loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Bóng đá thế giới đang diễn ra một cuộc chuyển giao. Lối đá tấn công kiểm soát bóng hay phòng ngự phản công không còn được sử dụng nhiều. Thay vào đó, các đội bóng hiện tại thích phong cách bão táp. Và Liverpool là đội bóng đi đầu trong lối chơi này.
Bóng đá đỉnh cao ngày nay đang thay đổi ngay trước mắt chúng ta. Các trận đấu giờ đây không chỉ đơn thuần sử dụng phong cách kiểm soát bóng hay phòng ngự phản công nữa.
Phong cách mới của bóng đá
Một lối chơi mang tên “bão táp” đã nhen nhóm hình thành vài năm gần đây và đang là sự lựa chọn của nhiều đội bóng. Liverpool và chiến thắng 5-2 trước Roma ở trận bán kết lượt đi Champions League năm nay là một minh chứng cụ thể nhất.
Phong cách này thường được thấy ở trong những trận đấu giữa các ông lớn và đội bóng nhỏ. Có thể nhìn vào kết quả vòng 1/8 Champions League năm nay để thấy rõ khi Liverpool đè bẹp Porto 5-0, Man City hạ gục Basel 4-0 và Bayern Munich hủy diệt Besiktas 5-0. Không chỉ dừng lại ở mức CLB, tại cấp đội tuyển từng chứng kiến phong cách “bão táp” trong trận bán kết World Cup 2014 giữa Đức và Brazil.
Tại thời điểm đó, Đức đã hạ nhục đội chủ nhà Brazil với tỷ số thê thảm 7-1. Những cỗ xe tăng tấn công và ghi bàn liên tục. Nhìn diễn biến trận đấu, người ta cảm nhận nếu thi đấu thêm, người Đức vẫn sẽ đá hết sức, tấn công hết mình và ghi tối đa bàn thắng có thể. Hình ảnh này khác hoàn toàn với lối chơi trước đây.
Khi đang dẫn 2-0, nhiều đội bóng sẽ lựa chọn chơi chậm lại và tận hưởng lợi thế. Tuy nhiên, đối phương chỉ cần gỡ được một bàn, đội bóng dẫn trước sẽ trở nên hoảng loạn và phải chịu áp lực tâm lý. Nhưng nếu họ lựa chọn tấn công liên tục khi dẫn trước 2-0 thì lợi thế của họ sẽ luôn được đảm bảo và yếu tố tâm lý sẽ được giữ vững. Xét ở khía cạnh nào đó, tấn công “bão táp” một đánh cược an toàn.
Sự thay đổi thầm lặng
Nếu ai vẫn cảm thấy phong cách “bão táp” chưa thực sự đáng nói thì có thể nhìn vào các con số thống kê sau:
- Champions League 2017-18 đang là mùa giải có số bàn thắng nhiều nhất trong lịch sử với 387 bàn sau 122 trận, đạt tỷ lệ 3,17 bàn/trận.
- Theo Jonathan Wilson của tờ The Guardian từng viết, số trận thắng lớn (cách biệt ít nhất 3 bàn) kể từ tứ kết Champions League đã tăng mạnh so với 8 năm trước đây.
- Theo báo cáo riêng của UEFA, trung bình một pha tấn công tại các trận ở Champions League mùa này chỉ mất 10,62 giây để có một bàn thắng. Con số này đã giảm tới 8% so với 2 năm trước.
- Giai đoạn 1992-99, Premier League có tỷ lệ trung bình dưới 2,7 bàn/trận. Thế nhưng, kể từ mùa giải 2009-2010 tới nay, tỷ lệ bàn thắng luôn trên 2,7 bàn/trận.
Nhiều đội trước đây đã sử dụng lối đá “bão táp”. Có thể kể tới như CLB Leeds hay đổi tuyển Hà Lan. Họ thường đẩy tốc độ trận đấu lên rất cao, dồn cả hậu vệ lẫn tiền vệ lên tham gia tấn công trong khoảng thời gian ngắn, thường ngay sau khi đối phương có bàn thắng dẫn trước.
Tại World Cup 1986 tại Mexico, Liên Xô từng hủy diệt Hungary với tỷ số 6-0. Họ tấn công dồn dập trong một hoặc hai phút. Sau đó chuyền bóng chậm và chắc bên phần sân nhà để nghỉ ngơi cho đợt tấn công tiếp theo. Đối với bóng đá thời trước, việc nghỉ ngơi là điều vô cùng quan trọng và cần thiết bởi thể trạng của họ lúc đó chưa tốt.
Liverpool thông báo trợ lý huấn luyện viên, Zeljko Buvac, sẽ không hoạt động gì cùng CLB trong phần còn lại của mùa giải.
Còn hiện tại, cầu thủ ngày nay sở hữu nền tảng thể lực tốt lẫn thân hình lý tưởng để thi triển tấn công liên tiếp trong khoảng thời gian lâu hơn, lên tới 5 phút. Theo một nghiên cứu của Đại học Gothenburg, cường độ hoạt động của các cầu thủ tại Premier League đã tăng 50% trong hơn một thập kỷ qua.
Không những thế, các cầu thủ ngày nay cũng trở nên đa năng hơn. Cụ thể nhất các hậu vệ cánh tham gia tấn công ngày càng nhiều hơn. Có thể kể ra một số cái tên như Marcelo, Carvajal (Real Madrid), Marcos Alonso (Chelsea), Benjamin Mendy, Kyle Walker (Man City)… Sự tham gia tấn công của các hậu vệ biên khiến đội bóng phòng ngự chịu nhiều chi phối. Đội hình của họ buộc phải lùi về sâu hơn và cắt cử nhiều người tham gia phòng ngự hơn. Nếu không, họ sẽ thiếu nhân lực và trở nên mong manh hơn.
Tấm gương Liverpool
Một trong những đại diện tiêu biểu cho trường phái tấn công “bão táp” chính là Liverpool. Với sự bùng nổ của Mane – Firmino – Salah, The Kop luôn đẩy đối thủ vào những cơn hoảng loạn bằng các bàn thắng liên tiếp cùng các đợt tấn công không ngừng nghỉ. Chỉ tính riêng ở Premier League, Liverpool đã ghi tổng cộng 80 bàn thắng sau 36 vòng, tốt thứ hai tại giải đấu.
Có hai yếu tố giúp Liverpool thi triển lối chơi này hiệu quả. Đầu tiên là phong cách nền tảng Gegenpressing, lối chơi đặc trưng của Juergen Klopp. “Gegenpressing là lối đá tuyệt vời nhất thế giới”, Juergen Klopp từng nói. Khi áp dụng Gegenpressing, các cầu thủ phải bám đuổi đối phương tới cùng ngay sau khi mình bị mất bóng. Điều này tạo ra một áp lực không hề nhỏ cho đối phương. Chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng khiến đội bóng kia hứng chịu bàn thua.
Yếu tố thứ hai chính là nằm ở các cầu thủ. Lối đá “bão táp” không yêu cầu các cầu thủ phải có nhiều kỹ thuật khéo léo. Mane hay Salah rõ ràng điểm mạnh nằm ở tốc độ cùng khả năng dứt điểm. Khả năng kỹ thuật của họ chỉ ở mức độ khá nhưng bộ đôi này lại chính là ngòi nổ đưa Liverpool thăng hoa tới tận bây giờ.
Khi không có kỹ thuật khéo léo, các cầu thủ sẽ đá đơn giản và hiệu quả hơn. Họ sẽ không vẽ ra những đường kiến tạo mê mẩn lòng người nhưng thay vào đó là sự chính xác được đảm bảo. Từ đó, sự hiệu quả được nâng cao hơn. Đây cũng chính là lời giải thích cho tại sao James Milner đang dẫn đầu danh sách kiến tạo tại Champions League mùa này với 9 lần. Anh thi đấu cần mẫn và bền bỉ ở tuyến giữa Liverpool. Khi có bóng, cầu thủ người Anh luôn chuyền bóng thẳng lên trên. Nhiệm vụ còn lại thuộc về các tiền đạo.
Con dao hai lưỡi
Dẫu vậy, lối đá này không phải không có điểm yếu. Việc dồn sức vào nhiều đợt tấn công khiến thể lực ở cuối trận của các đội bóng “bão táp” suy kiệt. Liverpool dẫn trước Roma 5-0 nhưng cuối trận họ để thua liền 2 bàn trong vỏn vẹn 5 phút. Trước đó, họ cũng từng dẫn Man City 4-1 tại Premier League nhưng kết thúc trận đấu với chiến thắng cách biệt tối thiểu 4-3. Có thể thấy, lối đá “bão táp” đem lại nhiều ưu thế nhưng để nó thực sự trở thành một lối chơi hoàn thiện và hiệu quả vẫn cần phải có thời gian.
Jose Mourinho từng xưng vương với lối đá phòng ngự thực dụng. Mourinho từng đăng quang tại Premier League và Champions League bằng rất nhiều chiến thắng 1-0 nhưng hiện giờ gặp rất nhiều khó khăn để thích ứng với bóng đá hiện tại. Hay như Pep Guardiola từng thăng hoa với lối đá tiki-taka kiểm soát bóng nhưng rồi cũng chịu nhiều thất bại khi dẫn dắt Man City mùa đầu. Mọi thứ chỉ xoay chuyển với Pep khi ông tìm được những mảnh ghép phù hợp với lối đá của ông và phong cách “bão táp”. Juergen Klopp và Liverpool có thể thăng hoa với bóng đá “bão táp” hiện giờ nhưng chắc chắn 10 năm, họ sẽ không thể sử dụng lối đá này.
Trọng Hiệp (Theo ESPN)
loading...