loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Có một thời kỳ dài chúng ta cứ nghĩ rằng các trận bán kết Champions League là phải chặt chẽ, phải nặng về chiến thuật. Rằng đội khách nào cũng chú trọng phòng ngự ở lượt đi vì phía trước vẫn còn trận lượt về. Rằng đội chủ nhà nào cũng sợ bị thủng lưới vì nỗi lo bàn thua trên sân nhà. Nhưng bán kết Champions League mùa này rất khác.
Không chỉ là số bàn thắng các đội đã ghi (20 bàn ở 4 trận bán kết) mà còn ở cách các trận đấu diễn ra và kết thúc. Không đội nào đỗ xe bus. Đội nào cũng tấn công tưng bừng trong hầu hết thời gian của hai trận bán kết lượt đi và về hoặc cố tìm cách đoạt lại bóng từ đối thủ để tấn công.
Khi dẫn trước đối thủ, các đội dường như không tìm cách duy trì lợi thế theo kiểu truyền thống bằng cách chuyền bóng qua lại, kiểm soát nhịp độ trận đấu, rút trung phong của đội ra để kéo đối thủ dâng lên và tạo ra khoảng trống phía sau. Đặc biệt, 4 trận bán kết Champions League được đánh dấu bởi những sai lầm, rất nhiều sai lầm.
Sai lầm chiến thuật có. Sai lầm kỹ thuật có. Kiểu như lựa chọn khó hiểu của Roma với hàng thủ dâng cao khi đối đầu với một Liverpool siêu tốc độ. Kiểu như Real lúc nào cũng tìm cách chơi bóng bất chấp Bayern đá pressing. Sai lầm phải nói là rất nhiều nên chúng ta chỉ nêu ra ở đây nhưng sai lầm cá nhân trong phòng ngự. Những người đã mắc lỗi là Radja Nainggolan, Sergio Ramos, Dejan Lovren và Sven Ulreich.
Nếu muốn liệt kê ra nữa thì chúng ta có thể dễ dàng kể ra những pha dứt điểm tồi. Những lỗi chạm tay hay các pha phạm lỗi khác của cầu thủ mà trọng tài không phát hiện ra hay đơn giản là không thổi phạt. Chúng ta không có dịp được chứng kiến cái gọi là nghệ thuật phòng ngự ở 4 trận bán kết Champions League.
Real Madrid đang đứng trước cơ hội lớn để vô địch Champions League lần thứ 3 liên tiếp. Có 5 lý do để tin rằng thầy trò HLV Zinedine Zidane sẽ đánh bại Liverpool trong trận chung kết diễn ra tại Kiev, vào ngày 27/5 tới đây.
Tại sao lại như vậy? Nguyên nhân nằm ở chính đặc điểm trong lối chơi của các đội. Đúng là Real, Liverpool, Roma và Bayern đã vào bán kết Champions League thật nhưng 3 trong số này chỉ xếp thứ 3 ở giải VĐQG của họ còn Bayern tạo khoảng cách tới 24 điểm so với đội nhì bảng Bundesliga và thực tế là từ tháng 2 năm nay họ đã không còn phải thực sự đổ mồ hôi. 3 đội đầu tiên không thường xuyên bóp nghẹt các đối thủ của họ cũng như giết chết các trận đấu trong khi Bayern, lẽ ra đã có thể thay đổi nhân sự trong 3 tháng qua, đã đánh mất đi sự chắc chắn vốn có. Chính những điều đó khiến các đội này mắc sai lầm.
Thêm vào đó, cả 4 đội đều được dẫn dắt bởi những HLV hoặc là có thiên hướng tấn công (Klopp, Zidane), hoặc là quyết định đưa đội bóng trở lại với bóng đá tấn công (Jupp Heynckes) hoặc là có tư duy huấn luyện táo bạo dù có lẽ không bị ám ảnh bởi bóng đá tấn công (Di Francesco).
Tất nhiên cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Bạn pressing cao, buộc đối thủ mắc sai lầm thì chính bạn cũng để lộ ra khoảng trống cho đối thủ khai thác. Như Liverpool chẳng hạn. Nhưng tại sao họ vẫn chơi kiểu đó? Vì ông Klopp là tín đồ của thứ bóng đá mà ở đó các cầu thủ của ông chuyên đi săn tìm bóng từ đối thủ rồi chỉ với 1-2 đường chuyền là đã có thể sút khung thành.
Khi bạn chơi kiểu này thì bạn không thể đá kiểu kia. Lựa chọn chỉ có một. Dĩ nhiên không phải ai cũng thích xem chỉ một thứ bóng đá. Những người thích bóng đá tấn công cống hiến đương nhiên là sẽ thưởng thức những gì mà 4 đội vào bán kết Champions League mùa này mang lại.
Nhưng những người thích bóng đá phòng ngự lại ước gì, chẳng hạn, Juventus, Atletico Madrid, M.U và Borussia Moenchengladbach mới là những đội vào bán kết. Bóng đá tấn công hay bóng đá phòng ngự hay hơn thì còn tùy thẩm mỹ xem bóng của mỗi người nhưng chúng ta dễ thống nhất với nhau rằng phòng ngự dễ dàng hơn nhiều so với tấn công.
Khi bạn chỉ cách khung thành 30m. Khi bạn sở hữu những hậu vệ thực thụ thay vì những cầu thủ đá cánh cải biên thành hậu vệ. Khi bạn có 2 tiền vệ phòng ngự hỗ trợ đánh chặn và cản phá. Khi bạn không bị các tiền đạo áp sát tranh chấp mỗi khi bạn cầm bóng. Mọi chuyện trở nên đơn giản hơn. Nhưng nếu như thế thì chúng ta đã chẳng còn gì để bàn, chẳng có những cơn điên rồ, những sự phấn khích, những kịch tính nào để chiêm ngưỡng và tận hưởng. Không còn cơ hội để nuông chiều thị giác.
Đúng là đã có cả tá sai lầm. Có sai lầm bắt nguồn từ các trọng tài. Có khi do chính các cầu thủ mắc phải. Nhưng sau lầm là một phần của bóng đá và chúng ta đã được chứng kiến những khoảnh khắc thực sự diệu kỳ của kỹ năng, kỹ thuật, của cái đẹp và sự giải trí mang lại cảm giác thỏa mãn cao.
HT
Tổng hợp
loading...