Chậm bỏ xe xăng làm xe điện, Toyota nhận cảnh báo: Cẩn thận mất cơ hội 'ngàn vàng'
Toyota vẫn thường phải nhận chỉ trích từ phía nhà đầu tư và khách hàng vì chậm chạp trong việc đầu tư và phát triển xe thuần điện, có thể dẫn đến lỡ mất cơ hội "ngàn vàng".
Ông Jim Rowan, CEO của Volvo. Ảnh: Volvo
Ngành xe ngày nay hiện đang đứng trước một khúc ngoặt lịch sử: Chuyển đổi sang làm xe điện. Trước đây, truyền thông thường nhắc tới xe điện như một xu hướng tiêu dùng, nhưng ngày một rõ hơn, sự việc này không phải là một xu hướng như hay được mô tả. Chuyển đổi sang xe điện là một việc cấp bách cần phải thực hiện để bảo vệ môi trường.
Hiện đã có nhiều hãng xe đặt ra mốc thời gian dừng sản xuất xe sử dụng động cơ đốt trong, chuyển toàn bộ sản xuất sang xe điện. Mốc thời gian các hãng chọn thường quanh năm 2030 hoặc sớm hơn, năm 2035 hoặc năm 2040 thường được xem là muộn.
Volvo XC40 là mẫu xe điện đầu tiên thời hiện đại của hãng. Ảnh: Volvo
Bình luận về việc các hãng xe đối thủ dường như hơi chậm chân trong việc làm xe điện, Giám đốc Điều hành Volvo, ông Jim Rowan, cho rằng lần lữa phát triển xe điện là "có nguy cơ bỏ lỡ thị trường".
Volvo thực tế không phải là một hãng xe đi đầu hay đi sớm trong việc chuyển đổi sang làm xe điện. Hãng đặt mục tiêu sẽ dừng toàn bộ sản xuất xe sử dụng động cơ đốt trong từ năm 2030 - thời điểm được đánh giá là không sớm cũng không muộn để làm xe điện.
Nói về việc chuyển đổi hoàn toàn sang làm xe điện, CEO Volvo cho rằng nếu chậm trễ có thể sẽ lỡ mất cơ hội rất lớn: "Vấn đề quan trọng khi cả ngành công nghiệp cùng chuyển đổi là nếu bạn không đầu tư trước bước ngoặt, thì bạn sẽ bỏ lỡ mất và bạn sẽ không đủ sẵn sàng khi cả thị trường đã thay đổi".
Ở thời điểm hiện tại thì xe điện vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh số hàng năm trên thế giới. Theo số liệu nghiên cứu năm 2022 của LMV Automotive, xe điện đã tăng trưởng 72% lên con số 7,97 triệu xe toàn cầu, chiếm khoảng 10% tổng doanh số.
Volvo XC40 bản thuần điện trang bị pin 74kWh, đủ sức chạy hơn 500km mỗi lần sạc theo chuẩn WLTP. Ảnh: Ward Auto
Một điều đáng lưu ý là Toyota trước nay thường bị chỉ trích vì chậm trễ trong việc phát triển xe điện. Dù nhiều năm liên tục là hãng xe bán nhiều xe nhất thế giới, nhưng xe thuần điện thì Toyota chỉ có duy nhất một mẫu - Toyota bZ4X; nhưng "đứa con" duy nhất này không được đánh giá cao.
Toyota bZ4X thực chất là sản phẩm Toyota cùng phát triển với Subaru (mẫu xe cùng nền tảng của Subaru là Subaru Solterra). Toyota bZ4X thậm chí đã phải triệu hồi toàn bộ xe sau 2 tháng bán ra vì lỗi ở con ốc chốt bánh có thể khiến bánh xe rụng khỏi xe khi xe đang chạy; Toyota sau đó đã mất thêm 2 tháng để tìm cách khắc phục.
Toyota bZ4X (trái) và Subaru Solterra (phải). Ảnh: Panama Subaru Club
Ảnh: Panama Subaru Club
Nói đến chiến lược xe điện, cựu CEO của Toyota, ông Akio Toyoda, cho rằng Toyota muốn cung cấp nhiều sự lựa chọn cho khách hàng, hơn là một kiểu sản phẩm. Lúc đó, Toyota vẫn đầu tư cùng lúc cho xe lai điện (hybrid, tiêu biểu như Toyota Prius) và xe sử dụng pin năng lượng hydro (hydro cell, tiêu biểu là Toyota Mirai). Tuy nhiên, quan điểm này có thể sẽ thay đổi khi CEO mới, ông Koji Sato, sẽ bắt đầu tiếp quản Toyota từ tháng 4 năm nay.
Phát biểu trước công chúng lần đầu trong vai trò người kế vị, ông Sato cho biết hãng xe 85 tuổi sẽ tập trung vào xe thuần điện: "Để mang đến nhiều mẫu xe điện hấp dẫn hơn cho khách hàng, chúng tôi buộc phải chỉnh sửa cấu trúc của chiếc xe - ưu tiên phát triển xe điện, chúng tôi phải thay đổi toàn bộ cách làm, từ sản xuất, sales, đến dịch vụ".
Ông Koji Sato (đứng giữa) và các trưởng bộ phận dưới quyền. Ảnh: Tomohiro Ohsumi/Getty Images
Một trong những trở ngại lớn trong việc sản xuất xe điện là giá thành sản phẩm thường cao hơn so với mẫu xe chạy xăng cùng loại. Không chỉ Volvo, các hãng xe khác dường như đều bị ảnh hưởng từ chi phí nguyên liệu thô, chủ yếu là Lithium - nguyên liệu chính làm pin xe điện.
CEO Volvo cho biết: "[Lithium] dường như là thứ duy nhất ngăn cản chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện. Nút thắt cổ chai ở khai mỏ và chế biến Lithium đang đẩy giá lên cao".
Không chỉ Lithium, các kim loại khác cũng đã tăng giá mạnh khi xe điện được đầu tư nhiều hơn, như cô ban hay niken. ông Jim Rowan cho rằng công nghệ pin không sử dụng kim loại hiếm như pin LFP (loại pin sử dụng Lithium, sắt và phốt phát) sẽ là giải pháp tốt giúp giảm giá thành xe điện, và đưa giá xe điện xuống ngang với xe xăng cùng loại.