Câu chuyện văn hóa: Những chuyện ghi ở nơi Thác Trời
(Thethaovanhoa.vn) - Trong những câu chuyện cổ mà những bậc cao niên người Raglai vùng cao Khánh Vĩnh của tỉnh Khánh Hòa thường kể cho con cháu mỗi dịp lễ bỏ mả, mỗi dịp con cháu đi xa trở về đều luôn nhắc đến Thác Trời (Nước Trời) mà theo tiếng Raglai nghĩa là Yang Bay, nơi nguồn nước trời đổ xuống trần gian ban tặng cho muôn loài.
Sau bao biến thiên của thời gian, thêm vào đó là bàn tay kiến tạo của con người, giờ đây Yang Bay đã trở thành một công viên du lịch quy mô, đẹp đẽ mà vẫn giữ được những nét cổ xưa của nơi dòng Nước Trời đổ xuống trần gian...
1. Từ phố biển Nha Trang, chúng tôi vượt qua cung đường dài khoảng 40km để đến với Yang Bay trong một đoàn khách có cả khách Nga lẫn khách Việt. Cung đường này đi qua vòng vèo những cánh đồng mía, ngoằn ngoèo dưới những tán lá rừng bạt ngàn, lộng gió. Vượt qua những con đường quanh co, cổng Công viên du lịch Yang Bay hiện lên với những nụ cười chào khách thân thiện như cố nhân lâu ngày gặp lại của nhân viên nơi đây.
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là bên cây “Mộc thần”, thực chất gồm 1 cây da và 1 cây si cổ thụ sống nương tựa rồi hòa hợp vào nhau. Cũng chẳng biết có phải vì sự hòa hợp ấy không mà trên thân cây lấp ló hàng trăm, hàng ngàn những dải băng đỏ cầu sự may mắn và theo lời một nhân viên ở đây là chủ yếu cầu duyên. Kosenok Alexey, một du khách Nga 23 tuổi, tay cầm một dải băng đỏ ghi dòng chữ “Анна - Я люблю тебя” (dịch sang tiếng Việt là “Anna - Anh yêu em”) đang loay hoay buộc thật chặt vào một cành cây “Mộc Thần”.
Khi được hỏi về chuyện này, anh Kosenok cười lớn và chia sẻ: “Đây là một phong tục rất hay và thú vị của người Việt. Sẽ có một ngày nào đó, tôi sẽ trở lại đây, tại cái cây này, cùng với người tôi yêu để cô ấy đọc được những lời tôi nhắn gửi cho cô ấy ngày hôm nay. Hy vọng lúc ấy, dải băng này vẫn còn”.
2. Rời “Mộc thần”, chiếc xe điện mô phỏng một đoàn tàu lửa vượt những triền núi đầy rực rỡ sắc màu hoa cổ tích để đưa chúng tôi đến khu Trò chơi dân gian. Chúng tôi bước những bước chân đi trên sỏi lạo xạo, trên cỏ xanh mướt trong một không gian ngập tràn tiếng gà gáy, tiếng chim và cả tiếng ụt ịt của những con heo đang ủi đất cạnh những bụi khoai nước.
Không gian ấy, âm thanh ấy cùng với hình ảnh đoàn tàu cổ tích dường như đồng hành cùng du khách trong hành trình ngược về hồi ức tuổi thơ. Bà Trần Lan Anh, một du khách 64 tuổi đến từ Hà Nội, đã chia sẻ những cảm xúc của mình: “Tôi sống ở Hà Nội, chật chội và tất bật, nhưng trong đầu tôi vẫn luôn nhớ thương một thời tuổi thơ vẳng tiếng gà mỗi sáng, con lơn ụt ịt bờ ao. Tôi đã như được trở về tuổi thơ vì đã lâu lắm rồi tôi mới bắt gặp một không gian giống vậy, lại giữa một nơi cách quê hương mình cả ngàn cây số, thật sự rất nhiều cảm xúc”.
Người già thì hoài niệm, trẻ nhỏ thì hồ hởi, vui tươi khi đến khu Trò chơi dân gian này, có lẽ lần đầu tiên trong đời các em được xem đua heo, xem chọi gà và được cho gấu ăn... Những hoạt động ấy đơn giản nhưng lại vô cùng gần gũi, sẽ là một nét tươi mới trong tâm hồn những đứa trẻ thành phố suốt tuổi thơ chỉ biết đến phố phường, xe cộ bụi bặm.
3. Yang Bay theo tiếng Raglai nghĩa là Thác Trời, Nước Trời (Yang là trời, Bay là nước, là thác). Cảm giác đầu tiên của chúng tôi khi nhìn thấy dòng Nước Trời ấy là cảm giác khoáng đạt khi dòng nước đổ từ trên cao xuống, tung bọt trắng xóa giữa bạt ngàn màu xanh của núi rừng. Anh Cao Mân Dinh, người dân tộc Raglai bản địa kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện về Yang Bay, nghe về sự quan trọng của Yang Bay trong đời sống cũng như tâm linh của bà con Raglai nơi đây. Anh nói, tuổi thơ tôi cũng như tuổi thơ biết bao người Raglai vùng này đều gắn bó với nguồn Nước Trời này, đối với những người con Raglai xa quê, được vẫy vùng, lăn ngụp trong dòng nước Yang Bay luôn là một mong muốn cháy bỏng khi trở về.
“Giờ đây, khi Yang Bay đã được bảo tồn, trở thành một Công viên du lịch đẹp đẽ dưới sự xây dựng và quản lý của Tổng công ty Khánh Việt, người Raglai quanh vùng được tạo công ăn việc làm tại chính nơi Nước Trời của dân tộc, chúng tôi mừng lắm. Vậy là vẻ đẹp của dòng Nước Trời người Raglai tôi đã có nhiều người từ khắp đất nước biết, vui lắm, vui lắm”, anh Cao Mân Dinh hào hứng chia sẻ.
4. Khi mới được Tổng Công ty Khánh Việt tiếp nhận lại năm 2003, Yang Bay chỉ là khu rừng - thác hoang sơ, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, việc đi lại rất khó khăn. Tận dụng cảnh quan thiên nhiên trời ban cộng với những bàn tay kiến tạo khéo léo của người Khatoco, Yang Bay đã thực sự đẹp đẽ hơn. Khatoco đã mời các chuyên gia địa chất, kiến trúc trong và ngoài nước đến khảo sát, từ đó xây dựng mô hình phát triển du lịch phù hợp nhưng vẫn đảm bảo cảnh quan môi trường tự nhiên.
Yang Bay bắt đầu chuyển mình, phát triển thành Công viên du lịch Yang Bay. Từ vùng đất hoang sơ, giờ đây, Yang Bay đã trở thành khu du lịch sinh thái với nhiều loại hình sản phẩm du lịch độc đáo. Và giờ đây, khi lễ hội Yang Bay 2014 (ngày 20/7/2014) đang gần kề, khi thiêng đất trời vùng “xứ trầm, biển yến” như tụ lại ở nơi đây, ở nơi Thác Trời đổ xuống trần gian để làm cội nguồn sự sống cho muôn loài.
Và hôm nay, không đợi đến không khí lễ hội “Huyền thoại thác Yang Bay” thì ngay từ khi tiếp nhận, Khatoco đang từng ngày biến Yang Bay thành huyền thoại, một điểm đến không thể thiếu của lữ khách khi ghé Khánh Hòa.
Chương trình “Huyền thoại thác Yang Bay” được coi là điểm nhấn trong tháng 7 này của Khatoco. Một đồng nghiệp chúng tôi “khoe” rằng dẫu mới năm trước ghé Yang Bay, giờ đây trở lại anh vô cùng ngạc nhiên về không gian thay đổi từng ngày ở đây, chẳng khác đang lạc vào một công viên nào đó ở nước ngoài. Và chắc chắn lễ hội năm nay sẽ là một “bữa tiệc thịnh soạn về âm thanh- sắc màu- nghệ thuật và những giá trị văn hóa độc đáo mà BTC đang dày công gầy dựng. Ngày xưa, khoảng hơn 15 năm trước, muốn đến được thác phải đi theo con đường mòn xuyên rừng, len lỏi qua cánh rừng già mới chạm được bước chân đến nơi ông trời đang đổ nước. Giờ đây, bằng sự sáng tạo diệu kỳ của con người nhưng tôn trọng tuyệt đối nét hoang sơ của rừng núi, thiên nhiên, Công viên du lịch Yang Bay đang là điểm đến lý tưởng với những ai yêu Nha Trang, muốn cảm nhận trọn vẹn nhất thiên nhiên. |
Hải Hồng