Cầu thủ Việt xuất ngoại: Thực sự đá bóng hay đánh bóng tên tuổi?
(Thethaovanhoa.vn) - Không ít những tin đồn liên quan đến việc chuyển nhượng cầu thủ Việt ra nước ngoài hay được các đội bóng châu Âu quan tâm xuất hiện, nhưng không nhiều tin là sự thật và hầu hết chỉ mang tính chất đánh bóng tên tuổi.
Mới đây nhất, tiền đạo Văn Toàn được đồn đoán đạt thỏa thuận cùng CLB Austria Wien (Áo). Cầu thủ sinh năm 1996 sẽ rời CLB HAGL với một bản hợp đồng mưa đứt từ đội bóng Thủ đô Áo. Tuy nhiên, rất nhanh chóng, tin đồn này được dập tắt.
Đại diện CLB HAGL, ông Nguyễn Tấn Anh cho biết đội bóng không biết về việc này và không có bất kỳ thông tin gì. Còn bản thân "khổ chủ" cũng ngỡ ngàng không kém khi mình được dịp xuất hiện rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, báo chí.
Giống như thường lệ, một quy trình khép kín lại được tạo ra. Tin đồn, được quan tâm, bị dập tắt và quên lãng. Sau những tin đồn ấy, danh tính các đội bóng "xếp hàng" để có được chữ ký của những Văn Hậu, Quang Hải, Công Phượng, Văn Toàn…lại dần chìm xuống.
Trường hợp của Quang Hải hay Văn Hậu cũng được đồn thổi khá nhiều với những cái tên đến từ J-League 1, J-League 2, Thai League hay thậm chí là La Liga, Bundesliga và cả Hà Lan nữa. Nhưng rồi, Quang Hải vẫn đang thi đấu cho CLB Hà Nội, còn Văn Hậu đã trở về từ Hà Lan sau 1 năm "học việc".
Những tin đồn về cầu thủ Việt được một đội bóng nước ngoài quan tâm bây giờ xuất hiện nhiều như "chuyện bình thường ở huyện". Nó như một cách để những nhà môi giới đánh bóng tên tuổi của cầu thủ, nhằm giúp họ được "nhớ mặt, nhớ tên" sau một quãng thời gian dài im ắng.
Đó là mặt hình ảnh và truyền thông, còn chuyên môn là vấn đề cốt lõi của những cầu thủ này. Liệu họ có đủ năng lực, tốc độ, thể lực, kỹ thuật để thi đấu ở môi trường ngoài bóng đá Việt Nam? Câu trả lời vẫn đang được nhiều lớp cầu thủ hiện tại và tương lai tự đi tìm kiếm.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào trường hợp của Văn Hậu, một cầu thủ được cho là "chuẩn đầu ra" để có thể thi đấu ở châu Âu, song vẫn chỉ được thi đấu tại đội dự bị của Heerenveen SC trước khi trở về nước, thì có thể thấy cầu thủ Việt vẫn chưa đủ trình độ, chưa thực sự sẵn sàng cho những chuyến đi xa nhà.
Hay nhìn xa hơn là những thương vụ "xuất khẩu" của Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng…Mỗi người đều có một đánh giá riêng về hành trình của họ đã trải qua, nhưng rồi có một kết cục rất chung của những cầu thủ Việt là "đi thật xa để trở về".
Một cầu thủ giấu tên chia sẻ: "Hiện tại tôi chưa nghĩ đến việc (ra nước ngoài thi đấu) xa xôi thế đâu. Cứ thi đấu ở trong nước vài năm đã rồi mới tính toán đến chuyện này. Bản thân tôi cũng chỉ nghĩ đến việc thi đấu trong nước chứ chưa bao giờ nghĩ đến được thi đấu ở nước ngoài".
Một nhà môi giới cầu thủ từng chia sẻ: "Cầu thủ Việt ra nước ngoài thi đấu đều là những tuyển thủ quốc gia. Họ có điểm chung là đều đã ở trên đỉnh của vinh quang trong nước. Không dễ gì họ từ bỏ ánh hào quang để đến một giải đấu hạng 2, hạng 3 ở đất nước khác.
Thực lực của họ khi ra ngoài và so sánh với một cầu thủ ở châu Âu thì còn thua ở nhiều yếu tố. Một vấn đề nữa của cầu thủ Việt là ngoại ngữ rất kém. Không ít cầu thủ chỉ giao tiếp được bằng tiếng Việt, số còn lại thì cũng chỉ bập bõm vài câu".
Làn sóng cầu thủ Việt xuất ngoại đã, đang và sẽ còn được nhắc đến nhiều với những cái tên, thế hệ khác thành danh trong vài năm tới, nhưng cầu thủ Việt nếu muốn xuất ngoại thành công trong tương lai, thì ít nhất, bản thân họ cũng phải tự trang bị cho mình một hành trang đủ lớn về điểm đến mà họ mong muốn, trong đó ngoại ngữ là yếu tố bắt buộc.
Khôi Nguyên