Chân dung người đàn ông 'Harvard không bao giờ có được', nghe đồn sắp ra đề thi khiến sĩ tử cả Trung Quốc khóc thét
Ngay khi trên mạng Trung Quốc lan truyền thông tin, người đàn ông này sẽ ra đề thi đại học cho năm sau, rất nhiều phụ huynh và sĩ tử đều “kêu trời”.
Thiên tài từng được Harvard săn đón hết mức
Vi Đông Dịch sinh năm 1991, tại Trung Quốc, xuất thân từ một gia đình có bố mẹ đều là giáo viên. Bố của anh là Giáo sư ngành toán, trong khi mẹ là giáo viên tiếng Anh của ĐH Kiến trúc Sơn Đông (Trung Quốc).
Anh thừa hưởng trí tuệ của cha nên có khả năng giải toán nhanh đáng kinh ngạc. Ngay từ khi còn đi học, các giáo viên đã công nhận tài năng của Vi Đông Dịch đến nỗi sử dụng thời gian mà anh làm bài để ước lượng độ khó của đề thi.
Trong làng toán học thế giới, cái tên Vi Đông Dịch bắt đầu vang danh khi hai lần giành Huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế (IMO) khi còn là học sinh trung học. Đặt biệt, ở lần đầu tiên tham dự, anh dễ dàng giải được câu hình học phẳng khó nhất trong đề thi bằng phương pháp đại số thông thường, cuối cùng dành số điểm tuyệt đối.
Trong lần thứ 2 giành Huy chương Vàng IMO, Vi Đông Dịch còn vượt qua huyền thoại Tao Zhexuan - người cũng từng giành Huy chương Vàng IMO khi mới 12 tuổi. Ở một vòng thi quyết định, Tao Zhenxuan phải mất đến 7 giờ để tìm ra lời giải, trong khi Vi Đông Dịch chỉ cần 1 giờ đồng hồ.
Tiếp sau đó, Vi Đông Dịch vẫn không ngừng "ẵm" hết giải lớn đến giải nhỏ, trở thành thiên tài Toán học hàng thật giá thật, được rất nhiều đại học danh tiếng trong và ngoài nước "tranh giành". Cuối cùng, anh chấp nhận lời đề tuyển thẳng vào Khoa Toán học của Đại học Bắc Kinh - nơi nổi tiếng với chất lượng hàng đầu quốc gia.
Trong quá trình theo học ở đây, Vi Đông Dịch vẫn gây tiếng vang lớn khi biểu hiện xuất sắc trong "Kỳ thi Toán sinh viên Đại học Yau Chengtong" năm 2013. Anh xuất sắc giành được 4 huy chương Vàng và một huy chương Bạc trong tổng cộng 5 môn thi. Đồng thời, anh cũng "ẵm luôn" Giải thưởng cá nhân toàn diện trong Cuộc thi Yau Chengtong năm đó. Có thể nói, anh đã đè bẹp các đối thủ chính đến từ Đại học Thanh Hoa và Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc.
Vi Đông Dịch nhận bằng cử nhân tại Đại học Bắc Kinh năm 2014, bằng tiến sĩ năm 2018, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu Toán học Quốc tế Bắc Kinh từ năm 2017 đến năm 2019, và ở lại trường sau tháng 12 năm 2019 với tư cách là trợ lý giáo sư.
Với năng lực xuất sắc và thành tích nổi bật, Vi Đông Dịch còn được netizens gọi vui là "Vi Thần" cùng với câu nói: "Bài nào không biết thì hỏi giảng viên, giảng viên không biết thì hỏi Vi Thần, còn nếu Vi Thần cũng không biết thì chắc chắn là đề sai."
Đặc biệt, một giáo viên cũ của Vi Đông Dịch tiết lộ, ngôi trường danh giá bậc nhất thế giới Trường Đại học Harvard cũng không ít lần "tung cành ô liu" cho thiên tài này với vô số đãi ngộ đặc biệt.
Chẳng hạn như gửi thư mời anh nhập học bậc tiến sĩ mà không cần tham gia kỳ thi đầu vào. Biết anh không giỏi ngoại ngữ, đại diện của Harvard còn hứa sẽ tuyển phiên dịch viên riêng cho anh.
Tuy nhiên, Vi Đông Dịch đã từ chối lời đề nghệ hấp dẫn và quyết định ở lại Trung Quốc. Chính điều này cũng khiến anh được dân mạng gọi là "người đàn ông Harvard không bao giờ có được".
Dân mạng phản ứng trước tin đồn "Vi Thần ra đề đại học"
Đầu tháng 5 năm 2023, trên mạng xã hội Trung Quốc bất ngờ lan truyền tin đồn Vi Đông Dịch sẽ là người ra đề thi tuyển sinh đại học năm sau. Thông tin đã lập tức thu hút nhiều sự chú ý và bình luận của cộng đồng mạng.
Kỳ thi tuyển sinh đại học ở Trung Quốc thường tổ chức vào đầu tháng 6 hàng năm, nổi tiếng với độ khó và tính chất cạnh tranh khốc liệt. Đây được coi là kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời. Do đó, nó mang tính sự kiện quốc gia trọng đại.
Các công trình xây dựng gần điểm thi phải tạm hoãn thi công, giao thông cũng được chuyển hướng để tránh làm phiền thí sinh. Xe cứu thương túc trực bên ngoài phòng trường hợp thí sinh suy sụp do căng thẳng thần kinh, cảnh sát đi tuần tra để giữ cho đường phố yên tĩnh.
Với ý nghĩa sống còn từ cuộc thi này, gian lận là một vấn đề lớn. Camera, thiết bị phát thanh, tai nghe để truyền câu hỏi và câu trả lời được tìm thấy trong các vật dụng cá nhân của thí sinh như trang sức, kính, ví, bút, thước kẻ và đồ lót. Hầu hết phòng thi có gắn camera và sử dụng máy dò kim loại.
Khi kết quả được công bố, những người điểm cao nhất được chúc mừng trên toàn quốc. Điểm số trong kỳ thi quyết định cơ hội sống và khả năng kiếm tiền, do vậy đây là con số quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi đứa trẻ Trung Quốc.
Nếu thi tốt, họ sẽ có sự nghiệp rộng mở, thậm chí triển vọng về hôn nhân. Nhưng đối với những người kém thành công, hệ thống giáo dục nước này được đánh giá là "khốc liệt".
Do đó, ngay khi xuất hiện tin đồn "Vi Thần ra đề đại học", nhiều phụ huynh và sĩ tử đều "đứng ngồi không yên".
Đại đa số đều bày tỏ sự áp lực và hoang mang. Họ lo ngại độ khó của đề thi có thể tăng cao hơn nữa.
Có người còn bình luận: "Có thể đợi 2 năm nữa được không, con tôi còn chưa đỗ đại học!"
"Vi Thần nghe nói ra đề vừa sức, nhưng vừa sức Vi Thần hay vừa sức Sĩ Tử thì không biết…"
Đồng thời, cũng có người đánh giá khách quan hơn: "Bản thân Vi Đông Dịch đang là giáo viên tốt, cũng đang dạy học sinh theo cách riêng của mình. Tôi tin là chủ đề mà anh ấy đưa ra chắc chắn không quá kỳ lạ, ngược lại, nó có thể tương đối mới mẻ và gần sát với lợi ích của đại đa số học sinh."
Đến hiện tại, đây mới chỉ là tin đồn chưa được xác minh. Người ra đề thi đại học sẽ được công bố chính thức bởi cơ quan chính quyền có liên quan ở Trung Quốc.
*Nguồn: 163, Sohu, Weibo…