loading...
(Thethaovanhoa.vn) - UEFA cuối cùng đã đi đến quyết định hoãn EURO 2020 tới mùa Hè sang năm với sự đồng thuận của tất cả, nhưng đây chỉ là phần dễ nhất trong số những việc mà cơ quan này phải giải quyết.
Chuyển nhượng mùa Đông luôn là phiên chợ rất khó khăn để tuyển mộ những ngôi sao chất lượng. Rất nhiều bản hợp đồng được kỳ vọng ở mùa Đông đã biến thành 'bom xịt'. Nhưng với MU, không phải tất cả đều thất bại.
Tìm ra cách để hoàn tất Champions League và Europa League mùa này trước diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 ở châu Âu mới là thách thức lớn hơn nhiều và không loại trừ khả năng các CĐV sẽ phải chấp nhận viễn cảnh hai giải đấu này không thể kết thúc trong mùa Hè.
Làm gì cũng khó
Đó là một viễn cảnh tồi tệ nhưng thật sự là có quá nhiều vật cản để 2 Cúp châu Âu diễn ra một cách suôn sẻ trong thời gian còn lại từ giờ đến mùa Hè. Nó cần nỗ lực của tất cả các phía: Các CLB, các đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình, các Liên đoàn bóng đá cũng như Chính phủ các nước. Nói một cách dễ hiểu, không phải muốn xếp lịch thế nào cũng được trước mớ rắc rối mà đại dịch Covid-19 đã gây ra cho mọi mặt của xã hội châu Âu lúc này.
Ở cuộc họp trực tuyến do UEFA tổ chức hôm thứ Ba, vấn đề dời EURO 2020 sang mùa Hè 2021 được thống nhất một cách nhanh chóng. Quyết định này giúp UEFA có khoảng trống về thời gian để xếp lịch cho các giải VĐQG cũng như 2 Cúp châu Âu, với mục tiêu kết thúc tất cả các giải trong khoảng từ tháng 6 tới tháng 7. Tuy nhiên, giải quyết khủng hoảng của bóng đá lúc này không chỉ đơn giản là xếp lịch thi đấu vào các ngày trống.
Đó là lý do tại sao UEFA phải thiết lập một nhóm làm việc riêng trong cuộc họp trực tuyến, gồm đại diện các giải VĐQG và Hiệp hội các CLB châu Âu (ECA) để “xem xét các giải pháp về lịch thi đấu cho phép hoàn tất mùa bóng hiện tại và bất cứ hậu quả nào khác từ quyết định được đưa ra ngày hôm nay”.
Có nhiều vấn đề mà UEFA và các LĐBĐ thành viên phải giải quyết và tất cả đều rất phức tạp. Rào cản lớn nhất đương nhiên chính là đại dịch Covid-19. Tất cả các cuộc thảo luận của UEFA trong những ngày tới hay tuần tới đều sẽ phụ thuộc vào quy mô và ảnh hưởng của đại dịch theo thời gian. Nếu đại dịch tiếp tục khiến các quốc gia phải đóng cửa thì không có cơ hội nào để bóng đá được diễn ra.
Cho tới lúc này, Italy, Pháp, Na Uy và Tây Ban Nha đã đóng cửa biên giới, trong khi Anh cũng khuyến khích công dân của họ ở nhà, còn với những người 70 tuổi trở lên và nhóm người dễ bị tổn thương thì được giục tự cách ly trong 12 tuần từ cuối tuần trước. Như vậy là nếu hết 12 tuần tự cách ly, mọi thứ sẽ chỉ có thể tạm trở lại bình thường vào giữa tháng 6. Thời gian rõ ràng là vấn đề lớn nhất của UEFA.
Chưa kể vấn đề di chuyển giữa các quốc gia khi bóng đá trở lại, bởi mỗi nước lại ở một giai đoạn khác trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Nước này ổn hơn nước kia và liệu công dân của họ có thể di chuyển tới nơi vẫn đang chật vật chống lại dịch bệnh? Chẳng hạn nếu Atletico Madrid đụng RB Leipzig ở Tứ kết Champions League, các cầu thủ của họ liệu có được phép tới Đức mà không bị cách ly, và liệu họ có thể trở lại Tây Ban Nha mà không bị cách ly một lần nữa?
Viễn cảnh nào cho 2 Cúp châu Âu?
Hầu hết các quốc gia châu Âu hiện đã ra lệnh cấm công dân của họ ra nước ngoài trong khi các chuyến bay cũng bị hủy và vẫn chưa biết khi nào lệnh cấm bị dỡ bỏ. Vì thế, kể cả phương án đá play-off Cúp châu Âu trên SVĐ trung lập cũng không khả thi. Hy vọng duy nhất cho tất cả là dịch bệnh sẽ bị xóa bỏ trong vòng 1 tháng tới, đủ để bóng đá trở lại, dù là trên những SVĐ không có khán giả. Đó là viễn cảnh đầy hy vọng nhưng kể cả khi bóng đá trở lại vào cuối tháng 4 hay đầu tháng 5, vẫn còn những vấn đề về thể thao cần giải quyết.
Do UEFA muốn 2 Cúp châu Âu kết thúc trước ngày 30/6 nên các cặp đấu được giải quyết chỉ trong 90 phút là phương án được tính đến, tức là sẽ có 4 vòng đấu từ vòng 16 đội cho tới trận Chung kết. Nếu vòng Tứ kết và Bán kết chỉ diễn ra trong 90 phút thay vì 180 phút như thường lệ, các CLB và các đài truyền hình phải chấp nhận sự thất thu từ việc cắt giảm thời gian thi đấu.
Các CLB đá Cúp châu Âu cũng phải chấp nhận viễn cảnh không mấy hay ho là có thể phải đá trên sân khách, khiến họ chịu thiệt thòi, trừ khi tìm được sân trung lập cho mỗi cặp đấu. Khả năng tổ chức vòng Bán kết và Chung kết trong 2 tuần như một giải đấu thu nhỏ cũng là một phương án, trong đó, 4 đội vào Bán kết C1 sẽ đá ở Istanbul, còn 4 đội vào Bán kết C2 sẽ đá tại Gdansk (Istanbul và Gdansk là 2 thành phố tổ chức 2 trận Chung kết mùa này). Nhưng liệu Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan có sẵn sàng chào đón các CĐV từ 4 đội, mà nhiều khả năng là đến từ các quốc gia châu Âu mới thoát khỏi dịch bệnh?
Vũ Mạnh
loading...