Cầu thủ Việt vẫn 'ngại' xuất ngoại
Từ con số 6 cầu thủ Việt Nam xuất ngoại trong năm 2023, tính cả trường hợp Huỳnh Như của bóng đá nữ, thời điểm hiện tại, chỉ còn duy nhất Công Phượng vẫn đang thuộc biên chế một CLB nước ngoài nhưng đã từ lâu, người hâm mộ không được thấy tiền đạo người Nghệ An sải bước trên sân cỏ Nhật Bản, trong một trận đấu chính thức.
Câu chuyện Công Phượng không có vị trí chính thức ở Yokohama FC từ đó không còn cơ hội được triệu tập vào đội tuyển Việt Nam ở những lần tập trung gần đây giờ đã không còn mới. Báo chí, người hâm mộ hay thậm chí chính bản thân Công Phượng cũng đã quen với sự "vắng bóng" này nên không còn nhắc đến nhiều và có lẽ, chính Phượng đang có định hướng riêng cho con đường sự nghiệp của mình.
Trước Công Phượng, một số cầu thủ tên tuổi hay kém danh tiếng hơn một chút là Quang Hải, Văn Toàn, Minh Hiếu, Cảnh Anh… cũng lần lượt chia tay các CLB ở Pháp, Hàn Quốc quay về nước thi đấu, chấm dứt các cuộc phiêu lưu ngắn ngủi của mình ở nước ngoài.
Tất nhiên, bóng đá Việt Nam đã đang có những cầu thủ đủ sức cạnh tranh ở môi trường thi đấu chuyên nghiệp tại nước ngoài, châu Âu thì có thể còn khó khăn chứ Nhật Bản, Hàn Quốc hay khiêm tốn hơn là Thái Lan thì hoàn toàn có thể. Nhưng tại sao con số cầu thủ Việt xuất ngoại không tăng lên theo từng năm mà ngược lại giảm đi trông thấy và giờ chỉ còn mình Công Phượng đang phiêu lưu như chính sự nghiệp của cầu thủ này vậy?
Kết thúc V-League 2023/24, Tuấn Hải, Quang Hải, Hoàng Đức, bộ 3 tuyển thủ Việt Nam nằm trong số những cầu thủ hàng đầu của bóng đá Việt Nam hiện nay, đều hết hợp đồng với Hà Nội FC, CAHN và Thể Công Viettel. Tin đồn liên quan đến chuyện xuất ngoại thi đấu của 3 cầu thủ này được đưa ra không ít, thậm chí còn nêu đích danh tên những CLB bày tỏ sự quan tâm đến việc ký hợp đồng với họ, mức lương cùng các chế độ đãi ngộ khác đi kèm.
Nhưng cùng với thời gian tất cả mới chỉ dừng ở mức tin đồn, để rồi Tuấn Hải ký tiếp hợp đồng 3 năm với Hà Nội FC có kèm điều khoản tạo điều kiện ra nước ngoài thi đấu nếu có đề nghị thích hợp, Quang Hải thì cũng vừa gia hạn hợp đồng với CLB CAHN.
Giờ chỉ còn Hoàng Đức là chưa công bố bến đỗ tiếp theo trong sự nghiệp khi hợp đồng với Thể Công Viettel sắp hết. Nhưng Hoàng Đức sau khi nhận lời làm đại sứ thương hiệu cho một ngân hàng lớn tại Việt Nam thì việc chọn ở lại V-League là khả năng rất dễ xảy ra, nhất là khi sự quan tâm dành cho tiền vệ này hiện không ít. HAGL, Hà Nội FC, CAHN, Nam Định hay kể cả Thể Công Viettel hoàn toàn có thể là lựa chọn phù hợp cho Hoàng Đức tiếp tục gặt hái thành công.
Ngoài yếu tố tài chính, điều mà bất cứ cầu thủ nào khi ký hợp đồng đều đặt lên bàn cân so sánh, điều cần thiết mà họ cần phải cân nhắc là có dám dấn thân, chấp nhận mạo hiểm hay không? Những chia sẻ từ đồng đội đi trước về những khó khăn khi phải thi đấu ở nước ngoài đôi khi lại khiến các cầu thủ hiện tại rụt rè, không dám mạo hiểm, bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình.
Xuất ngoại thi đấu đương nhiên đồng nghĩa với việc với đối diện với hàng loạt vấn đề, đó không chỉ đơn thuần là việc cạnh tranh vị trí, khẳng định khả năng trước sự quan sát của HLV trưởng. Ngôn ngữ, thời tiết, khả năng thích nghi với một môi trường tập luyện, thi đấu hoàn toàn mới hay đơn giản chỉ là sự cô đơn, đó hoàn toàn có thể là lý do khiến cầu thủ Việt ngại xuất ngoại.