loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Ralf Rangnick có thể chưa được biết đến nhiều ở Serie A nhưng nhà quản lý tài ba này chính xác là những gì mà AC Milan cần lúc này để hồi sinh.
Premier League sẽ vẫn phải diễn ra bằng bất cứ giá nào. Đó được coi là giải pháp tốt nhất cho bóng đá Anh giữa đại dịch Covid-19.
Các HLV người Đức thường không thành công với các CLB Ý. Rudi Voller đã tỏa sáng ở Roma trong vai trò cầu thủ từ 1987 tới 1992 nhưng ông chỉ dẫn dắt họ chưa đến 1 tháng hồi năm 2004, thắng 1/6 trận. Voller vẫn là người Đức duy nhất từng huấn luyện ở Serie A. Dù vậy, Milan vẫn muốn viết lại lịch sử với Ralf Rangnick và họ có lý do để làm vậy.
“Giáo sư” Rangnick
Trước hết, Rangnick thực sự là một tín đồ của bóng đá, một người lúc nào cũng coi mình là tân sinh viên với môn thể thao vua. HLV 61 tuổi này không có một sự nghiệp cầu thủ rực rỡ để nhắc đến khi thất bại ngay cả ở trình độ nghiệp dư. Thay vào đó, ông dành thời trai trẻ của mình để nghiên cứu những chiến lược gia cá tính như Arrigo Sacchi và Zdenek Zeman, hai HLV huyền thoại của Calcio. Rangnick đặc biệt hâm mộ Zeman trong quãng thời gian HLV người CH Czech nắm Foggia đầu những năm 1990.
Đóng góp lớn nhất của Rangnick với bóng đá Đức chính là sự thay đổi chiến thuật mang tính cách mạng. Vào thời điểm mà phần lớn các đội bóng Đức vẫn chơi với sơ đồ 3 hậu vệ và một máy quét, Rangnick – khi đó còn dẫn dắt đội hạng hai Ulm – đã xuất hiện trên đài truyền hình hồi tháng 12/1998 với bảng chiến thuật đã trở thành biểu tượng của ông để nói về hàng thủ 4 người, phòng ngự khu vực và gây sức ép tầm cao.
Rangnick nhanh chóng được báo chí gọi với biệt danh “Giáo sư”, nhưng chủ yếu bởi ý tưởng điên rồ của mình, chứ không phải là người đem lại điều gì tích cực cho bóng đá Đức. Tuy nhiên, 2 năm sau đó, bóng đá Đức chìm xuống đáy của sự thất vọng khi tuyển Đức bị loại ngay từ vòng bảng EURO 2000 với đội hình già cỗi chưa từng thấy. Và đó là lúc bóng đá Đức để ý tới ý tưởng độc đáo của Rangnick, trước khi các CLB của họ và ĐTQG lấy lại vị thế.
Một Wenger của Milan?
Rangnick đã chứng tỏ mình là người tiên phong nhưng ông chưa đạt được thành tựu gì nổi bật cho tới 2004 khi nhận nhiệm vụ dẫn dắt Schalke. Ông đã đưa Schalke tới vị trí á quân ở Bundesliga nhưng vẫn bị sa thải ở giữa mùa sau đó. Tiếp đó, Rangnick đã có quyết định mang tính bước ngoặt là nhận lời nắm đội hạng ba Hoffenheim.
Với tiềm lực tài chính dồi dào và sự dẫn dắt của Rangnick, Hoffenheim đã thăng hạng hai năm liên tiếp để lên chơi ở Bundesliga. Dù vậy, Rangnick vẫn chưa có được sự thừa nhận mà ông xứng đáng có và sau 6 năm dẫn dắt Hoffenheim, HLV này bất ngờ trở lại Schalke để đạt được thành tựu lớn nhất trong sự nghiệp HLV. Rangnick đã đưa Schalke lần đầu tiên lọt vào Bán kết Champions League sau khi đánh bại ĐKVĐ Inter 7-3 ở Tứ kết, đồng thời giành Cúp quốc gia vào cuối mùa.
Còn trong 8 năm qua, Rangnick được biết đến là kiến trúc sư cho sự trỗi dậy của RB Leipzig, đội bóng được thành lập năm 2009 nhưng đã nhanh chóng trở thành thế lực của bóng đá Đức. Trước khi Bundesliga mùa này bị hoãn vì đại dịch Covid-19, RB Leipzig đang đứng thứ 3 trên BXH và vừa hủy diệt Tottenham ở vòng 1/8 Champions League.
Cựu CEO của Arsenal là Ivan Gazidis đã từng coi Rangnick là người kế nhiệm Arsene Wenger ở Emirates hồi năm 2018 nhưng bất thành. Và giờ, với tư cách là CEO của Milan, Gazidis lại muốn lôi kéo Rangnick về San Siro để biến chiến lược gia người Đức trở thành một Wenger của Milan, người sẽ nắm mọi quyền hành về nhân sự và lối chơi của đội bóng. Sự ra đi của giám đốc bóng đá Zvonimir Boban do tranh cãi với Gazidis là để dọn đường cho sự hiện diện của Rangnick tại Milan.
Vũ Mạnh
loading...