(Thethaovanhoa.vn) - Trong khi Man United đang làm sứ mệnh “cứu vãn Europa League” như người ta giễu cợt, Leicester chiếm ngôi đầu bảng Champions League.
1. Kể từ khi David Moyes bị sa thải, người ta vẫn thường mang Man United ra làm trò giễu cợt ở mỗi độ bóng lăn trên sân cỏ các cúp châu Âu vào cuối tuần bằng câu nói “Tại Europa League chán quá nên Man United xuống chơi kéo khách về cho giải”. Câu nói ấy hẳn khiến các CĐV Man United cảm thấy bị xúc phạm thực sự. Đúng là thành tích của đội bóng ấy sau khi Fergie ra đi đã không còn xứng với tầm vóc vốn có nhưng họ không đáng bị giễu cợt theo cách đó, nhất là khi chúng ta so sánh họ với một vài đội bóng nào đó đang chơi ở vòng bảng Champions League. Điển hình như Ludogorets hay Legia chẳng hạn. Nếu thay Man United bằng 1 trong hai đội bóng kia, chắc chắn vòng bảng Champions League sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều. Đơn giản, đội hình của Man United ít ra cũng còn có những ngôi sao khiến người ta nhớ tên trong khi có nhiều đội bóng nhỏ ở vòng bảng Champions League, các cầu thủ gần như là vô danh.
Điều đó khiến chúng ta dễ dàng sa vào một định kiến quen thuộc của mấy mùa bóng qua, định kiến về những thay đổi của UEFA để vòng bảng bắt đầu có nhiều đội làng nhàng hơn và Champions League chỉ thực sự hấp dẫn khi vào vòng đấu loại trực tiếp mà thôi.
Nhưng dường như chúng ta đang mắc phải một sai lầm đầy cảm tính ở điểm này thì phải. Ở thời đại truyền thông tốc độ như hôm nay, ta dễ sa vào vùng tiện lợi với những cái tên lừng danh, nhất là khi bóng đá ngày một càng trở nên dư thừa trên truyền hình. Và từ đó, ta quên mất bóng đá có những vẻ đẹp khác nữa mà chúng ta đã bỏ quên từ lâu rồi.
2. Mùa Hè 1986, trên sân Sanchez Pizjuan, Barcelona vào chung kết cúp C1, và bị đánh bại bởi Steaua Bucuresti. Đội bóng Romania lúc ấy mang đến giải những gương mặt mới toanh, trẻ măng. Họ là Lacatus: 22 tuổi; là Balint: 23 tuổi, những người sẽ thành trụ cột sau này cho tuyển Romania ở một kỳ World Cup rực rỡ nhất trong lịch sử bóng đá quốc gia ấy: World Cup 1994.
5 năm sau, sân San Nicola, Bari, Ý, Marseille hay nhất trong lịch sử bại trận trước Sao Đỏ Belgrade ở chung kết C1. Đội bóng Nam Tư cũ ấy cũng mang tới giải đấu những người trẻ. Đó là Prosinecki: 22 tuổi; Mihajlovic: 22 tuổi; Jugovic: 22 tuổi, những người sau này đã có một sự nghiệp lẫy lừng ở châu Âu. Và cũng gần giống như Steaua Bucuresti, đội hình Sao Đỏ Belgrade toàn người Nam Tư cũ cả (trừ Belodedici người Romania).
Đó là thời bóng đá tuyệt đẹp, thời mà có những giai đoạn, các CLB nhỏ mang tới một dàn cầu thủ mới mẻ, vô danh nhưng sau đó lừng danh vì đã đánh bại được những ngôi sao của những đội bóng khổng lồ hơn mình rất nhiều.
Thời nay, câu chuyện cổ tích như thế rất hiếm hoi, khi mà các tài năng trẻ của các CLB nhỏ mới chỉ vào tuổi 15-17 đã trở thành món hàng đầu tư dài hạn của các đội bóng lớn. Những Legia, Basel, Ludogorets khó có thể làm nên chuyện cổ tích theo kiểu lặng thầm tung ra một dàn trẻ mới toanh đầy bản lĩnh. Nhưng dường như thời nay, chúng ta cũng ít mặn mà với các câu chuyện cổ tích của bóng đá hơn.
3. Không mấy ai nhắc đến Leicester, dù mới chỉ cách đây vài tháng thôi, họ đang là từ khóa hấp dẫn nhất khi vô địch Premier League. Hóa ra, chúng ta cũng không đi kiếm tìm điều kỳ diệu trong bóng đá nữa. Chúng ta chỉ kiếm tìm những tên tuổi đã quá quen với mình và chúng ta dễ quên, dễ bỏ qua những gì thực sự đã và đang diễn ra đầy hấp dẫn.
Và Man United thì sao? Họ có khiến cho Europa League đáng xem hơn hay không? Bấy lâu nay, dường như chúng ta chỉ nhớ đến giải đấu ấy khi đến trận chung kết thì phải.
Đồng ý là những ai yêu Man United sẽ theo Man United đến tận cùng, và họ thích Man United phải đối đầu, hạ gục các đối thủ lớn một cách ngoạn mục. Nhưng bóng đá không chỉ có Man United. Ở đâu đó, trong những xó xỉnh rất nhỏ của châu Âu, vẫn có những đội bóng “làng” mang niềm kiêu hãnh riêng của mình. Và họ cũng vẫn không nguôi ý định tạo nên một câu chuyện lớn.
Thế thì tại sao người xem, là chúng ta, lại dễ nản lòng khi đợi chờ những câu chuyện lớn ấy?
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa