Cây nêu có từ bao giờ, mang ý nghĩa gì trong văn hóa Tết cổ truyền của người Việt?
Dựng cây nêu là một trong những phong tục cổ truyền của ngày Tết Nguyên đán với nguyện ước cầu may nhưng nay đã bị mai một.
Có một câu đối về Tết rất nổi tiếng rằng:
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh"
Đây là những phẩm vật đặc trưng trong ngày Tết Nguyên đán cổ truyền. Dưa hành muối, bánh chưng xanh, câu đối hay tràng pháo thì hầu như ai cũng biết nhưng nhắc đến cây nêu dường như dòng suy nghĩ bị tạm ngưng. Bạn có biết vì sao không? Bởi vì cây nêu đã vắng bóng ở Tết nay, chẳng còn mấy nơi giữ tục dựng cây nêu nữa.
Vậy cây nêu là cây gì và có ý nghĩa như thế nào mà lại được đặt cùng những phẩm vật trong câu đối xưa kia?
Cây nêu - Phong tục xưa không thể thiếu trong Tết cổ truyền
Có thể bạn chưa biết, cây nêu trong quan niệm của người xưa là một biểu tượng thiêng liêng vào dịp Tết Nguyên đán. Trong ngày lễ cổ truyền của dân tộc, cây nêu mang nhiều ý nghĩa, vừa là điểm tựa tinh thần vừa là nơi gửi gắm mong ước một năm mới thịnh vượng của người dân.
Nếu như tục dựng gậy ông vải (2 cây mía đỏ bên bàn thờ) là ‘đường đi lối lại' của Gia tiên ngày Tết thì cây nêu được ví như ‘bậc thang' của Thần linh.
Cây nêu là cây gì?
Cây nêu được làm từ những cây tre cao được giữ nguyên phần lá ở ngọn. Dưới gốc sẽ rắc vôi bột trắng hình cánh cung hướng ra bên ngoài nhà. Ở mỗi vùng miền khác nhau, miền xuôi hay miền ngược, đồng bằng hay dân tộc thiểu số sẽ có cách trang trí cây nêu khác nhau. Mỗi một vật trang trí lên cây nêu đều mang một ý nghĩa nhất định, nếu không phải bảo vệ bình an thì cũng là cầu may mắn, sung túc. Chẳng hạn như cái khánh biểu tượng cho những điều tốt lành. Lông gà biểu tượng cho bình an. Lá dứa để trừ tà hay tiền vàng mã cầu tài lộc.
Cây nêu mà cụ Nguyễn Văn Huyên có miêu tả trong Hội hè lễ tết của người Việt khá chi tiết: “Đấy là một cây tre dài năm sáu mét, được tước hết các cành, nhưng có để lại ở ngọn những cụm lá hoặc buộc vào đó một túm lông gà trống, một mớ lá đa hay lá cây vạn niên thanh. Gần đỉnh treo một cái vòng tre, có buộc những con cá nhỏ, những chiếc chuông con và khánh bằng đất sét nung phát ra một âm thanh nhẹ và êm khi gió thổi. Dưới cái vòng này có buộc một cái mũ thần, những thoi vàng bằng giấy, những miếng trầu, lá dứa hoặc cành xương rồng gai. Ở đỉnh còn treo một cái đèn thắp ban đêm. Cây nêu được làm như vậy chỉ đúng đường cho tổ tiên trở về ăn Tết trong gia đình những người đang sống".
Hay như trong cuốn Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức cũng cho biết: “Ngày Trừ tịch ở trước cửa lớn mọi nhà đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là dựng nêu. Việc này không thể khảo cứu nguyên do được… Đến ngày mùng 7 Tết thì triệt hạ, gọi là hạ nêu. Trong mấy ngày Tết phàm các khoản nợ nần đều không được hỏi, đợi ngày hạ xong cây nêu rồi mới được đòi. Ngày Nguyên đán, bất kể sang hèn, lớn nhỏ đều no say vui chơi, người nghèo nơi thôn dã cũng đều có đủ lễ. Từ ngày dựng nêu trở đi nhà nào cũng vui chơi ăn uống không ai ngăn cấm, đến ngày hạ nêu mới thôi”.
Trong khảo cứu của mình, Trịnh Hoài Đức không đưa ra được tục dựng nêu, dưới thời vua Minh Mệnh, các Quan nội các cũng không đưa ra được. Một lần vua hỏi thị thần rằng: “Lễ dựng cây nêu trong buổi trừ tịch có nguồn gốc từ kinh điển nào?”. Quan Nội các Hà Tông Quyền có thưa là chỉ nghe tương truyền từ kinh nhà Phật chứ chưa rõ vì cớ gì. Lúc ấy, nhà vua mới nói: “Người xưa đặt ra lễ này với ý nghĩa rằng cây nêu là tiêu biểu cho năm mới. Thế thì lễ là do nghĩa mà sinh ra đó thôi".
Nguồn gốc cây nêu có gì đặc biệt?
Cây nêu đã xuất hiện từ rất lâu trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam mang ý nghĩa bảo vệ con người khỏi sự xâm phạm của quỷ dữ. Sự tích cây nêu ngày Tết của Nguyễn Đổng Chi kể rằng từ xa xưa, khi loài Quỷ chiếm tất cả đất đai, Người chỉ được ăn nhờ ở đậu và làm rẽ ruộng đất mà thôi. Loài Quỷ độc ác bắt Người nộp lệ cho chúng kiểu ‘ăn ngọn cho gốc'. Cho nên, sau mỗi vụ gặt, Người chỉ còn trơ gốc rạ. Được Phật gợi ý, Người trồng khoai vào mùa sau. Năm ấy, Quỷ hậm hực vì nhà Người toàn đống khoai ngon còn nhà mình toàn dây và lá khoai.
Mùa tới, Quỷ chuyển lệ ‘ăn gốc cho ngọn', Người lại chuyển sang trồng lúa. Quỷ tức lắm, bèn phán mùa sau ‘ăn cả gốc lẫn ngọn'. Người chuyển sang trồng ngô lấy bắp. Giao ước với Quỷ, Người được tậu một mảnh đất vừa bóng chiếc áo cà sa, bóng che đến đâu thì diện tích đó là sở hữu của Người. Người trồng một cây tre phía trên có treo áo cà sa. Cây tre được làm phép cứ thế cao lên mãi, bóng áo cà sa che rợp cả mặt đất. Và rồi Quỷ phải lùi mãi không được phạm vào đất của Người, chúng bị lá dứa quất vào người, bị vôi bột ném cay mắt, chạy mãi ra biển Đông. Chúng dập đầu xin một năm được vài ba ngày vào đất liền thăm phần mộ tổ tiên ngày trước.
Hàng năm, cứ đến Tết Nguyên đán là Quỷ Đông lại kéo vào đất liền nên người dân trồng cây nêu để Quỷ không dám bén mảng đến chỗ ở của con người.
Đó là ý nghĩa cây nêu trong sự tích, còn đối với dòng chảy văn hoá dân gian, cây nêu còn mang nhiều ý nghĩa khác.
Ý nghĩa dựng cây nêu vào dịp Tết Nguyên đán
Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, sau khi cúng tiễn ông Công ông Táo về chầu trời. Dân gian quan niệm rằng, khi những vì thần bảo hộ gia đình đi vắng thì cây nêu được dựng lên để xua đuổi ma quỷ, trừ tà dữ, bảo vệ bình an cho gia đình.
Đối với một số bà con đồng bào dân tộc thì có khác, người Mường dựng cây nêu vào 27 hoặc 28 tháng Chạp, người Mông dựng vào 25 hoặc 27 tháng Chạp. Ở các vùng dân tộc này cây nêu thường gắn liền với một số lễ hội truyền thống của bản làng. Đến ngày mùng 7 tháng Giêng, cây nêu sẽ được hạ xuống, đó được gọi là ngày Khai hạ.
Mỗi phong tục xưa trong Tết cổ truyền đều mang những ý nghĩa đẹp, xua rủi lấy may. Cũng như tiếng pháo đêm Giao thừa, cây nêu là biểu tượng cho những điềm xui trong năm cũ được xoá bỏ và mong ước những điều lành đến nhiều hơn trong năm mới.
Cây nêu còn được gọi là cây Thiên - Địa - Nhân, kết nối Đất vời Trời và nguyện ước của con người. Trên mỗi ngọn nêu được treo các linh vật hoặc phẩm vật khác nhau để thể hiện nguyện ước của con người có thể chạm tới Thần linh.
Tại sao Tết nay vắng bóng cây nêu?
Cây nêu ngày nay không được nhiều nơi dựng nữa. Phong tục này đã bị mai một trong cuộc sống hiện đại. Thành phố đất chật người đông, việc dựng cây nêu cũng chiếm diện tích và cầu kỳ nên đã bị lược bỏ. Thay vào đó, người ta vẫn trưng bằng hoa đào, hoa mai.
Ở một số miền quê vẫn lưu giữ được phong tục này nhưng chủ yếu là dựng nêu ngoài đình làng, đền chùa để kết hợp thực hiện các phần lễ hội đầu xuân. Ngày nay, người ta không chỉ dùng tre mà còn dùng trúc, luồng, bương, nứa, hoặc những cây phù hợp. Cây nêu truyền thống được treo chuông, khánh, trầu cau, cành đa, lá dứa, đèn lồng,... ngày nay có nơi còn treo bao lì xì, tiền thật trong đó nữa.
Nhiều năm trở lại đây, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội hay Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế cũng đã tổ chức tái hiện phong tục dựng cây nêu (lễ Thướng tiêu) thu hút nhiều du khách và người dân đến tham dự.
Cây nêu được dựng trong Tết nay chủ yếu là lời cầu chúc cho những điều tốt lành trong năm mới. Và đây cũng là một hoài niệm đẹp về phong tục xưa trong Tết cổ truyền của người Việt ta.