'Cầu thủ nữ Việt Nam có thể thi đấu tại Australia'
(Thethaovanhoa.vn) - Đối với cựu cầu thủ nữ Phan Thị Anh Đào, mong ước lớn nhất của cô là được trở về Việt Nam để dùng những kinh nghiệm của mình góp sức cho bóng đá quê nhà. Cô cũng cho rằng các cầu thủ nữ Việt Nam hoàn toàn có thể sang Australia thi đấu.
* Xin chào chị, được biết chị vừa nhận chức GĐKT đội bóng nữ Coomera Soccer Club tại Australia?
- Đúng vậy! Hiện tại tôi làm GĐKT mảng bóng đá nữ cho Coomera Soccer Club đang thi đấu tại giải hạng Nhất Australia (giống giải hạng Nhất tại Việt Nam). Cụ thể tôi sẽ phụ trách từ đội U9 cho tới đội lớn. Trước đó, năm 2019 tôi là trợ lý HLV đội U20 nam Gold Goast Knights và HLV trưởng U11-U15.
* Vậy cơ duyên nào đưa chị tới Australia?
- Năm 2015-16, sau thời gian tích lũy kinh nghiệm và học hỏi thì tôi quyết định mở một trung tâm bóng đá cộng đồng có tên I.soccer tại TP.HCM. Tại đây có khá nhiều học viên là người nước ngoài. Cũng nhiều phụ huynh cảm thấy thích thú với cách làm của tôi và họ có nói với tôi về phương pháp huấn luyện của tôi nếu áp dụng ở phương Tây thì rất hợp.
Ít lâu sau tôi nhận được lời mời thử việc tại Ipswich Bull. Điều quan trọng là tôi có dám đi, có dám thử thách bản thân mình hay không. Khi cơ hội đến, tôi chấp nhận thử thách nó và một mình sang đó tìm tới CLB để thử việc. Sau thời gian này tôi được họ ký hợp đồng chính thức.
* 2 tháng đó trên đất Australia là rất thử thách với chị?
- Thời gian đó, tôi tự bỏ tiền ra thuê nhà, di chuyển tới sân tập, nơi làm việc, tự mình phải trải qua tất cả trên đất Australia. Số tiền mà tôi tích lũy được trước đó đều sử dụng trong quãng thời gian này. Thời gian rảnh rỗi tôi làm thêm, kèm thêm những cầu thủ, gia đình muốn con cái theo hướng chuyên nghiệp.
* Thời gian biểu của chị tại đây như thế nào?
- 1 ngày ở đây của tôi thường bắt đầu từ 4,5 giờ sáng. Tôi dạy kèm 1-1 cho các cầu thủ, gia đình có thiên hướng cho con họ chơi chuyên nghiệp. Sau đó đến CLB làm việc. Thường ở đây, các đội bóng chỉ tập luyện 3 buổi/tuần. Vì vậy lịch các đội sẽ được đan xen nhau. Khi rảnh tôi sẽ tổng hợp số liệu thu thập được ở các buổi tập, xử lý chúng để cuối tháng hoặc quý có thể gửi bản đánh giá về gia đình từng cầu thủ. Thời gian kết thúc công việc cũng khoảng 11 giờ đêm.
* Công việc của chị liên quan đến bóng đá nữ, vậy chị nghĩ các cầu thủ nữ Việt Nam có thể thi đấu tại Australia?
- Điều này là hoàn toàn có thể, tôi vẫn quan sát và theo dõi bóng đá nữ Việt Nam thường xuyên. Trong đợt ĐTQG sang đây đá lượt đi vòng loại Olympic tôi cũng có gặp họ. Phải nói thật cầu thủ nữ Việt Nam có kỹ thuật và tinh thần thi đấu rất tốt. Tuy nhiên hạn chế của họ nằm ở ngoại ngữ, không có ngoại ngữ thì khó có thể giao tiếp, hòa nhập với văn hóa ở đây. Nếu khắc phục được điều này thì họ hoàn toàn có thể thi đấu ở giải hạng Nhì thậm chí là hạng Nhất. Tôi sẵn sàng giúp đỡ họ nếu họ mong muốn và thực sự khát khao điều đó.
* Vậy còn định hướng cá nhân của chị trong thời gian tới?
- Bản thân tôi đang kết thúc chương trình học bằng PRO của AFC. Nếu có lời mời từ Việt Nam, đặc biệt là bóng đá nữ, tôi sẵn sàng gác lại công việc ở đây để trở về cống hiến cho quê hương. Tôi nghĩ rằng kinh nghiệm và những điều tôi học hỏi ở đây sẽ giúp ích được cho bóng đá nữ Việt Nam.
Cựu cầu thủ Phan Thị Anh Đào từng tham gia đội năng khiếu nữ TP.HCM năm 1996. Từ năm 1998 đến 2006, cô thi đấu cho đội 1. Năm 2002-2004, Đào được triệu tập lên ĐTQG Việt Nam. Năm 2004, cô cùng ĐT nữ Việt Nam giành hạng Ba Đông Nam Á tổ chức tại Thành Long. Trong giai đoạn 2008 tới 2016, cô làm giảng viên Cao đẳng Phú Lâm, Cao đẳng Bách Việt, Khoa Giáo dục thể chất Đại học Kinh tế - Tài chính TP. HCM và là phiên dịch cho Arsenal JMG. Tới năm 2017 cô làm HLV trưởng đội hạng 2 Ipswich Bull. |
Khôi Nguyên