Chủ tịch LDP làm thủ tướng mới. Ông Suga có thể sẽ không gặp nhiều khó khăn để vượt qua cuộc bỏ phiếu này bởi vì, liên minh cầm quyền do LDP lãnh đạo đang chiếm đa số ghế ở hai viện của Quốc hội.
Đào Thanh Tùng/TTXVN