Cầu thủ nữ cần nhiều hơn những lời chúc
(Thethaovanhoa.vn) - Nữ VĐV thể thao nói chung và các cầu thủ bóng đá nữ Việt Nam nói riêng đã quá quen với việc tập luyện và thi đấu trong ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 hay Phụ nữ Việt Nam 20/10. Thế nên, nếu để hỏi cảm giác đặc biệt của họ trong ngày 20/10 hay muốn nhận được món quà gì trong ngày kỷ niệm đặc biệt này thì câu trả lời thường rất đơn giản và mở đầu bằng: “Bọn em quen rồi”.
Ở dịp kỷ niệm 20/10 năm ngoái, các thành viên đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã nhận được lời chúc mừng đặc biệt từ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ngay trước hành trình bảo vệ tấm HCV môn bóng đá nữ tại SEA Games 2019. Tại thời điểm đó, ai nấy đều rất vui mừng và hạnh phúc vì không phải năm nào cũng có cơ hội được gặp trực tiếp và trò chuyện với người đứng đầu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Buổi gặp gỡ đó cũng cho thấy bóng đá nữ đang ngày càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban ngành, những nhà tài trợ và đông đảo người hâm mộ. Cũng chính từ những sự quan tâm như thế mà các cầu thủ bóng đá nữ Việt Nam có thêm nhiều động lực để tiếp tục phấn đấu, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn trong tập luyện để hướng tới các thành tích cao trong thi đấu.
So với sự quan tâm, lương thưởng và các chế độ đãi ngộ dành cho bóng đá nam thì các con số tương tự dành cho bóng đá nữ không thể sánh bằng trong thời điểm này và cả tương lai lâu dài sau này nữa. Nhưng trong suy nghĩ của các cầu thủ bóng đá nữ và cả những người quan tâm đến bóng đá nữ, đó là thực tế mà họ đã chấp nhận từ lâu hay nói cách khác là đã quen.
Thế nên, không còn có cảm giác chạnh lòng hay ghen tị ở đây. Với các cầu thủ nữ, đơn giản chỉ là lời chúc, hay thậm chí là một trò chơi trong buổi tập, giúp cho các chị em tăng sự đoàn kết, gắn bó với nhau trong thi đấu cũng như cuộc sống sinh hoạt đời thường đã là vui lắm rồi.
Quan trọng hơn, các cầu thủ bóng đá nữ Việt Nam giờ đây đã thích nghi với hoàn cảnh và biết nỗ lực vượt khó. Chuyện cầu thủ nữ phải bỏ ngang sự nghiệp quần đùi áo số để đi làm hay xuất khẩu lao động rồi lấy chồng sinh con đã và vẫn còn nhưng không thể nói nữ cầu thủ Việt Nam vẫn sống khổ vì tự họ đã biết vươn lên trong cuộc sống.
Câu chuyện cầu thủ bán hàng online, tư vấn xuất khẩu lao động… là bài học cho rất nhiều người chứ không riêng gì giới quần đùi áo số. Tất nhiên, việc một số cầu thủ nữ hiện là trụ cột ở CLB cũng như đội tuyển quốc gia như Tuyết Dung, Huỳnh Như, Hải Yến… đã biết tích lũy từng bước và chăm lo cho bản thân mình cũng như người thân chỉ là trường hợp cá biệt nhưng ít nhất mặt bằng chung đời sống của họ đã tốt hơn trước đây khá nhiều.
Cầu thủ nữ hay VĐV thì cũng giống như bao người con gái khác, bên cạnh vật chất, họ cũng cần được quan tâm, động viên, bồi đắp về tinh thần. Những lời chúc hay món quà nhỏ họ rất trân trọng nhưng sẽ là đáng quý hơn nếu như những sự quan tâm đó được lan tỏa đến nhiều người, nhiều giới và trong suốt thời gian dài, trong cả năm.
Sẽ thật tuyệt vời và ý nghĩa hơn nếu như họ, những cầu thủ bóng đá nữ của Việt Nam được quan tâm hàng ngày, có yêu, ghét như lẽ thường nhưng hãy sống vị tha, bao dung với họ. Sát cánh, đồng hành cùng các nữ cầu thủ trong mọi hoàn cảnh cả lúc vui lẫn khi vấp ngã như câu chuyện bỏ cuộc của đội Phong Phú Hà Nam mới đây, ấy là những điều chúng ta cần làm, cộng đồng cần hướng đến, không chỉ là các lời chúc trong ngày kỷ niệm như 20/10.
Phụ nữ luôn là một nửa của thế giới nên hãy trân trọng và nâng niu họ. Bản thân các nữ cầu thủ không muốn mình xấu hay tự ti trong mắt mọi người, họ không thích than nghèo, kể khổ, vì thế, hãy hiểu và chia sẻ với họ ngay từ những điều nhỏ nhặt như thế.
Minh Tiến